Ngày 01 tháng 3: "Chúng ta
phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chổ hay chổ dở. Ta phải dùng chổ hay của
người và giúp người chữa chổ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo
thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được ”
Lời nói trên được trích trong “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” của Chủ tịch Hồ
Chí Minh khi Người bận công việc chung không đến tham dự cùng các đồng chí Bắc
Bộ để phê bình, kiểm thảo và bàn bạc công việc đẩy mạnh kháng chiến. Trong điều
kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang bước vào giai
đoạn có tính chất quyết định, vấn đề đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp
phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến đặt
ra ngày càng cấp thiết. Người đã căn dặn, về việc xây dựng, sử dụng và bố trí
đội ngũ cán bộ trên cơ sở phải đánh giá đúng cán bộ, với mục đích là “phải khéo
dùng cán bộ”, phải biết rõ năng lực của cán bộ (tức điểm yếu, điểm mạnh, chỗ
hay, chỗ dở), cất nhắc cán bộ cho đúng, bố trí sử dụng cán bộ phải hợp lý, hợp
tình, đứng người, đúng việc, đúng sở trường, vì việc mà giao người, giúp cán bộ
phải đi đôi với giữ gìn cán bộ. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc trong công
tác cán bộ, bởi người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở, biết dùng chỗ hay thì sẽ
phát huy được thế mạnh, đồng thời giúp sữa chữa, hạn chi được chỗ dở; dùng
người cũng như dung gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ
mà dùng được. Người nhắc nhở cần khắc phục, sửa chữa hạn chế “Thường chúng ta
không biết tùy tài mà dùng người”.
Công tác cán bộ muốn đạt được kết quả tốt trước hết phải hiểu và đánh giá
đúng cán bộ. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc và là một quan điểm xuất
phát để Đảng ta tiến hành các công việc khác của công tác cán bộ. Muốn hiểu
đánh giá đúng cán bộ, trước hết phải có những tiêu chuẩn cán bộ từng loại phù
hợp với từng thời kỳ, từng địa phương, từng lĩnh vực, đồng thời phải biết bố
trí sử dụng cán bộ đúng với nhiệm vụ, công việc cụ thể. Bố trí sai người, sai
việc tất dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ mà còn làm hại cán bộ, lãng phí
“chất xám”. Thực hiện lời dạy của Bác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng
ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu
cầu nhiệm vụ.
Ngày nay, thực hiện đường lối đổi mới, việc xây dụng đội ngũ cán bộ luôn
đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đối
với quân đội ta ở thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng luôn chăm lo xây dựng đội ngũ
cán bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trình độ, năng lực chuyên môn, “vừa
hồng, vừa chuyên” thực hiện quan điểm, lề lối tác phong công tác. Bởi lẽ, cán
bộ là lực lượng nòng cốt xây dựng quân đội, đưa chủ trương, đường lối, chính
sách nghị quyết của Đảng vào quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong hoạt
động của quân đội; xây dựng, huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, biến
đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ thị mệnh lệnh cấp trên
thành hiệu quả thiết thực trong đời sống chiến đấu, công tác, lao động sản xuất
của quân đội; phải đánh giá đứng cán bộ, bố trí sắp xếp hợp lý, có chính sách
đãi ngộ thích đáng để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đồng thời mỗi cán bộ
phải đề cao trách nhiệm, tích cực học tập, nâng cao trình độ toàn diện, phương
pháp tác phong công tác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dù khó khăn đến đâu, cũng
quyết tâm, phấn đấu hoàn thành tốt.