Monday, July 30, 2018

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 31/7/1952
“Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc.”[1]
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, đăng trên Báo Nhân dân, số 68, ngày 31 tháng 7 năm 1952. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước sang giai đoạn gay go, ác liệt, đòi hỏi phải đoàn kết chặt chẽ, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu, đã được nhân dân phê bình nhưng còn có dấu diếm, chưa kiên quyết kiểm thảo và sửa chữa không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ. Ngày nay, tham nhũng, lãng phí được Đảng ta coi là giặc nội xâm, là đồng minh của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, cần phải kiên quyết đấu tranh để bài trừ khỏi đời sống xã hội.
          Những tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Thấu triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, qui định và các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mở rộng dân chủ rộng rãi ở cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, gắn với phát động và động viên sự giám sát của nhân dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm để loại bỏ thứ giặc nội xâm ra khỏi đời sống xã hội đã trực tiếp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
          Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qui định trách nhiệm của người cán bộ chủ trì và tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký cam kết chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, Nhà nước; thực hiện nghiêm, có chất lượng qui định về kê khai tài sản với các đối tượng theo qui định; phát huy dân chủ rộng rãi thông qua sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đơn vị, thực hiện tài chính công khai ngày, tuần, tháng; tổ chức có nền nếp, chất lượng Ngày Chính trị, văn hóa tinh thần; Ngày Pháp luật ở đơn vị. Đồng thời, tích cực triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực học tập, công tác, sinh hoạt ở đơn vị tạo bầu không khí dân chủ, tin cậy, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.457.

Sunday, July 29, 2018

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 30/7/1950
“Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”[1].
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, đăng trên Báo Sự thật, số 137, ngày 30 tháng 7 năm 1950. Đây là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn ác liệt, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, một số địa phương, cán bộ, đảng viên chấp hành chưa nghiêm chế độ báo cáo, xin chỉ thị hoặc có làm nhưng chất lượng thấp ảnh hưởng chung đến sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả nước. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Xin chỉ thị, gửi báo cáo” để kịp thời trấn chỉnh tình hình đó.
Lời dạy của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc về tính tổ chức, tính kỷ luật của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương; khắc phục tình trạng biệt lập, cục bộ, qua đó tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công và giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải luôn nhận thức đúng và thường xuyên rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp báo cáo, xin chỉ thị của cấp trên và các cơ quan chức năng; đặc biệt, trước những nhiệm vụ lớn, những nội dung mới liên quan đến nhiều lực lượng và có phạm vi ảnh hưởng rộng cần phải có sự phối hợp để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng, chính xác các mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên và báo cáo kết quả thực hiện phải trung thực, kịp thời, không che dấu khuyết điểm, hạn chế. Kiên quyết đấu tranh phê phán phương pháp, tác phong làm việc tùy tiện, chủ nghĩa kinh nghiệm; báo cáo thiếu trung thực, làm thì kém, báo cáo thì hay… ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.417.

Friday, July 20, 2018

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 20/7/1957
“Con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa của các dân tộc là con đường chung của thời đại, của lịch sử, không ai ngăn cản nổi.”[1]
Câu nói trên được trích trong phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch Dapôtốtxki nước Cộng hòa Tiệp Khắc ngày 20 tháng 7 năm 1957 nhân dịp Người sang thăm và làm việc với nước bạn. Đây là thời kỳ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kiên trì thực hiện Hiệp định Giơnevơ để thống nhất Tổ quốc bằng phương pháp hòa bình.
Hồ Chí Minh một mặt khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là chân lý của thời đại, dù có khó khăn, gian khổ đến đâu, nhưng đó chắc chắn là quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người. Mặt khác, đó còn là sự khẳng định về tính đúng đắn, sáng tạo của của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xác định con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người đã thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng và cảm mến với những thành quả của sự nghiệp cách mạng mà nhân dân, Chính phủ Tiệp Khắc anh em đã giành được và khẳng định tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng giữa nhân dân hai nước để cùng tiến bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lời dạy của Bác là cơ sở quan trọng để Đảng ta nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong cương lĩnh xây dựng đất nước, xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, nhất là giai đoạn cuối thế kỷ XX khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào thoái trào và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay. Thành tựu bước đầu rất quan trọng của hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng càng làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự kiên định của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta là đúng đắn, hợp quy luật.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, thấu triệt lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thái độ phân biệt đúng, sai, không dao động trước các tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.19

