Tuesday, October 31, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 31 tháng 10

Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng[1].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt”, bút danh “T.L”, đăng Báo Nhân dân, số 3503, ngày 31 tháng 10 năm 1963.

Đây là sự đánh giá, khẳng định của Bác về bản chất, nguồn gốc sức mạnh của Đảng, vai trò, mối liên hệ mật thiết giữa chi bộ với quần chúng.

Quán triệt và thực hiện lời Bác dạy, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chi bộ, coi chi bộ là tế bào, là cơ sở của Đảng, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; đảng viên là những người có trách nhiệm góp phần xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời có trách nhiệm tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đó với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; làm cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng ta xứng đáng với trọng trách là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy, công tác xây dựng Đảng trong Quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc. Chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ không ngừng được nâng lên. Đội ngũ đảng viên trong quân đội phát triển cả số lượng và chất lượng, luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao; kiên định lập trường giai cấp công nhân, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng chiến đấu của Đảng, của Quân đội; phát huy tốt tinh thần chủ động, sáng tạo, tự nguyện, tự giác, dám nghĩ, dám làm, gương mẫu trước bộ đội được bộ đội tin yêu, thật sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết trong đơn vị. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên trong toàn quân tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những việc làm thiết thực, hiệu quả, sát chức trách, nhiệm vụ được giao, theo phương châm “trong trước, ngoài sau, trên trước, dưới sau” tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, thiết thực góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.14, tr.193.

 

 

Saturday, October 28, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

Ngày 29 tháng 10

Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc[1].

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, đăng trên Báo Cứu quốc, số 77, ngày 29 tháng 10 năm 1945.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, núp bóng quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, rồi đánh chiếm rộng ra cả Nam Bộ, Nam Trung Bộ và phần lớn Cam-pu-chia; khống chế vùng nông thôn rộng lớn ở Lào,... từng bước thực hiện dã tâm xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Nền độc lập mà dân tộc ta mới giành lại được phải đương đầu với nhiều kẻ thù, bị uy hiếp từ nhiều phía. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi đồng bào Nam Bộ giữ vững tinh thần chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc; trong đó Người tiếp tục khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng hy sinh của dân tộc ta là sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần “Quyết tử, để Tổ quốc quyết sinh” là nhân tố bao trùm, tạo nên bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần quả cảm của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong lịch sử và tỏa sáng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Những giá trị văn hóa ấy, không chỉ có sức mạnh tập hợp, đoàn kết trong suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh mà còn lan xa, thấm đậm trong lòng bạn bè quốc tế, thức tỉnh lương tri nhân loại trên thế giới ủng hộ Việt Nam đánh bại mọi đế quốc, thực dân xâm lược và bè lũ tay sai, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và gặt hái được những thành tựu bước đầu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ra đời vào thời điểm đầy gian khó của cách mạng Việt Nam, trong cuộc đấu tranh sống còn của dân tộc chống ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân - phong kiến, Quân đội ta đã được Đảng và Bác Hồ thành lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện; từ 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí thô sơ của ngày đầu thành lập, Quân đội ta đã không ngừng phát triển, trưởng thành, lập nên những chiến công chói lọi. Cán bộ, chiến sỹ đã hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, sẵn sàng “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai... Với truyền thống vẻ vang và những chiến công vang dội đó, Quân đội ta thật sự là Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.89.

  

Friday, October 27, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 28 tháng 10

Cán bộ phải thương yêu đội viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi.[1].

Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, họp từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 10 năm 1950 tại Lam Sơm, tỉnh Cao Bằng.

