Wednesday, October 31, 2018

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 01 tháng 11
          …Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, gửi cho báo Pravđa (Liên Xô); Báo Nhân dân, đăng số 4952, ngày 01 tháng 11 năm 1967.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh xem chủ nghĩa Mác - Lênin như kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và Người luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” đó vào thực tiễn cách mạng. Sự khẳng định trên của Bác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định và đánh giá cao bài học kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng, đó là một trong những bài học có tính nguyên tắc và phổ biến, đảm bảo cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức. Thực tiễn chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục giành những thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Đảng ta phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Đối với Quân đội ta, đó cũng là nguyên tắc, nền tảng tư tưởng để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn cao tinh thần tự giác, tích cực nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng; đồng thời biết vận dụng sáng tạo vào hoạt động thực tiễn của đơn vị nhằm thực hiện có hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 15, tr.391.


Tuesday, October 30, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 31 tháng 10
Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng[1].
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt”, bút danh “T.L”, đăng Báo Nhân dân, số 3503, ngày 31 tháng 10 năm 1963.
Đây là sự đánh giá, khẳng định của Bác về bản chất, nguồn gốc sức mạnh của Đảng, vai trò, mối liên hệ mật thiết giữa chi bộ với quần chúng.
Quán triệt và thực hiện lời Bác dạy, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chi bộ, coi chi bộ là tế bào, là cơ sở của Đảng, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; đảng viên là những người có trách nhiệm góp phần xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời có trách nhiệm tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đó với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; làm cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng ta xứng đáng với trọng trách là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Thực hiện lời Bác Hồ dạy, công tác xây dựng Đảng trong Quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc. Chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ không ngừng được nâng lên. Đội ngũ đảng viên trong quân đội phát triển cả số lượng và chất lượng, luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao; kiên định lập trường giai cấp công nhân, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng chiến đấu của Đảng, của Quân đội; phát huy tốt tinh thần chủ động, sáng tạo, tự nguyện, tự giác, dám nghĩ, dám làm, gương mẫu trước bộ đội được bộ đội tin yêu, thật sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết trong đơn vị. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên trong toàn quân tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những việc làm thiết thực, hiệu quả, sát chức trách, nhiệm vụ được giao, theo phương châm “trong trước, ngoài sau, trên trước, dưới sau” tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, thiết thực góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.14, tr.193.



Monday, October 29, 2018

Quân đoàn 4 diễn tập chiến thuật hiệp đồng quân binh chủng có bắn đạn thật năm 2018 - Kênh QPVN

Quân đoàn 4: diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật hiệp đồng quân binh chủng năm 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 30 tháng 10
Dân quân du kích ta có truyền thống rất vẻ vang: già trẻ, gái trai, đều anh dũng đánh giặc, cứu nước cứu nhà; tài giỏi mưu trí, lấy ít thắng nhiều[1].
Đây là lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho dân quân du kích Việt Nam trong “thư gửi các chiến sĩ dân quân du kích”, Người viết ngày 30 tháng 10 năm 1968.
Kế thừa truyền thống “trăm họ là binh”, “cả nước chung sức đánh giặc” của dân tộc, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy được sức mạnh của cách mạng bắt nguồn từ quần chúng và đã đề ra chủ trương “vũ trang công nông”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng nuôi dưỡng và đùm bọc, lực lượng dân quân tự vệ và du kích đã không ngừng phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp, từng bước xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, góp phần to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng toàn dân tộc giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà; tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
Vinh dự, tự hào với lời khen tặng của Bác kính yêu, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân ở cơ sở và góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.510.

