Sunday, May 31, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 01/6/1946
“Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”[1].
Là chân lý thiêng liêng, cao cả của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, đăng trên Báo Cứu quốc, số 255 ngày 01 tháng 6 năm 1946.
Đầu năm 1946, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là nguy cơ thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu tâm trạng lo lắng và nguyện vọng thiết tha được độc lập, thống nhất Nam - Bắc một nhà của đồng bào miền Nam. Trước khi lên đường sang Paris để mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp, Người đã gửi thư bày tỏ sự đồng cảm và khơi dậy niềm tin của đồng bào Nam bộ vào thắng lợi tất yếu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thực tiễn sau 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chân lý trên đã trở thành hiện thực: Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, đan xen giữa thời cơ và thách thức; song Đảng ta luôn nhất quán với tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Thấm nhuần lời Bác dạy, Quân đội ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, trung thành tuyệt đối và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới; vào sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội trong tình hình mới. Quan tâm lãnh đạo tốt việc xây dựng mối đoàn kết, gắn bó cán bộ, chiến sĩ giữa các vùng miền, giữa người kinh với người dân tộc thiểu số; chăm lo bồi dưỡng nâng cao chất lượng huấn luyện đối với bộ đội là con em dân tộc ít người, vùng sâu, vùng sa; thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, làm tốt công tác dân vận góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch gây chia rẽ giữa các dân tộc anh em, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, t. 4, tr. 280.

Wednesday, May 27, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 28/5/1951
“Còn chủ nghĩa đế quốc, còn thực dân, thì còn nguy cơ chiến tranh”[1].
Câu nói đó trích trong bài trả lời các nhà báo của Hồ Chủ tịch, đăng trên báo Cứu Quốc, số 1827, ra ngày 28 tháng 5 năm 1951. Người chỉ rõ: Trong thời đại ngày nay còn chủ nghĩa đế quốc, thực dân thì còn nguy cơ xảy ra chiến tranh, chiến tranh bắt nguồn từ chính bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh là bạn đường của chủ nghĩa đế quốc. Chiến tranh không phải bắt nguồn từ bản năng sinh vật của con người, không phải là định mệnh và cũng không phải là hiện tượng xã hội tồn tại vĩnh viễn, mà chiến tranh có nguồn gốc từ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, có đối kháng giai cấp và có áp bức bóc lột. Câu nói này là lời cảnh giác cho đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trước những chiêu trò, thủ đoạn lừa bịp mà đế quốc Mỹ thực hiện trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; để toàn dân, toàn quân nâng cao cảnh giác cách mạng, đoàn kết, nhất trí anh dũng, kiên cường đấu tranh xóa bỏ sự áp bức, bóc lột của đế quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và giàu mạnh, văn minh.
Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa tư bản nói chung, chủ nghĩa đế quốc nói riêng luôn tìm cách thích nghi trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của các mối quan hệ kinh tế, chính trị quốc tế, nhưng bản chất của chúng vẫn không thay đổi. Đường lối chính trị của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn luôn chứa đựng nguy cơ chiến tranh. Câu nói của Người vẫn là tiếng chuông cảnh báo, để thức tỉnh những ai vẫn đang mơ hồ trước những chiêu trò lừa mị của các thế lực thù địch. Trong quá trình đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, chúng ta phải đề cao cảnh giác, nhận rõ đối tượng, đối tác, chủ động đấu tranh phòng, chống và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Là công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần lời dạy của Người về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nguy cơ của chiến tranh, không ngừng vươn lên, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, t. 12, tr. 729.

Monday, May 25, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 26/5/1946
“Trung với nước, hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”[1].
Ngày 26 tháng 5 năm 1946, đến dự lễ khai giảng khoá 8, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sỹ quan Lục quân 1/ Bộ Quốc phòng), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng nhà trường lá cờ thêu sáu chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân”, đồng thời căn dặn cán bộ, học viên: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sỹ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”. Người muốn truyền tinh thần cao cả đó cho nhà trường và trao trách nhiệm nặng nề, chỉ rõ vinh dự cao quý cho cán bộ, giáo viên và học viên là phải suốt đời vì dân mà học tập, chiến đấu và công tác. Thực hiện lời Bác dạy, cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học… cung cấp kịp thời cho các chiến trường khi đất nước còn chiến tranh và các đơn vị trong toàn quân hàng trăm nghìn cán bộ có chất lượng, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, xứng đáng với danh hiệu cao quý đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. “Trung với nước, hiếu với dân” trở thành niềm tự hào, nguồn gốc sức mạnh, động lực tinh thần tạo nên mọi chiến thắng, xây dựng nên bản chất, truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng nặng nề và phức tạp hơn. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, cán bộ, giáo viên, học viên trong nhà trường quân đội phải luôn giữ vững và phát huy bản chất truyền thống “trung với nước, hiếu với dân”; luôn xứng đáng là đội quân cách mạng, lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng vũ trang sắc bén có sức chiến đấu cao, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; thực sự là đội quân cách mạng của dân, do dân, vì dân, xứng đáng với phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và niềm tin về đội quân mãi “trung với nước, hiếu với dân” mà Bác Hồ gửi trọn niềm tin tưởng./.