Tình đồng chí, đồng đội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của quân đội cách mạng, vừa là cơ sở tạo nên sức mạnh của quân đội, trong đó quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ là mối quan hệ đặc trưng bản chất. Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một mặt, nó dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội; mặt khác, nó dựa trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội sâu sắc, đoàn kết gắn bó chặt chẽ keo sơn với nhau như ruột thịt “lúc thường cũng như lúc ra trận” giữa những con người cùng chung lý tưởng, mục tiêu, cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả của người quân nhân cách mạng. Đó là nguồn sức mạnh vô tận để bộ đội ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Chính vì vậy, đòi hỏi cán bộ phải luôn luôn là tấm gương sáng cho chiến sĩ học tập, noi theo; chiến sỹ phải “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Tình thương yêu đồng chí, đồng đội được tôi luyện, thiết lập vững chắc trong Quân đội ta qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, và trở thành nét đẹp truyền thống, thành bản chất không thể phai mờ của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ, là một trong những nhân tố gốc cấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ kính yêu căn dăn, đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội các thời kỳ đã luôn quan tâm thiết thực và chu đáo đến đời sống tinh thần và vật chất của bộ đội, hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân tay”, do vậy cấp dưới sẽ kính trọng, coi lãnh đạo, chỉ huy của mình “như đầu óc”, như người thân; từ đó họ sẽ mang hết khả năng của mình để thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh một cách tự giác và có hiệu quả cao nhất. Trái lại, nếu cán bộ không làm “mực thước” cho cấp dưới, quan liêu, hách dịch, bè cánh thì chắc chắn cấp dưới sẽ xa lánh họ; chỉ thị, mệnh lệnh mà họ đưa ra sẽ được cấp dưới tiếp thu một cách khiên cưỡng, hiệu quả thấp, thậm chí bị chối bỏ. Bởi vậy hơn ai hết, lãnh đạo, chỉ huy phải thường xuyên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng là người anh, người “chị hiền” tận tuỵ chăm  lo cho tập thể, cho từng chiến sỹ, là hạt nhân đoàn kết thống nhất xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.




[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.458.

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 27 tháng 10

Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành[1].

Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, họp từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 10 năm 1950 tại Lam Sơm, tỉnh Cao Bằng.

Kỷ luật là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam. Chấp hành kỷ luật là một nguyên tắc trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là điều kiện bảo đảm cho quân đội luôn có sự tập trung thống nhất cao về ý chí và hành động, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh đã khẳng định:“quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Tuyệt đối phục tùng và chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên là biểu hiện tập trung cao nhất của việc chấp hành nghiêm kỷ luật. Do vậy, Người luôn yêu cầu mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải chấp hành kỷ luật một cách tự giác và nghiêm minh; đối với mệnh lệnh cấp trên ban xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành; báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng và thiết thực; là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng đa số; địa phương phục tùng Trung ương…

Lịch sử hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta cho thấy, lời huấn thị: “Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành” của Bác thực sự là một di sản tư tưởng, lý luận quý báu; một nguyên tắc đặc biệt quan trọng, trở thành lời thề danh dự của mỗi quân nhân đã góp phần xây dựng Quân đội ta, từ một đội quân du kích lúc ban đầu trở thành một quân đội có ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn kiên định trước mọi khó khăn, thử thách; cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, bản lĩnh, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.457.

Wednesday, October 25, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 26 tháng 10

Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình.

Làm như thế thì chúng ta sẽ phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa sạch khuyết điểm. Đánh thắng khuyết điểm của ta tức là đã một lần đánh thắng quân địch”.[1]

Đây là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sĩ”, báo Cứu quốc, số 1676, ngày 26 tháng 10 năm 1950.

Sau thắng lợi của các trận Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng mở ra một thời kỳ mới trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược - thời kỳ thế chủ động trên chiến trường hoàn toàn nằm trong tay quân đội cách mạng Việt Nam.

Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Để khắc phục sự chủ quan, tự mãn có thể sẽ xuất hiện trong cán bộ, chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời viết thư để tri ân các liệt sĩ, thăm hỏi thương binh, động viên bộ đội và huấn thị cán bộ phải làm tốt công tác lãnh đạo việc phê bình và tự phê bình. Bởi theo Bác, muốn phát huy tốt tác dụng của phê bình, phải tự phê bình mình trước, phê bình từ trong cấp ủy, trong chi bộ đến đơn vị. Tự phê bình không phải là tự hạ thấp mình, tự “nhún nhường” mà là thể hiện trình độ nhận thức, lòng dũng cảm, sự trung thực, ngay thẳng trước tổ chức, đồng chí, đồng đội và rộng hơn là trước Đảng, trước nhân dân; là thể hiện tinh thần cầu thị, ý chí vươn lên của bản thân.