Tuesday, July 17, 2018

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 18/7/1955
“Dựa vào nhân dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được.”[1]
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Sức mạnh nhân dân” bút danh H.B, đăng trên Báo Nhân dân số 502, ngày 18 tháng 7 năm 1955. Đây là năm đầu miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào khôi phục kinh tế, tiếp tục cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, nhằm mục đích củng cố hòa bình, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cần phải phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để giành thắng lợi của cách mạng trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức đúng và đề cao vai trò của nhân dân, Người chỉ rõ: Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Đây chính là triết lý về vai trò của nhân dân và mối quan hệ giữa Đảng với dân; là định hướng về tư tưởng, thái độ và hành động cho cán bộ, đảng viên trong quan hệ với nhân dân. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; luôn tôn trọng dân, lắng nghe và học hỏi dân; khơi nguồn sức mạnh trong dân, biết dựa vào dân để giải quyết các công việc cách mạng. Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và làm tốt công tác dân vận, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân để giành thắng lợi trong kháng chiến, kiến quốc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, tin tưởng và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Mối quan hệ quân - dân là một hình mẫu tiêu biểu cho mối quan hệ máu thịt, cá - nước, thủy chung vẹn toàn, trở thành lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng.
Thực hiện chức năng đội quân công tác, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tích cực làm tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo; xóa mù chữ; xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… Qua đó, không ngừng củng cố, giữ vững mối quan hệ gắn bó quân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, thiết thực thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.47

Monday, July 16, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA


Ngày 17/7/1966
“ ...Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[1].
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17 tháng 7 năm 1966 trong thời điểm đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam; đồng thời, leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đồng tâm, nhất trí, anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hiến dâng máu xương, chiến đấu, hy sinh đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, hung bạo, giải phóng dân tộc và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; song giá trị của lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn không hề thay đổi. Chân lý đó đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng chính là cội nguồn để tạo nên “những thành tựu có ý nghĩa lịch sử” góp phần nâng cao uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhận thức sâu sắc, tin tưởng vào đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, nhận rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng bản lĨnh chính trị kiên định, vững vàng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí, trang bị, tinh thông về kỹ, chiến thuật, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.130-133.

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 16/7/1947
 “Những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc thì dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh.”[1]
Đây là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về truyền thống khoan dung, độ lượng của dân tộc Việt Nam khi Người trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài ngày 16 tháng 7 năm 1947. Thời điểm này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Đây cũng là lúc xuất hiện các quan điểm trái chiều về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cần phải được định hướng cho thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nước nào cũng có những đảng phái với những quan điểm chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Song khi lợi ích chung của dân tộc bị lâm nguy thì các đảng phái phải đoàn kết để cứu nước. Do đó, sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam là thực hiện lợi ích chung của dân tộc. Nếu đảng phái nào lợi dụng sự khác nhau về quan điểm chính trị mà phản kháng chiến, phản nhân dân, đi theo phe địch thì quốc dân không thể tha thứ, lịch sử không thể khoan dung. Song nhân dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh những người lỡ đi lầm đường mà biết trở về với Tổ quốc.
        Tư tưởng nhân văn, nhân đạo Hồ Chí Minh đã thấu suốt trong các chủ trương, chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách đối với tù, hàng binh. Truyền thống, chính sách khoan hồng, nhân văn, nhân đạo không chỉ đối với những người Việt Nam lầm đường, lạc lối đi theo giặc, nay giác ngộ và trở về với Tổ quốc, mà được quân và dân ta đối xử khoan hồng, nhân đạo với cả những tù, hàng binh, những người đã mang bom, đạn đến tàn phá quê hương, cướp bóc tài sản, giết hại người già, phụ nữ và trẻ em vô tội. Lòng khoan dung, vị tha, độ lượng, chính sách khoan hồng, nhân đạo thể hiện sâu sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam và bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tất cả vì con người, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng con người.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có lý tưởng chiến đấu cao đẹp, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với dân; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả, chấp hành nghiêm chính sách đối với tù, hàng binh... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.201

Thursday, July 12, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 13/7/1952
“Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập.”[1]
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong: “Bài nói chuyện tại hội nghị chiến tranh du kích”, ngày 13 tháng 7 năm 1952. Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang có biểu hiện trông chờ vào sự giúp đỡ của các nước bạn. Mặt khác, lại xuất hiện tư tưởng nóng vội muốn đánh thắng ngay. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn chấn chỉnh nhận thức, củng cố niềm tin, phát huy nội lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực tham gia thúc đẩy cuộc kháng chiến nhanh chóng giành thắng lợi.
Qua bài nói chuyện, Người nhấn mạnh, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta là trường kỳ gian khổ nhưng lại phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nhận thức rõ chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường trong thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị, từng địa phương và nhiệm vụ chung của cách mạng. Tinh thần tự lực, tự cường của cả dân tộc là nhân tố quan trọng để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của dân tộc.
Ngày nay, xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường vẫn là yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, trong khi mở rộng hợp tác quốc tế theo tinh thần Việt Nam là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đảng ta phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, chủ động tự lực cánh sinh thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, luôn làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng để mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các đối tác góp phần xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.445

Wednesday, July 11, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 12/7/1951
 “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí.”[1]
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Phê bình”, đăng trên Báo Nhân dân, số 16, ngày 12 tháng 7 năm 1951. Bối cảnh lúc này, Đảng ta củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời mở rộng đoàn kết quốc tế để đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công. Hồ Chí Minh khẳng định phê bình và tự phê bình là một vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật tồn tại và phát triển là công cụ sắc bén để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức đoàn thể cách mạng.
Lời dạy của Bác đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện tự phê bình và phê bình, giúp cho mỗi đảng viên và tổ chức đảng kịp thời nhận rõ những ưu điểm để phát huy; những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, bảo đảm cho Đảng ta thực sự là một đảng cách mạng chân chính, luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có chủ trương, đường lối đúng đắn lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, Quân ủy Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân đã ban hành đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, luôn đề cao tự phê bình và phê bình, coi đó là quy luật phát triển, là vũ khí sắc bén để giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa./.  