Sunday, October 28, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 29 tháng 10
Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, đăng trên Báo Cứu quốc, số 77, ngày 29 tháng 10 năm 1945.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, núp bóng quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, rồi đánh chiếm rộng ra cả Nam Bộ, Nam Trung Bộ và phần lớn Cam-pu-chia; khống chế vùng nông thôn rộng lớn ở Lào,... từng bước thực hiện dã tâm xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Nền độc lập mà dân tộc ta mới giành lại được phải đương đầu với nhiều kẻ thù, bị uy hiếp từ nhiều phía. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi đồng bào Nam Bộ giữ vững tinh thần chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc; trong đó Người tiếp tục khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng hy sinh của dân tộc ta là sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần “Quyết tử, để Tổ quốc quyết sinh” là nhân tố bao trùm, tạo nên bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần quả cảm của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong lịch sử và tỏa sáng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Những giá trị văn hóa ấy, không chỉ có sức mạnh tập hợp, đoàn kết trong suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh mà còn lan xa, thấm đậm trong lòng bạn bè quốc tế, thức tỉnh lương tri nhân loại trên thế giới ủng hộ Việt Nam đánh bại mọi đế quốc, thực dân xâm lược và bè lũ tay sai, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và gặt hái được những thành tựu bước đầu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ra đời vào thời điểm đầy gian khó của cách mạng Việt Nam, trong cuộc đấu tranh sống còn của dân tộc chống ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân - phong kiến, Quân đội ta đã được Đảng và Bác Hồ thành lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện; từ 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí thô sơ của ngày đầu thành lập, Quân đội ta đã không ngừng phát triển, trưởng thành, lập nên những chiến công chói lọi. Cán bộ, chiến sỹ đã hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, sẵn sàng “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai... Với truyền thống vẻ vang và những chiến công vang dội đó, Quân đội ta thật sự là Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”./.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.89.


Thursday, October 25, 2018

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 26 tháng 10
Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình.
Làm như thế thì chúng ta sẽ phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa sạch khuyết điểm. Đánh thắng khuyết điểm của ta tức là đã một lần đánh thắng quân địch”.[1]
Đây là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sĩ”, báo Cứu quốc, số 1676, ngày 26 tháng 10 năm 1950.
Sau thắng lợi của các trận Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng mở ra một thời kỳ mới trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược - thời kỳ thế chủ động trên chiến trường hoàn toàn nằm trong tay quân đội cách mạng Việt Nam.
Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Để khắc phục sự chủ quan, tự mãn có thể sẽ xuất hiện trong cán bộ, chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời viết thư để tri ân các liệt sĩ, thăm hỏi thương binh, động viên bộ đội và huấn thị cán bộ phải làm tốt công tác lãnh đạo việc phê bình và tự phê bình. Bởi theo Bác, muốn phát huy tốt tác dụng của phê bình, phải tự phê bình mình trước, phê bình từ trong cấp ủy, trong chi bộ đến đơn vị. Tự phê bình không phải là tự hạ thấp mình, tự “nhún nhường” mà là thể hiện trình độ nhận thức, lòng dũng cảm, sự trung thực, ngay thẳng trước tổ chức, đồng chí, đồng đội và rộng hơn là trước Đảng, trước nhân dân; là thể hiện tinh thần cầu thị, ý chí vươn lên của bản thân.
Thấu triệt tư tưởng đề cao tự phê bình và phê bình, nhất là với đối với đội ngũ cán bộ các cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn kiên định và thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng, coi đây là nguyên tắc cơ bản xây dựng Đảng. Sự trưởng thành của Đảng ta trong hơn 80 năm qua một phần quan trọng là do Đảng luôn kiên định và thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trong đó có tự phê bình và phê bình, phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược luôn gương mẫu trong học tập, rèn luyện, đề cao tự phê bình và phê bình, có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, phong cách, năng lực lãnh đạo, chỉ huy tốt; có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phương pháp làm việc khoa học, khả năng phân tích, xử lý tốt các tình huống; có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và khả năng phát huy được sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị; gần gũi, sâu sát với bộ đội, được cán bộ, chiến sĩ tin tưởng, yêu mến./.
 