Thấu triệt tư tưởng đề cao tự phê bình và phê bình, nhất là với đối với đội ngũ cán bộ các cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn kiên định và thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng, coi đây là nguyên tắc cơ bản xây dựng Đảng. Sự trưởng thành của Đảng ta trong hơn 80 năm qua một phần quan trọng là do Đảng luôn kiên định và thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trong đó có tự phê bình và phê bình, phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược luôn gương mẫu trong học tập, rèn luyện, đề cao tự phê bình và phê bình, có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, phong cách, năng lực lãnh đạo, chỉ huy tốt; có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phương pháp làm việc khoa học, khả năng phân tích, xử lý tốt các tình huống; có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và khả năng phát huy được sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị; gần gũi, sâu sát với bộ đội, được cán bộ, chiến sĩ tin tưởng, yêu mến. 



 

Saturday, October 21, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 22 tháng 10

Đối với những người có thành tích, phải khen thưởng, đối với những người mắc sai lầm thì phải phê bình, kiểm thảo giúp họ sửa chữa. Khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức[1].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại Đại hội thi đua lực lượng Công an nhân dân, ngày 12 tháng 10 năm 1966; Báo Nhân dân, số 4580, ngày 22 tháng 10 năm 1966. Tại Đại hội, Bác đã đề nghị ngành công an phải có những hoạt động thiết thực để thực hiện thi đua. Trong thi đua Bác đề cập đến việc phải khen thưởng kịp thời, xác đáng đối với những người có thành tích, đối với những người mắc sai lầm thì phải phê bình, kiểm thảo giúp họ sửa chữa. Khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức.

Lời Bác căn dặn năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với mọi cấp, mọi ngành và mọi người. Bởi nếu làm tốt công tác thi đua, khen thưởng  là trực tiếp giáo dục, cổ vũ, động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo, phấn đấu hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đã đề ra, tạo sức lan toả sâu rộng trở thành phong trào hành động cách mạng, thiết thực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Kỷ luật nghiêm minh, đúng mức, khách quan, công khai, công bằng, đúng người, đúng tội là công việc quan trọng và cần thiết nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của mỗi tổ chức, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu, đề cao tự phê bình và hê bình; là điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước.

Kỷ luật là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Chấp hành kỷ luật là một nguyên tắc trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là điều kiện bảo đảm sự tập trung thống nhất cao về ý chí và hành động, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Để giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống đoàn kết, kỷ luật tự giác, nghiêm minh, những năm qua, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, nhằm bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, gắn với thực hiện tốt các cuộc vận động của các cấp, các ngành; đồng thời, tăng cường quản lý kỷ luật, xây dựng đơn vị có nền nếp chính quy, nên hạn chế được tình hình vi phạm kỷ luật, nhất là kỷ luật nghiêm trọng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.170.

Friday, October 20, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 21 tháng 10

Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh[1].

Ngày 21 tháng 10 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Niu Di lân, ngài Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người đã nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường. Trong bài nói, Hồ Chí Minh đã khẳng định những công lao to lớn của các thầy cô giáo đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu, là bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, được vun đắp qua nhiều thế hệ, góp phần tạo nên nền văn hiến Việt Nam với bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý; cha ông ta từng nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”; “Thầy cô giáo tốt là những anh hùng vô danh”; cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nhấn mạnh: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội luôn coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã chỉ rõ: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”.

