Thursday, August 31, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

Ngày 01 tháng 9

          Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt[1].

Là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ cao cấp trong quân đội, ngày 01 tháng 9 năm 1959. Đây là thời điểm miền Bắc đang thực hiện kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo và bước đầu thực hiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; quân dân miền Nam đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chuyển từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đưa phong trào cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo.

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ người cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ cấp tướng phải luôn phấn đấu, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với bộ đội, với nhân dân, gương mẫu về mọi mặt. Đội ngũ sĩ quan cấp tướng quân đội đã trở thành những người lãnh đạo có uy tín, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Lời căn dặn của Bác đã trở thành phương châm hành động của mọi cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là đội ngũ tướng lĩnh quân đội đã thấu triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo niềm tin trong quần chúng, cổ vũ, động viên quân và dân trên khắp hai miền Nam - Bắc nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ ở từng miền, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hiện nay, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, lời căn dặn của Bác vẫn là một trong những định hướng quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất cách mạng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, làm cơ sở ngăn ngừa, đẩy lùi những nguy cơ tác động tiêu cực từ bên ngoài.

          Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nói chung, cán bộ cấp tướng nói riêng cần phải học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn giữ vững, phát huy và không ngừng xây dựng bản chất cách mạng, đặc biệt là bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; xây dựng Quân đội vừa là lực lượng chính trị, vừa là công cụ bạo lực sắc bén, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân; đấu tranh bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển các quan hệ đối ngoại quân sự song phương và đa phương phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc trong tình hình mới.



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.273. 

Sunday, August 20, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 20 tháng 8

“Phải quyết chiến quyết thắng, những chớ chủ quan khinh địch…”[1]

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Việc đình chiến ở Triều Tiên” đăng trên Báo Nhân dân, số 130, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 8 năm 1953; bút danh C.B.

Chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ giữa năm 1950 đến giữa năm 1953, chiến cuộc tạm ngưng khi hai miền đạt được một thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27 tháng 7 năm 1953. Song, thương vong lớn tất cả các bên tham chiến; trong đó có quân đội Mỹ. Việc đình chiến ở Triều Tiên góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới; trong đó, tinh thần của quân và dân ta hăng hái lên cao, có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn quyết liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời nhắc nhở quân và dân ta luôn giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không được chủ quan khinh địch.

Thực hiện lời Bác dạy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, vượt mọi gian khổ, hiểm nguy, chiến đấu kiên cường dũng cảm với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được Đảng, Bác Hồ trực tiếp tổ chức, giáo dục và rèn luyện; kế thừa truyền thống tốt đẹp, hào hùng của dân tộc và tinh hoa của nhân loại về quân sự, chính trị, đặc biệt là tinh thần quyết chiến, quyết thắng - một nhân tố đặc trưng tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của quân đội ta. Ý chí quyết chiến, quyết thắng được thể hiện sâu sắc và triệt để trong các giai đoạn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta, đã tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cán bộ, chiến sĩ quân đội tiếp tục giữ vững và phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức rõ đối tượng, đối tác, phối hợp chặt chẽ các hoạt động quốc phòng với an ninh và đối ngoại nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.204.

Saturday, August 19, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 19 tháng 8

“Muốn ăn quả tốt, phải trồng cây to”[1].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Ngày Độc lập”, Bác viết ngày 19 tháng 8 năm 1950.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt nam Dân chủ Công hòa - nhà nước do nhân dân lao động làm chủ. Nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, dân chủ, Đảng ta từ một Đảng bất hợp pháp trở thành một Đảng nắm chính quyền, đưa dân tộc ta lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới. Song, chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là trước dã tâm quay lại cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Trước bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút về căn cứ địa Việt Bắc để bảo toàn và phát triển lực lượng, chỉ đạo cả nước trường kỳ kháng chiến và quyết định mở chiến dịch biên giới Thu Đông 1950 (Chiến dịch Lê Hồng Phòng 2) nhằm phá thế bị cô lập ở căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung để mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ; mở rộng căn cứ địa và tiêu diệt một phần sinh lực quân đồn trú của Pháp, thử nghiệm các chiến thuật cho quân đội ta, khi đó vẫn chủ yếu thực hiện cách đánh du kích, còn thiếu kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo trường kỳ kháng chiến của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, kề vai sát cánh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, thắng không kiêu, bại không nản, tiến hành cuộc kháng chiến ba nghìn ngày, với tinh thần: “Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…” đã làm nên một Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãng đạo và rèn luyện, là lực lượng nòng cốt cùng với toàn Đảng, toàn dân làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã trở thành động lực to lớn cổ vũ toàn quân đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Đảng bộ Quân đội và toàn quân luôn mẫu mực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất cao, có chuyển biến quan trọng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước; luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.424.