Wednesday, October 24, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 25 tháng 10
“Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[1].
Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường chính trị trung cấp Quân đội (nay là Học viện Chính trị/ Bộ Quốc phòng) nhân dịp Người về thăm trường ngày 25 tháng 10 năm 1951.
Bác đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của chính trị đối với quân sự và quân đội. Theo Người, chính trị là hồn cốt, là yếu tố quyết định sức mạnh của quân đội. Chính trị không chỉ là đường lối, chính sách của Đảng, còn là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến đấu hy sinh của cán bộ, đảng viên. Quan điểm này của Hồ Chí Minh không chỉ đúng với học thuyết Mác - Lênin về xây dựng quân đội của giai cấp vô sản, mà còn kế thừa những giá trị truyền thống đặc sắc về xây dựng quân đội của ông cha ta, như “hun đúc bằng những điều nhân nghĩa” cho quân đội. Hơn cả, là sự phù hợp với thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nước ta trong điều kiện còn hạn chế về vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh.
 Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; xu thế quốc tế hóa và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hay tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; đáng chú ý là các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình chống phá cách mạng nước ta, cổ xúy cho cái gọi là: “quân đội phi chính trị”, “quân đội phi đảng phái”, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam càng phải thấm nhuần hơn lời dạy của Người về xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng quân đội về chính trị; tăng cường bản chất giai cấp công nhân, nâng cao giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh; phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa quân đội và nhân dân; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam… để dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, quân đội ta vẫn luôn giữ vững, phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc; thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước./.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr.217.

Lữ đoàn Công binh 550 Quân đoàn 4 trước mùa huấn luyện

Tuesday, October 23, 2018

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 24 tháng 10
 Đối với các em, việc giáo dục gồm có:
Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khỏe, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức thấy,
Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư “Gửi các em học sinh”, nhân dịp khai giảng năm học mới, với bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân dân số 600, ngày 24 tháng 10 năm 1955.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà. Người coi: “Giáo dục là cốt sách hàng đầu” trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người luôn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển con người toàn diện cả về thể lực, đạo đức, trí lực, tài năng và thẩm mỹ. Tư tưởng đó là hình mẫu sinh động của con người toàn diện cho hiện tại và tương lai. Tư tưởng phát triển con người toàn diện của Người là chỉ dẫn sáng suốt để xây dựng thành công chiến lược phát triển con người toàn diện trong điều kiện mới ở nước ta.
Thấu triệt lời Bác dạy năm xưa, Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục, đào tạo nước ta luôn quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp, nhằm xây dựng những con người mới vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời căn dặn của Bác Hồ:  “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện trong các học viện, nhà trường, đơn vị quân đội luôn được Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp đặc biệt quan tâm với việc ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu - giáo dục chính trị và công tác giáo dục, đào tạo phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm khoa học, thiết thực. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện, tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.175.


Monday, October 22, 2018

Sư đoàn 9 tổ chức diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật năm 2018

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 23 tháng 10
Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời tuyên bố với quốc dân” sau chuyến đi Pháp về, ngày 23 tháng 10 năm 1946, đăng trên Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23 tháng 10 năm 1946.
Sau khi nêu rõ mục đích, ý nghĩa và kết quả của chuyến đi Pháp, đề ra nhiệm vụ cụ thể của cách mạng nước ta từ tháng 10 năm 1946 đến tháng 1 năm 1947, Người cũng bày tỏ điều tâm niệm bấy lâu của mình: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản cao quý là tấm gương sáng ngời phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu cho đất nước được độc lập, phồn vinh, cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Trong con người Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất hội tụ của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người còn là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà lại vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết, tin tưởng và gắn bó với quần chúng, hết lòng, hết sức chăm lo cho nhân dân. Người thường xuyên giáo dục cán bộ phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, và chính bản thân Người là tấm gương tiêu biểu về tấm gương đạo đức trọn đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một học trò xuất sắc và là một cộng sự thân thiết, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “…Đó là cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”.
Tư tưởng, phong cách và tấm gương đạo đức sáng ngời suốt đời hy sinh chiến đấu, tận tụy phục vụ, vì nước, vì dân “Chỉ biết quên mình cho hết thảy” của Bác Hồ càng thúc giục chúng ta học tập noi theo Người, trở thành nhu cầu tự thân, việc làm tự giác, thường xuyên hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, được nhân dân yêu mến, tin tưởng, giúp đỡ và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, lập nên truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng”. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm, toàn quân tích cực làm tốt công tác dân vận, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; chung sức xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.470.