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo về phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên của Đảng và Nhà nước, công tác giáo dục - đào tạo trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, xây dựng đội ngũ giáo viên các học viện, nhà trường quân đội nói riêng đã có sự trưởng thành và lớn mạnh, hòa nhập với tiến trình đổi mới chung của nền giáo dục quốc dân, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các thế hệ nhà giáo Quân đội đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đào tạo hàng chục vạn cán bộ, hạ sĩ quan có chất lượng tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu của chiến trường trong những năm tháng kháng chiến giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả; là lực lượng nòng cốt trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo, vì học viên thân yêu là những biểu tượng cao đẹp để các thế hệ giáo viên, học viên mãi mãi học tập, noi theo, xứng đáng với sự đánh giá, ghi nhận của Bác Hồ kính yêu.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.14, tr.402-403.

Tuesday, October 17, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 18 tháng 10

Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến cùng để mưu tự do, hạnh phúc cho dân tộc[1].

Đây là lời của Hồ Chí Minh trong “Thư gửi đồng bào tỉnh Lào Cai”, ngày 18 tháng 10 năm 1945, báo Cứu quốc, đăng số 71, ngày 19 tháng 10 năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ khi mới ra đời, Nhà nước ta đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trước vận mệnh của chính quyền cách mạng được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”; trên cương vị Chủ tịch nước, với bộn bề lo lắng, nhưng Bác vẫn dành sự quan tâm ân cần, sâu sắc đến đồng bào các dân tộc miền núi và chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc, làm tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là để tạo nên lực lượng cách mạng to lớn, để làm cách mạng xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới. Do đó, đại đoàn kết dân tộc không thể chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi, mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nó phải biến thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng vật chất có tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta xác định, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng. Sứ mệnh lịch sử của Đảng là thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn nhằm chuyển những nhu cầu, đòi hỏi khách quan, chính đáng nhưng mang tính tự phát của quần chúng thành sự tự giác, có tổ chức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Chính sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết và xây dựng tinh thần đoàn kết đã trở thành lời thề danh dự của người quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhờ xây dựng tốt tinh thần đoàn kết gắn bó đồng chí, đồng đội, cấp trên với cấp dưới như ruột thịt, lúc thường cũng như lúc ra trận; đoàn kết quân với dân như cá với nước và đoàn kết quốc tế trong sáng, thuỷ chung… đã tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta. Thực tế đã chứng minh, ở đâu, khi nào mà cấp uỷ, chỉ huy các cấp quan tâm chăm lo lãnh đạo xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết, thì cơ quan, đơn vị đó luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và ngược lại. Do vậy, đặt ra yêu cầu với cấp uỷ, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, chung sức, đồng lòng xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t4, tr.67.

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

          Ngày 17 tháng 10

Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì[1].

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ký tên Hồ Chí Minh; đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17 tháng 10 năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, đã xuất hiện một bộ phận nhỏ cán bộ có tư tưởng công thần, hách dịch, vun vén lợi ích cá nhân, thiếu sâu sát, quan tâm đến đời sống của quần chúng nhân dân, gây bức xúc dư luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phát hiện, Người viết bài đấu tranh, lên án gay gắt và nghiêm khắc chấn chỉnh.

Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn mưu cầu cuộc sống tốt đẹp cho mỗi con người, quyền có cuộc sống ấm no, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, người già, người nghèo, người tàn tật được giúp đỡ. Các quyền con người về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội được chú trọng và hoàn thiện. Ở Bác, quyền dân tộc và quyền con người là thống nhất trong cả nhận thức và hành động, trong quan điểm, đường lối, chính sách và pháp luật mà Người mong muốn thực hiện. Không có độc lập chân chính, bền vững thì không thể thực hiện được quyền con người và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản, thiết thực của con người.

Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống về mọi mặt của nhân dân; chú trọng phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nhiệm vụ trọng tâm đó là sự thống nhất giữa quyền và lợi ích dân tộc với quyền, lợi ích và nghĩa vụ của con người, của công dân, như tâm nguyện của Bác kính yêu.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong Quân đội luôn tập trung lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thường xuyên quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; coi đây là trách nhiệm, là tình cảm với bộ đội; hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân với tay”, để bộ đội yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ. Kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm… thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc của Quân đội trong thời đại Hồ Chí Minh. 