Wednesday, August 16, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

 Ngày 16 tháng 8

“Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình”[1].

Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình”, Bác viết ngày 16 tháng 8 năm 1958, Báo Nhân dân đăng trên số 1618, ngày 17 tháng 8 năm 1958.

Trong suốt tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua nhiều cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, với biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Bởi vậy yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mỗi người dân Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc qui luật dựng nước phải đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phát triển thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kế tục truyền thống yêu chuộng hòa bình, giữ vững ý chí độc lập, tự do, thâm nhuần lời Bác Hồ dạy, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn nhất quán với chủ trương: “Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, dưới sự lãnh đạo của Đảng quân đội và dân ta đã đoàn kết, anh dũng đấu tranh giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ngày nay, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế… Quân đội ta đã cử cán bộ làm nhiệm vụ quốc tế tại các phái bộ của Liên Hợp quốc thể hiện trách nhiệm quốc tế của quân đội và nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các bất ổn và thách thức về an ninh hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân ra sức thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, không ngừng nâng cao chất lượng và sức mạnh tổng hợp của quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần xây dựng và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.518.

Tuesday, August 15, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 15 tháng 8

“Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là:

Phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”[1].

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người làm tướng trong quân đội trong buổi nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, họp tháng 8 năm 1948.

Bác đã luận giải tường minh từng phẩm chất của người làm tướng:

          Trí, là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng.

          Tín, là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn nghĩa tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn tự cao.

          Dũng, là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.

          Nhân, là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cảm cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.

          Liêm, là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.

          Trung, là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.

          Những yêu cầu trên xuất phát từ thực tế khách quan và hoàn toàn phù hợp với quy luật xây dựng và bản chất của quân đội kiểu mới - một quân đội của dân, do dân và vì dân.

Thấu triệt lời Bác dạy, các thế hệ tướng lĩnh trong quân đội - những người đứng mũi, chịu sào, chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng luôn khắc ghi và phấn đấu, rèn luyện. Mỗi vị tướng trong quân đội luôn nhận thức sâu sắc bổn phận phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình; có tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần dám đánh và biết cách đánh thắng quân thù; tiêu biểu mẫu mực về tinh thần tự học, tự rèn; mưu lược, biết địch, biết ta; biết phân tích thiên thời, địa lợi, nhân hòa; biết lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông; biết phát huy sở trường, sở đoản của quân mình; hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch; biết tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu, chiến thắng quân thù…

Trong giai đoạn hiện nay, phẩm chất người sĩ quan cấp tướng trong Quân đội ta tiếp tục được tôi luyện và không ngừng tiến bộ; đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội, nhất là các tướng lĩnh không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh trung nghĩa, thao lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thương yêu cấp dưới, chia sẻ, đồng cam, cộng khổ với bộ đội; quan tâm, giúp đỡ nhân dân, xứng đáng với lòng tin, tình cảm trân trọng của nhân dân với “Bộ đội Cụ Hồ”, với những vị tướng của nhân dân.



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.594.

Sunday, August 13, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

           Ngày 14 tháng 8

“Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động. Phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân, viên chức”[1].

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc”, Báo Nhân dân đăng trên số 3064 ngày 14 tháng 8 năm 1962.

Công đoàn các cấp với vị trí là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, đại diện cho người lao động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động… tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, phải quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở thật sự vững mạnh, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp, thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện sinh hoạt, lao động; quan tâm, động viên, khuyến khích đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động yên tâm, gắn bó với ngành nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Là một bộ phận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Quân đội làm tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp về công tác vận động đoàn viên công đoàn, công nhân và lao động quốc phòng, hoạt động công đoàn trong quân đội. Tham gia nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và giải quyết các chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động… Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, tổ chức công đoàn trong quân đội đã luôn quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, tập hợp, đoàn kết đội ngũ đoàn viên, công nhân, lao động quốc phòng; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động; chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, đã có nhiều hoạt động chăm lo đến quyền lợi, xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động quốc phòng và tổ chức công đoàn quốc phòng vững mạnh về mọi mặt, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện được cấp ủy, chỉ huy các cấp ghi nhận, đánh giá cao, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.434.