Friday, October 19, 2018

Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XII

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 4 trực tiếp thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 8 đến các đại biểu


Sáng 19-10, Đảng ủy Quân đoàn 4 tổ chức hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XII cho hơn 360 cán bộ chủ trì từ cấp Trung đoàn trở lên. Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 4 nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của Hội nghị Trung ương lần này, đồng thời trực tiếp thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đến các đại biểu. Tập trung vào các nội dung Trung ương họp, bàn, kết luận: Tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nuớc năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và d toán ngân sách nhà nước năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung uơng 4 khoá X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cản bộ, đảng viên...; Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; Công tác cán bộ; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 7 đến Hội nghị Trung ương 8; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2017.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy Quân đoàn yêu cầu, các đại biểu tập trung quán triệt cập nhật đầy đủ thông tin về quá trình làm việc và kết quả Hội nghị Trung ương 8 đã họp bàn và kết luận để ngay sau hội nghị này, các cấp tiến hành phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn quân đoàn.


Tin, ảnh: LÊ CẦU

Thursday, October 18, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA


Ngày 19 tháng 10
Từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng[1].
Đây là lời khẳng định và khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phụ nữ Việt Nam trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20, Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1946-20/10/1966), tổ chức ngày 19 tháng 10 năm 1966.
Cả cuộc đời phấn đấu hy sinh cho dân tộc, giải phóng phụ nữ luôn là khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh và Người luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ ở thế kỷ XX. Nhưng đồng thời Bác cũng luôn thức tỉnh phụ nữ muốn được giải phóng, chị em cũng phải đấu tranh, không ngừng học hỏi, đoàn kết, làm trọn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Đã có rất nhiều phụ nữ nước ta được Bác khen tặng bởi những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trên mọi lĩnh vực... trong chiến tranh đã xuất hiện nhiều những tấm gương phụ nữ chiến đấu anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; tiêu biểu như: Chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Định… xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu, với lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu.
Vinh dự, tự hào với lời khen tặng của Bác kính yêu, tự hào về truyền thống hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữu nước của dân tộc,  Phụ nữ Việt Nam không ngừng thi đua học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội. Nhiều chị em đã trở thành những nhà khoa học, văn nghệ sĩ tài năng, những vị lãnh đạo có giữ cương vị cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, xứng đáng với sự quan tâm và tin tưởng của Bác Hồ.
Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, khắc ghi lời Bác dạy, phụ nữ Quân đội tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để xứng đáng với lời khen tặng của Bác kính yêu./.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.174.

Wednesday, October 17, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 18 tháng 10
Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến cùng để mưu tự do, hạnh phúc cho dân tộc[1].
Đây là lời của Hồ Chí Minh trong “Thư gửi đồng bào tỉnh Lào Cai”, ngày 18 tháng 10 năm 1945, báo Cứu quốc, đăng số 71, ngày 19 tháng 10 năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ khi mới ra đời, Nhà nước ta đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trước vận mệnh của chính quyền cách mạng được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”; trên cương vị Chủ tịch nước, với bộn bề lo lắng, nhưng Bác vẫn dành sự quan tâm ân cần, sâu sắc đến đồng bào các dân tộc miền núi và chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc, làm tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng Việt Nam.
Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là để tạo nên lực lượng cách mạng to lớn, để làm cách mạng xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới. Do đó, đại đoàn kết dân tộc không thể chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi, mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nó phải biến thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng vật chất có tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta xác định, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng. Sứ mệnh lịch sử của Đảng là thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn nhằm chuyển những nhu cầu, đòi hỏi khách quan, chính đáng nhưng mang tính tự phát của quần chúng thành sự tự giác, có tổ chức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Chính sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết và xây dựng tinh thần đoàn kết đã trở thành lời thề danh dự của người quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhờ xây dựng tốt tinh thần đoàn kết gắn bó đồng chí, đồng đội, cấp trên với cấp dưới như ruột thịt, lúc thường cũng như lúc ra trận; đoàn kết quân với dân như cá với nước và đoàn kết quốc tế trong sáng, thuỷ chung… đã tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta. Thực tế đã chứng minh, ở đâu, khi nào mà cấp uỷ, chỉ huy các cấp quan tâm chăm lo lãnh đạo xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết, thì cơ quan, đơn vị đó luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và ngược lại. Do vậy, đặt ra yêu cầu với cấp uỷ, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, chung sức, đồng lòng xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.