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.64.

Saturday, October 14, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 15 tháng 10

Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm[1].

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Dân vận”, ký tên X.Y.Z, đăng trên Báo Sự thật số 120, ngày 15 tháng 10 năm 1949. 

Giữa lúc công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta ở vào thời điểm vô cùng cam go, quyết liệt, đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả dân tộc. Nhận thức sâu sắc và đánh giá cao vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Dân vận”. Đây là “cẩm nang” kịp thời chỉ dẫn một cách đầy đủ và sâu sắc cả về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp, tính hiệu quả... của công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên; tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

Thấu triệt tư tưởng chỉ đạo của Bác, mọi cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta luôn xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vì nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, từ đó luôn chủ trương phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, để xây dựng nên khối đại đoàn kết và không ngừng phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Ngành Dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đã luôn chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác Dân vận, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Cán bộ làm công tác Dân vận luôn tích cực học tập, nghiên cứu nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phong tục, tập quán của từng địa phương, từng dân tộc; âm mưu, thủ đoạn chống phá của địch để tuyên truyền, vận động cho quần chúng nhân dân thông suốt, hiểu được quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyết tâm cùng với toàn Đảng, toàn quân nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành được những thắng lợi vẻ vang trong kháng chiến, thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh; luôn được dân mến, dân tin, dân giúp đỡ. Mối quan hệ quân - dân trở thành mối quan hệ mẫu mực được ví như máu thịt, như cá với nước, trở thành lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn tích cực hưởng ứng và làm tốt các công tác dân vận, tham gia xoá đói, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới. Các phong trào, mô hình: “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, “Tết quân dân”, “Xuân biên cương, Tết hải đảo”, “Tết Biên phòng, ấm lòng dân bản”… đã, đang được triển khai quyết liệt với tình cảm, trách nhiệm cáo của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.233-234.

Friday, October 13, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 14 tháng 10

Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu[1].

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Lời cảm ơn đồng bào công giáo”, Người viết ngày 14 tháng 10 năm 1945, ký tên Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 70, ngày 18 tháng 10 năm 1945.

Trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, tư tưởng đoàn kết tôn giáo là bộ phận không thể tách rời. Đoàn kết tôn giáo cũng chính là đoàn kết dân tộc. Người đã tìm ra sự tương đồng giữa các tôn giáo, lấy đó làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện đoàn kết tôn giáo qua lý giải: Các tôn giáo chân chính đều có hy vọng giải thoát con người, mong muốn con người được tự do, sung sướng, hạnh phúc: Phật sinh ra để lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha, Đức Giê-su hy sinh là vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc, Khổng Tử sinh ra cũng là để giúp con người sống nhân nghĩa vì một thế giới đại đồng; tín đồ tôn giáo nhìn chung đều là những người lao động bị chế độ cũ áp bức, bóc lột, họ có quyền mưu cầu hạnh phúc, họ là những người yêu nước và cũng là lực lượng không thể thiếu của cách mạng, là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân với tư cách là chủ thể của cách mạng.

Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng, nhà nước ta kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo hù hợp tình hình thực tiễn. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào của nhân dân; đồng thời xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”. Điều này được hiến định tại Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và tại Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Sự thật hiển nhiên là thế, nhưng các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tự do, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, kích động,… hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể khẳng định, không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam, một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Đó là sự thật! Tự nó bác bỏ mọi sự xuyên tạc, kích động hòng chia rẽ tôn giáo với chính quyền, chia rẽ những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thấu triệt lời Bác Hồ dạy năm xưa, cán bộ chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình địa bàn đóng quân để xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, tích cực tổ chức thực hiện công tác tôn giáo, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh vùng đồng bào có đạo trên địa bàn cả nước một cách cụ thể, thiết thực. Trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, cấp uỷ, chỉ huy luôn quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ nhau trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, nghĩa đồng đội giữa cán bộ, chiến sĩ theo tôn giáo và không theo tôn giáo đều chung sức, đồng lòng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.55.