[1] CTĐ,CTCT Trường SQLQ1 (1945-2000), Nxb. QĐND, H. 2000, tr. 21.

Sunday, May 24, 2020

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM ẤY



Ngày 25/5/1947
“Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”[1].
Lời dạy đó của Bác được trích trong bức thư Người viết “Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ” vào ngày 25 tháng 5 năm 1947, khẳng định mặt trận văn hóa như một “cuộc chiến khổng lồ” giữa chính và tà, giữa cách mạng và phản cách mạng. Trong cuộc chiến đó, người “nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí” đấu tranh; đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Để làm tròn nhiệm vụ, đội ngũ nghệ sĩ, trí thức phải bám sát cuộc sống thực tiễn, đi sâu vào quần chúng, phê bình nghiêm khắc những thói xấu như tham ô, lười biếng, lãng phí, quan liêu, ca tụng chân thật những tấm gương người tốt việc tốt cho mọi người học tập và giáo dục con cháu đời sau. Đội ngũ trí thức với trình độ học vấn, chuyên môn cao của mình phải quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc thông qua các bài viết, bài nói để dẫn dắt, định hướng quần chúng nhân dân. Học tập và làm theo lời dạy của Người, nhiều nhà văn, nhạc sỹ, nghệ sĩ, trí thức, học giả, nhà nghiên cứu… đã hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng tri thức, sự hiểu biết và tài năng của mình cống hiến cho cách mạng, phục vụ nhân dân một cách tận tụy, hết mình thông qua các công trình, tác phẩm, bài viết.
Thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã xây dựng nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa nghệ thuật, cán bộ nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt, số lượng phù hợp, cơ cấu hợp lý. Trong đó chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ can bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ nghiên cứu, sáng tác các Viện, trung tâm nghiên cứu, các đoàn nghệ thuật, đoàn văn công, các học viện, nhà trường là những cán bộ vừa có trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm và năng lực sáng tạo, vừa có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, luôn tâm huyết, yêu nghề, gắn bó với Quân đội và đơn vị. Đổi mới chính sách nhằm thu hút, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực khoa học công nghệ, về văn hóa nghệ thuật trong Quân đội. Chủ động tìm tòi, đổi mới, xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực khoa học công nghệ, về nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để họ sáng tạo, nghiên cứu, cống hiến. Thường xuyên làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có các công trình, đề tài, tác phẩm, sáng kiến đạt chất lượng tốt để cổ vũ, động viên, khích lệ phát triển thành phong trào sâu rộng trong toàn quân, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, t. 5, tr. 157.

Wednesday, May 20, 2020

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM ẤY



Ngày 21/5/1964
“Nhân dân miền Nam anh dũng quyết không lùi bước trước mũi súng của kẻ xâm lược và lũ bán nước. Đồng bào chúng tôi thà hy sinh hết thảy, nhưng quyết không chịu làm nô lệ”[1].
Là lời trong bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên tạp chí Mainôrity Ốp Oăn (Minority of one) - tạp chí do một nhóm nhân sĩ trí thức tiến bộ Mỹ xuất bản, ra ngày 21 tháng 5 năm 1964 nhân kỷ niệm ngày sinh của Người, thể hiện rõ quyết tâm sắt đá, chiến đấu anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hiến dâng máu xương của nhân dân miền Nam nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung, quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã chứng minh lời khẳng định của Hồ Chí Minh trước đồng bào trong nước và nhân dân trên thế giới..
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều nơi; sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước đặt ra những yêu cầu mới. Quán triệt và thực hiện tư tưởng của Bác về ý chí, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ chủ trương “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”; thực hiện tốt các đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, biển, đảo, lợi ích quốc gia, các hoạt động chống phá chế độ…
Học tập và làm theo lời dạy của Người, cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của quân đội. Đề cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ đối tác, đối tượng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; mài sắc ý chí chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 14, tr. 330.

Monday, May 18, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 19/5/1949
 Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta[1].
          Nhân dịp chuẩn bị sinh nhật lần thứ 59 của Bác, ngày 19 tháng 5 năm 1949 nhiều ý kiến đề nghị tổ chức Lễ mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác tỏ ý không bằng lòng và Người đã tự làm thơ mừng thọ mình, cũng là câu trả lời các ý kiến về việc ý định tổ chức mừng thọ cho Bác. Bài thơ là hiện thân của sự giản dị, khiêm tốn rất mực ở Người, toát lên một tinh thần lạc quan cách mạng, có niềm tin sâu sắc vào thắng lợi của cách mạng, coi đó là điều kiện tiên quyết trong các tiệc mừng, cho ngày sinh nhật… Với Bác, kháng chiến chưa thành công, đồng bào còn nghèo khổ, thì không thể vui cho riêng mình và Bác cũng mong mọi cán bộ, đảng viên như vậy.
Hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đời sống vật chất, tinh thần của xã hội được nâng cao; nhưng triết lý sống phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên, lên trước, phải biết lo cho nhân dân, cho địa phương, đơn vị trước khi lo cho cá nhân, phải sống mình vì mọi người luôn khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm… của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với mọi người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng với niềm tin yêu và trọng trách mà nhân dân giao phó.
         Học tập và làm theo phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị và tinh thần “dĩ công vi thượng” của Bác, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, gương mẫu, đi đầu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; đề cao tự phê bình và phê bình; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bệnh thờ ơ, vô cảm, sùng bái cá nhân; ra sức xây dựng cơ quan, đơn vị chính qui, xanh, sạch, đẹp, có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc./.