[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t4, tr.67.

Tuesday, October 16, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 17 tháng 10
“Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ký tên Hồ Chí Minh; đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17 tháng 10 năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, đã xuất hiện một bộ phận nhỏ cán bộ có tư tưởng công thần, hách dịch, vun vén lợi ích cá nhân, thiếu sâu sát, quan tâm đến đời sống của quần chúng nhân dân, gây bức xúc dư luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phát hiện, Người viết bài đấu tranh, lên án gay gắt và nghiêm khắc chấn chỉnh.
Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn mưu cầu cuộc sống tốt đẹp cho mỗi con người, quyền có cuộc sống ấm no, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, người già, người nghèo, người tàn tật được giúp đỡ. Các quyền con người về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội được chú trọng và hoàn thiện. Ở Bác, quyền dân tộc và quyền con người là thống nhất trong cả nhận thức và hành động, trong quan điểm, đường lối, chính sách và pháp luật mà Người mong muốn thực hiện. Không có độc lập chân chính, bền vững thì không thể thực hiện được quyền con người và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản, thiết thực của con người.
Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống về mọi mặt của nhân dân; chú trọng phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nhiệm vụ trọng tâm đó là sự thống nhất giữa quyền và lợi ích dân tộc với quyền, lợi ích và nghĩa vụ của con người, của công dân, như tâm nguyện của Bác kính yêu.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong Quân đội luôn tập trung lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thường xuyên quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; coi đây là trách nhiệm, là tình cảm với bộ đội; hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân với tay”, để bộ đội yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ. Kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm… thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc của Quân đội trong thời đại Hồ Chí Minh./.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.64.

Monday, October 15, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 16 tháng 10
Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt[1].
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới”, đăng trên báo Nhân Dân, số 5299, ngày 16 tháng 10 năm 1968. Đây là bức thư cuối cùng Người gửi cho ngành giáo dục nước nhà.
Sau khi dựng lên sự kiện “Vinh Bắc Bộ” (1964), từ năm 1965, đế quốc Mỹ sử dụng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc; miền Bắc từ thời bình chuyển sang thời chiến, nhằm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ và làm tròn vai trò, nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Giữa muôn vàn khó khăn, dù tuổi Bác đã cao, sức Bác cũng đã yếu nhiều, nhưng Người vẫn luôn dành cho ngành giáo dục nước nhà sự quan tâm ần cần, đặc biệt, với bao tâm huyết, kỳ vọng để chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực cao cho công cuộc kiến thiết nước nhà, sau khi Nam - Bắc sum họp một nhà.
Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ nhà giáo, cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên, học viên ngành Giáo dục và Đào tạo không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mỗi nhà giáo luôn là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, chung sức, chung lòng xây dựng một nền giáo dục vững mạnh, đã đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, xứng đáng với nhận định của Bác về nghề dạy học: "Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang".. Lớp lớp các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên… luôn tâm niệm sâu sắc lời Bác dạy năm xưa, đoàn kết, thi đua: “Học, học nữa, học mãi”, “Học để lập thân, lập nghiệp”… vươn lên giành nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Hằng năm, các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi cấp châu lục và thế giới đều đạt giải cao, góp phần nâng cao uy tín, vị thế nước nhà trên trường quốc tế, thiết thực góp phần chuẩn bị tốt để đất nước hội nhập, phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 
Các học viện, nhà trường, giáo viên, học viên trong quân đội đã luôn chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt” đào tạo kịp thời, có chất lượng hàng chục vạn cán bộ có chất lượng tốt cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đáp ứng kịp thời trong điều kiện chiến tranh cũng như giai đoạn hiện nay. Đối với các cơ quan, đơn vị, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, đã cụ thể hoá thành  các phong trào thi đua: “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”… góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.507.