Saturday, August 12, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 12 tháng 8

“Bộ đội, cán bộ và đồng bào Nghệ An đã phát huy thắng lợi, nêu cao truyền thống anh hùng của quân và dân ta, đoàn kết chặt chẽ, luôn cảnh giác, thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, quyết giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”[1].

          Lời khen ngợi và căn dặn của Bác Hồ trong “Thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An bắn rơi 100 máy bay Mỹ”, đăng trên Báo Nhân dân, số 4148 ngày 12 tháng 8 năm 1965.

Đây là giai đoạn đế quốc Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc bộ” (05/8/1964) vu khống tàu ta tấn công tàu Mỹ ở ngoài vùng biển nước ta, để tiến hành cuộc chiến tranh chống phá miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân và hải quân, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế - quốc phòng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, uy hiếp tinh thần làm lung lay quyết tâm chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam ở 2 miền Nam Bắc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc đã chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, quân sự hóa toàn dân, đắp công sự, đào hầm, sơ tán nhân dân… để tránh thiệt hại về người và của, tiếp tục chiến đấu và sản xuất. Với tinh thần “Không có ghì quý hơn độc lập tự do”, quân dân miền Bắc thi đua chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, đạt nhiều thành tích trong chiến đấu và sản xuất; tiêu biểu có quân và dân Nghệ An với thành tích bắn rơi 100 máy bay Mỹ; Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi, động viên và khích lệ.

Tự hào về quê hương xứ Nghệ - vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; đã từng là “phên dậu”, “thành đồng” của đất Việt qua nhiều thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghệ An luôn thấu triệt lời Bác Hồ dạy đã có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới ngày nay. Nghệ An là địa phương kinh tế - xã hội có bước phát triển khá nhanh và tương đối toàn diện. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực; trở thành tỉnh khá của cả nước, như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.598.

Friday, August 11, 2023

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA


Ngày 11 tháng 8

“Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sữa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”[1].

 Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ Hải quân”, Báo Nhân dân đăng số 4147, ngày 11 tháng 8 năm 1965.

Nhân dịp Kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và biểu dương thành tích trong xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Hải quân; đồng thời, Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân cần tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thấu triệt lời Bác Hồ dạy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ra quân đánh thắng ngay từ trận đầu; bất chấp mưa bom, bão đạn và muôn vàn khó khăn, gian khổ trên những chuyến tàu không số trở đầy hàng hóa, ngày đêm vượt biển chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam, dệt nên một huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, tham gia cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam như Bác hằng mong ước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân chủng Hải quân luôn nắm vững tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có chủ trương, đối sách đúng đắn, phù hợp trong xử lý các vấn đề nhạy cảm xảy ra trên biển; tập trung xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng” của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.597.

Thursday, August 10, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 



  Ngày 10 tháng 8

Đồng bào lương và giáo hãy đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau”[1].

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Điện gửi đồng bào xã Đoài”, Báo Nhân dân đăng số 5233, ngày 10 tháng 8 năm 1968.

Đây là giai đoạn đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân bắn phá miền Bắc để cắt đường tiếp tế của hậu phương cho chiến trường miền Nam, chúng đã tàn phá nhiều thành phố, làng quê; ngày 21 tháng 7 năm 1968 máy bay Mỹ bắn phá xã Đoài, tỉnh Nghệ An làm 02 giám mục, 03 linh mục bị thương; một số tu sĩ, đồng bào giáo và lương bị thương và tử vong, nhà thờ bị hư hỏng, hàng trăm nhà dân bị tàn phá. Biết tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Điện thăm hỏi, động viên nhân dân xã Đoài, tỉnh Nghệ An; trong Điện Bác kêu gọi: “Đồng bào lương và giáo hãy đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau”.