[1] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H. 2016, t.6, tr. 72

Thursday, May 14, 2020

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM ẤY



Ngày 15/5/1962
Quyết lòng gìn giữ giang san
Đồng bào Nam Việt muôn vàn văn minh”.[1]
Những câu thơ trên là phần kết trong bài viết có tiêu đề “Ai dã man? Ai văn minh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân, số 2973, ngày 15 tháng 5 năm 1962. Bài báo đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn và dã tâm của đế quốc Mỹ xâm lược bắt tay với bọn ác ôn Ngô Đình Diệm để giết hại, đàn áp nhân dân miền Nam Việt Nam; đồng thời, Bác ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, nhưng rất khoan hồng, nhân đạo, nhân văn trong đối xử với từ hàng binh địch của quân và dân miền Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, quân và dân ta quyết tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời luôn đối xử nhân đạo với tù hàng binh, giáo dục họ, phóng thích và trả về đoàn tụ cùng gia đình, kể cả binh lính Mỹ, cũng như lính chư hầu các nước … Thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược tiếp tục khẳng định truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đó chính là sức mạnh làm nên những thắng lợi vĩ đại để đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, quyết chiến, quyết thắng trước mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc. Đối với tù binh, hàng binh và những người lầm đường, lạc bước quay trở lại với nhân dân, với cách mạng thì luôn được cán bộ, chiến sĩ quân đội đối xử với lòng nhân ái, vị tha, khoan hồng theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước… góp phần giảm tổn thất trong các cuộc chiến tranh, làm dịu đi mối hận thù giữa hai dân tộc, hai quốc gia đối địch trong chiến tranh, thể hiện truyền thống nhân đạo, nhân ái của dân tộc Việt Nam, phẩm chất nhân văn, cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr 397.

Wednesday, May 13, 2020

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM ẤY



Ngày 14/5/1966
“Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.[1]
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, năm 1966.
Đây là sự đánh giá, khẳng định của Bác về bản chất, nguồn gốc sức mạnh của Đảng, vai trò, mối liên hệ mật thiết giữa đảng viên và chi bộ trong giai đoạn Đảng ta phát động thực hiện cuộc vận động chi bộ “bốn tốt”, đảng bộ “bốn tốt” và đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Quán triệt và thực hiện lời Bác dạy, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chi bộ, coi chi bộ là tế bào, là cơ sở của Đảng, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; đảng viên là những người có trách nhiệm góp phần xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời có trách nhiệm tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đó với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; làm cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng ta xứng đáng với trọng trách là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Thực hiện lời Bác dạy, công tác xây dựng Đảng trong Quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc. Chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ không ngừng được nâng lên. Đội ngũ đảng viên trong quân đội phát triển cả số lượng và chất lượng, luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao; kiên định lập trường giai cấp công nhân, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, của Quân đội; phát huy tốt tinh thần chủ động, sáng tạo, tự nguyện, tự giác, dám nghĩ, dám làm, gương mẫu trước bộ đội được bộ đội tin yêu, thật sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết trong đơn vị.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr  113.

Wednesday, May 6, 2020

LỜI BÁC NĂM XƯA



Ngày 07/5/1958
“Lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động”.[1]
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II, năm 1958.
Lời dạy của Người đối với sinh viên Việt Nam diễn ra trong bối cảnh miền Bắc đang thực hiện Kế hoạch 3 năm lần thứ hai (1958- 1960). Cùng với các lĩnh vực khác, trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mới trong thực tiễn đặt ra, đòi hỏi phải kịp thời chấn chỉnh, định hướng; Bác đã chỉ rõ: “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không thực hành thì cũng là tri thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành”. Lời dạy của Người chỉ ra phương châm giáo dục đào tạo bao hàm cả lý luận và thực tiễn, lý thuyết với thực hành, Người xác định lao động là quyền, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Ai cũng phải tùy khả năng của mình mà tự nguyện, tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà. Mỗi người phải nhận rõ: Lao động là vinh quang, lao động chân tay hay lao động trí óc đều là vẻ vang, đáng quý. Do vậy, học tập phải kết hợp với lao động, sản xuất...
           Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện, đào tạo trong quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện, công tác giáo dục đào tạo và được cụ thể hóa thành 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện; trong đó, xác định lý luận liên hệ với thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành, lấy thực hành làm chính. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, kiểm tra và diễn tập các cấp có bắn đạn thật để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết quả công tác huấn luyện, đào tạo được xác định là một tiêu chí quan trọng, là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, quân đội luôn coi trọng và tiến hành có hiệu quả chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trong tình hình mới./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, tr 400.