Friday, October 12, 2018

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM ẤY



Ngày 12 tháng 10
Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh[1].
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Sao cho được lòng dân”, bút danh Chiến Thắng, đăng Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12 tháng 10 năm 1945.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc ta; song Chính phủ mới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Thù trong, giặc ngoài, điên cuồng quấy phá, tìm mọi cách lật đổ chính quyền non trẻ của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sao cho được lòng dân” để căn dặn các cán bộ, đảng viên, bộ đội, công an của chính quyền mới phải luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên, lên trước, việc gì có lợi cho dân phải kiên quyết làm, làm cho bằng tốt. Theo quan điểm của Bác, một nhà nước thật sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân phải coi việc phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân là mục tiêu, phương hướng hoạt động của mình. Người chỉ rõ: Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. 
Thấu triệt quan điểm của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán và triển khai quyết liệt, đồng bộ chủ trương xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực được mở rộng và phát huy, một số chính sách và quy chế bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, trước hết ở cơ sở, bước đầu được mở rộng, thực hiện. Đáng chú ý là hệ thống pháp luật được đổi mới, bổ sung và tăng cường, chất lượng các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được nâng cao; phương thức quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước sâu sát, thực tế hơn, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội, các hoạt động của ngành tư pháp, toà án, viện kiểm sát có nhiều tiến bộ... Việc đổi mới nhà nước đúng định hướng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lành mạnh hoá các mặt văn hoá, xã hội, giữ vững sự ổn định lâu dài của đất nước.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đã không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ của đế quốc, thực dân trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng, hết sức giúp đỡ dân, bảo vệ dân, giúp dân xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, thảm hoạ, cứu hộ, cứu nạn, đồng hành cùng ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, nơi phên dậu của Tổ quốc... đã góp phần cùng với cả hệ thống chính trị xây dựng “Thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, giữ vững và không ngừng phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới./.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.51.

Friday, October 5, 2018

Hội thi trạm sửa chữa tổng hợp cấp chiến thuật Quân đoàn 4 năm 2018


Đại tá Đặng Văn Năng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 trao giải thưởng cho các đơn vị có thành tích cao trong hội thi

Sau hơn một tuần diễn ra sôi nổi, sáng 5-10, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức tổng kết, trao giải hội thi “Trạm sửa chữa tổng hợp cấp chiến thuật” năm 2018.
Hội thi năm nay có 7 trạm sửa chữa tổng hợp của 2 khối sư đoàn và lữ đoàn trong quân đoàn tham gia. Nội dung thi tập trung vào: thực hiện ngày kỷ thuật tháng; công tác xây dựng chính quy trạm sửa chữa; thực hành bảo dưỡng, sản xuất tại trạm; huấn luyện kỹ thuật các chuyên ngành; nhận thức của cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật về các quy định pháp quy và chuyên môn công tác kỹ thuật. Hội thi lần này, quân đoàn xác định là dịp quan trọng để đánh giá thực chất kết quả công tác xây dựng nền nếp chính quy của các cơ sở kỹ thuật; rèn luyện, nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy, điều hành và thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cho cán bộ nhân, viên chuyên môn. Thông qua đó, có biện pháp nâng cao năng lực toàn diện của các trạm sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật tại đơn vị thời gian tới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quân đội trong sẵn sàng chiến đấu và trong huấn luyện, diễn tập. Kết thúc hội thi, quân đoàn đã trao các giải nhất, nhì, ba cho từng khối và từng phần thi, trong đó, Sư đoàn 309 giành giải nhất khối sư đoàn, Lữ đoàn 550 giành giải nhất khối lữ đoàn. Về cá nhân, Trung tá Nguyễn Hải Vương (Sư đoàn 9) đoạt giải nhất phần thi huấn luyện kỹ thuật, Thiếu tá Nguyễn Văn Nhất (Lữ đoàn 22) giành giải nhất phần thi nhận thức.
LÊ CẦU