Thursday, October 12, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 12 tháng 10

Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh[1].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Sao cho được lòng dân”, bút danh Chiến Thắng, đăng Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12 tháng 10 năm 1945.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc ta; song Chính phủ mới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Thù trong, giặc ngoài, điên cuồng quấy phá, tìm mọi cách lật đổ chính quyền non trẻ của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sao cho được lòng dân” để căn dặn các cán bộ, đảng viên, bộ đội, công an của chính quyền mới phải luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên, lên trước, việc gì có lợi cho dân phải kiên quyết làm, làm cho bằng tốt. Theo quan điểm của Bác, một nhà nước thật sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân phải coi việc phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân là mục tiêu, phương hướng hoạt động của mình. Người chỉ rõ: Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. 

Thấu triệt quan điểm của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán và triển khai quyết liệt, đồng bộ chủ trương xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực được mở rộng và phát huy, một số chính sách và quy chế bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, trước hết ở cơ sở, bước đầu được mở rộng, thực hiện. Đáng chú ý là hệ thống pháp luật được đổi mới, bổ sung và tăng cường, chất lượng các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được nâng cao; phương thức quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước sâu sát, thực tế hơn, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội, các hoạt động của ngành tư pháp, toà án, viện kiểm sát có nhiều tiến bộ... Việc đổi mới nhà nước đúng định hướng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lành mạnh hoá các mặt văn hoá, xã hội, giữ vững sự ổn định lâu dài của đất nước.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đã không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ của đế quốc, thực dân trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng, hết sức giúp đỡ dân, bảo vệ dân, giúp dân xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, thảm hoạ, cứu hộ, cứu nạn, đồng hành cùng ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, nơi phên dậu của Tổ quốc... đã góp phần cùng với cả hệ thống chính trị xây dựng “Thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, giữ vững và không ngừng phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.51.

Tuesday, October 10, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 



Ngày 10 tháng 10

Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần[1].

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết đăng trên Báo Nhân dân, số 236, từ ngày 09 đến ngày 10 tháng 10 năm 1954, với bút danh “C.B”.

Mùa thu lịch sử năm 1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác Hồ về đọc Tuyên ngôn độc lập sau ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Mùa thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đón Bác Hồ về Thủ đô sau ngày giải phóng. Từ đó đến nay, Hà Nội tiếp nối truyền thống Thăng Long - Đông Đô ngàn năm, ngày một xứng đáng là trái tim cả nước, xứng với danh hiệu Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình…

Trong chiến đấu, Hà Nội lập nên nhiều chiến công hào hùng, với cuộc chiến đấu tháng Chạp năm 1946 cùng toàn dân đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp; với trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 buộc đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam… Trong 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược, Hà Nội là địa danh thiêng liêng, là hồn thiêng sông núi, nơi cả nước gửi gắm niềm lạc quan tin tưởng, ý chí tự hào, là điểm tựa tinh thần cho quân và dân cả nước hăng hái đánh giặc.

          Trong xây dựng hòa bình, Hà Nội đang từng bước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Hà Nội đổi mới từng ngày, phấn đấu văn minh hiện đại trên cái nền truyền thống ngàn năm văn hiến, tạo nên gạch nối hài hòa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Hà Nội vinh dự là một trong 17 thành phố, thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Hà Nội là trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Cả nước quan tâm theo dõi, ngưỡng mộ từng bước đi lên của Thủ đô. Vì thế Thủ đô Hà Nội có vinh dự, tự hào to lớn, nhưng đồng thời có trách nhiệm hết sức nặng nề. Hà Nội phải luôn luôn gương mẫu, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta, nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Ba chữ “Thủ đô ta” chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Người đối với Hà Nội, dành riêng cho Hà Nội, chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy. 


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.9, tr.78.