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.114

Monday, July 9, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 10/7/1960
“Phải lấy việc làm thực tế mà hướng dẫn nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[1].
Lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Quốc hội ta vĩ đại thật”, đăng trên Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10 tháng 7 năm 1960. Bài viết đã nêu lên ý nghĩa và những quyết định lịch sử của Quốc hội khóa I; đồng thời, khẳng định thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa II trong bối cảnh nhân dân ta đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Đây là sự kỳ vọng, cũng là lời căn dặn và giao nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để các đại biểu Quốc hội khóa II thực sự là nơi gửi gắm quyền lực chính trị của nhân dân. Quốc hội phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi đại biểu Quốc hội phải luôn sâu sát thực tế, bám nắm thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bằng những hành động cụ thể, mẫu mực để làm gương và hướng dẫn nhân dân.
Lời dạy của Người, không chỉ là phương châm hành động, mục tiêu phấn đấu của đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử ở các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, mà còn là cơ sở, tiêu chí để nhân dân, quần chúng lựa chọn người đại diện cho mình và giám sát việc thực hiện của các đại biểu Quốc hội. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân ta đã luôn đề cao trách nhiệm, lựa chọn được những người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, tiền phong, gương mẫu về lời nói và hành động để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đại biểu quân đội được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội luôn là những tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về phương pháp, tác phong và phong cách công tác, nói đi đôi với làm, sâu sát quần chúng và làm gương cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân noi theo. Trong tình hình hiện nay, trước xu thế dân chủ hóa và yêu cầu phát huy nhân tố con người trong xây dựng quân đội, đòi hỏi cần phải quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mỗi quân nhân cần nhận rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn bầu ra những đại biểu đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của quân nhân trong đơn vị. Mặt khác, những người được lựa chọn làm đại diện cho quyền lợi chính trị, quân sự, kinh tế của quân nhân phải luôn nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng là tấm gương mẫu mực để quần chúng noi theo./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.624

Sunday, July 8, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 09/7/1947
“Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”[1].
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 09 tháng 7 năm 1947. Đây là giai đoạn đầu thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, đòi hỏi Đảng ta phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ, nâng cao nhận thức của toàn dân về mục đích, tính chất, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. Trên cơ sở đó, xây dựng ý chí quyết tâm, củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào sự tất thắng của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đây cũng chính là phương châm, phương hướng phấn đấu, rèn luyện đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, công tác dân vận; là một phong cách mới trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng ta nói chung, của mỗi cán bộ, đảng viên và người làm công tác tuyên truyền nói riêng. Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền của Đảng đã luôn bám sát mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng; đặc điểm, tình hình của địa phương và nhân dân để lựa chọn đúng, trúng nội dung, phương pháp tuyên truyền, tạo nên sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân và sự thống nhất ý chí, hành động của toàn dân trong thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân có lý tưởng chiến đấu cao đẹp, yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; đề cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác; có tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả; gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng giúp đỡ, tin yêu, ghi nhận và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Hằng năm, toàn quân có hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia làm công tác dân vận, các đoàn kinh tế - quốc phòng, cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường xã… đã trực tiếp tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ máu thịt quân - dân và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.191

Thursday, July 5, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 06/7/1953
“Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được, trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”[1].
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Sẽ được mấy lâu?”, đăng trên Báo Nhân dân, số 122, từ ngày 06 đến ngày 10 tháng 7 năm 1953; là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước vào tổng phản công, quyết giành thắng lợi cuối cùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải hành động vì dân, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới tin tưởng và ủng hộ Chính phủ thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước ta luôn xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của nhân dân để xác định chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nhân dân tin tưởng, đi theo Đảng, theo cách mạng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng... Đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải sâu sát quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, có chủ trương, đường lối hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân. Có như thế, mới tranh thủ được thời cơ, vượt qua thách thức, tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta luôn thực hiện tốt chức năng đội quân công tác trong tình hình mới, quan tâm chăm lo củng cố mối quan hệ đoàn kết nội bộ và làm tốt công tác dân vận; xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả; tiêu biểu: “Nâng bước em tới trường”, “Tết Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết quân dân”, “Xuân biên cương, Tết hải đảo”, “Tặng bò giống cho đồng bào nghèo”, “Bệnh xá quân dân y kết hợp”, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… góp phần củng cố, giữ vững thế trận lòng dân, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tập trung xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; không ngừng tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.163