Việt Nam là đất nước đa dân tộc, tôn giáo, trong quá trình lãnh đạo đất nước Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng khối đoàn kết chặt chẽ giữa các tôn giáo, các dân tộc trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân với chính sách tôn giáo nhất quán: “Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”; công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hay không có tín ngưỡng, tôn giáo đều là công dân Việt Nam, có quyền và nghĩa vụ như nhau. Đoàn kết lương - giáo là đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực hiện chức năng đội quân công tác, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, nhất là trên các địa bàn có đồng bào theo đạo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là những luận điệu xuyên tạc, mua chuộc, lôi kéo, xúi giục các chức sắc tôn giáo có quan điểm tiêu cực để kích động quần chúng nhân dân tụ tập đông người, biểu tình bất hợp pháp, bạo động… gây mất đoàn kết giữa đồng bào lương - giáo trên địa bàn, củng cố đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo và tình hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.481.

Monday, August 7, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 08 tháng 8

“Nước Việt Nam là một khối thống nhất về mặt dân tộc, lịch sử và kinh tế, và không một lực lượng nào trên thế giới có thể chia cắt được Việt Nam”[1].

Là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Diễn từ tiệc chiêu đãi ở Bêôgrát (Nam Tư)”, Báo Nhân dân đăng trên số 1248, ngày 08 tháng 8 năm 1957.

Trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn cao cấp Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đến Nam Tư, phát biểu tại tiệc chiêu đãi của nước chủ nhà dành cho Đoàn ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo cho bạn biết về việc đế quốc Mỹ đã nhảy vào thế chân thực dân Pháp, cấu kết với bọn bù nhìn ở miền Nam Việt Nam bội ước, phá hủy các điều ước đã ký tại Hiệp nghị Giơnevơ, biến đường giới tuyến tạm thời ở vĩ tuyến 17 thành một đường biên giới, cố tình chia cắt đất nước Việt Nam lâu dài.

Với tinh thần “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành lấy độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn thể dân tộc Việt Nam. Lời của Bác là ý chí sắt đá của Đảng, quyết tâm của cả dân tộc, động viên quân và dân cả nước giữ vững ý chí, quyết tâm, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, ra sức tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em để chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quân đội nhân dân Việt nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, lực lượng chính trị, đội quân chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân, khắc ghi lời Bác Hồ dạy luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao đã cùng với toàn Đảng, toàn dân đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thái độ phân biệt đúng, sai, không dao động trước các tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.36.              

Friday, August 4, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 



Ngày 05 tháng 8

 Yêu xe như con

Quý xăng như máu

Vượt mọi khó khăn

Hoàn thành nhiệm vụ”[1].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuê trên lá cờ đỏ, hiện đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có những bước ngoặt lớn sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta Tết Mậu Thân năm 1968 - một trận quyết chiến chiến lược chưa từng có trong cuộc kháng chiến; giao thông vận tải trở thành mặt trận quyết liệt, là mạch máu của chiến trường, là sợi dây kết nối hậu phương với tiền tuyến. Bác thường xuyên theo dõi hoạt động của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên các tuyến đường tiến ra mặt trận, Bác gửi tặng bộ đội vận tải những lẵng hoa xuân tươi thắm và khen thưởng các chiến sỹ lập thành tích xuất sắc huy hiệu của Người. Tháng 8 măm 1968, Tổng cục Hậu cần tổ chức hội nghị chiến sĩ lái xe giỏi và thợ sửa chữa xe giỏi toàn quân, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến dự hội nghị và trao tặng cờ thưởng của Bác Hồ cho ngành xe quân sự, trên lá cờ thêu 12 chữ vàng: “Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn, là chỉ thị, là nhiệm vụ mà Bác tin tưởng giao cho bộ đội vận tải.

Vinh dự, tự hào với phần thưởng cao quý mà Bác Hồ trao tặng, nêu cao tinh thần: “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, bộ đội vận tải đã có mặt trên khắp các chiến trường, vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, vận chuyển hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm triệu tấn vật chất, binh khí kỹ thuật,… bảo đảm kịp thời cho các hoạt động tác chiến, từ những trận đánh nhỏ, đến các chiến dịch quy mô lớn. Đó cũng là quá trình vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa thực hiện nhiệm vụ và không ngừng trưởng thành của ngành vận tải quân sự; cùng quân và dân ta lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bước sang thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, ngành vận tải quân sự tiếp tục phát huy truyền thống của Bộ đội Vận tải anh hùng, luôn tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác vận tải, bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, tạo sự chuyển biến toàn diện trong hoạt động của Ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.485.