Monday, August 27, 2018


Ngày 27 tháng 8
“Chủ nghĩa Mác - Lê nin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bạn, bớt kẻ thù”[1].
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận”, Bác nói cuối tháng 8 năm 1962, Báo Nhân dân đăng trên số 3081, ngày 31 tháng 8 năm 1962.
Lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước đã nhắc nhở dân tộc ta phải kiên định thực hiện nhất quán quan điểm “thêm bạn, bớt thù” và được Đảng, Nhà nước ta vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới với việc đổi mới tư duy từ “bạn và thù” sang “đối tác và đối tượng” - cái mới, bước đột phá khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta trong đổi mới, hội nhập quốc tế. Từ những vấn đề rất cơ bản có tính định hướng về “đối tác, đối tượng” trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (năm 1991), được bổ dung, phát triển thành quan điểm trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng. Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”[2]. Đây chính là điều kiện, tiền đề quan trọng để Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đạt được những thành tựu bước đầu có ý nghĩa chiến lược, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
 Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục để bộ đội nhận rõ “đối tác, đối tượng”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không dao động trước các tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy. Nói và làm đúng nghị quyết; có thái độ phân biệt đúng, sai, bạn, thù đúng đắn, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 453.
[2] . Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


           Ngày 26 tháng 8
“Quân và dân ta cố gắng thi đua giết giặc lập công, thi đua tăng gia và tiết kiệm, thì tình hình giặc sẽ hơn nữa và thắng lợi nhất định về ta”[1].
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “12 vạn 5 nghìn binh sĩ Pháp chết và bị thương” đăng trên Báo Cứu quốc, số 2151, ngày 26 tháng 8 năm 1952.
Đây là giai đoạn tình hình nước Pháp trở nên rối ren với những diễn biến bất lợi trên chiến trường Đông Dương. Ở Việt Nam, quân Pháp chủ trương thực hiện chiến lược phòng ngự, ráo riết bình định các vùng tạm chiếm; nhưng liên tiếp gặp phải sự kháng cực mạnh mẽ của quân và dân ta dẫn đến thất bại nặng nề. Trung ương Đảng chủ trương: “Đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, đồng thời sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng. Về chiến thuật là vây điểm, diệt viện; diệt viện, phá điểm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời viết bài thông tin trên báo chí để quốc dân đồng bào biết về những tổn thất nặng nề của thực dân Pháp trên các chiến trường và chính sự rối ren trong nội bộ nước Pháp. Đồng thời, Người căn dặn, động viên, cổ vũ quân và dân cả nước nỗ lực thi đua để nhanh chóng giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc..
Quán triệt và thực hiện những chỉ huấn của Người, phong trào thi đua yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hưởng ứng tham gia với các phong trào thi đua: “Hũ gạo kháng chiến”, “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, đồng bào ở hậu phương thi đua tăng gia sản xuất”, “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền tuyến”, “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”… đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của dân tộc, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc, lập nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Học tập và làm theo lời Bác dạy trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta, phong trào thi đua Quyết thắng đã sớm hình thành và được duy trì thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, sôi động, có chiều sâu và sức lan tỏa rộng; gắn kết chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với các đợt thi đua cao điểm, đột kích, các phong trào, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong toàn quân. Phong trào thi đua Quyết thắng đã khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, sức sáng tạo, động viên tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, phấn đấu bền bỉ, liên tục trong từng tập thể, cá nhân góp phần rèn luyện, xây dựng bản lĩnh, nhân cách người quân nhân cách mạng, phẩm chất cao đẹp“Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao chất lượng chính trị, sức mạnh tổng hợp, lập nên những chiến công oanh liệt trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 473.


Ngày 25 tháng 8
 “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước.
Như vậy, các bạn sẽ thành công”[1].
Là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Hội nghị các cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc” Bác viết ngày 25 tháng 8 năm 1950.
Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra gay go, ác liệt; Việt Bắc được lựa chọn là căn cứ địa (ATK) hoạt động lãnh đạo cách mạng của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù cuộc sống và công việc ở chiến khu bộn bề khó khăn, vất vả, hiểm nguy, nhưng Bác Hồ vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi và công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, lớp “công dân đặc biệt”, “…người chủ tương lai của nước nhà”.  Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong tâm can của Bác; sự quan tâm của Bác đối với trẻ em gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của đất nước, đặc biệt là vai trò của các cô giáo trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc các cháu nhi đồng.
Thấu triệt chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo nước ta luôn xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục mầm non - bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục lâu dài, nhằm hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Niềm tin, hi vọng của từng gia đình và cả xã hội về tương lai của trẻ, của đất nước trông trờ ở sự phát triển hằng ngày ở lứa tuổi măng non. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Do vậy, phẩm chất đạo đức, trình độ, kỹ năng, tính mô phạm trong cuộc sống hằng ngày, sự say mê yêu nghề, yêu trẻ của đội ngũ giáo viên mầm non có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của các cháu.
Thực hiện chức năng đội quân công tác, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia cùng cả hệ thống chính trị và cộng đồng chung sức, đồng lòng quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em. Các nhà trẻ, trường mầm non thuộc các đơn vị doanh nghiệp, học viện, nhà trường trong quân đội thực sự là những điểm sáng kiểu mẫu về mô hình giáo dục thế hệ mầm non của đất nước. Đặc biệt nhiều đơn vị Bộ đội Biên phòng đã nhận nuôi dưỡng, cưu mang nhiều trẻ nhỏ con em đồng bào dân tộc thiểu số mồ côi cha mẹ hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Nhiều Đồn, Trạm Bộ đội Biên phòng đã trở thành ngôi nhà thứ hai, là điểm tựa nuôi dưỡng và thắp sáng tương lai cho những trẻ em kém may mắn; qua đó thắt chặt hơn tình quân dân cá - nước nơi phên dậu của Tổ quốc, để không trẻ em nào bị để lại phía sau. Đây chính là những việc làm thiết thực về học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu, thiết thực góp phần làm cho phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” sáng mãi trong niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 427-428.


       Ngày 24 tháng 8
“Giữ gìn trật tự, trị an tốt thì dân mới an cư lạc nghiệp. Muốn giữ gìn trật tự, an ninh tốt, phải dựa vào nhân dân để ngăn ngừa bọn làm trái phép”[1].
Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, ngày 24 tháng 8 năm 1958.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội, môi trường hòa bình, hợp tác, tạo thế và lực cho sự phát triển của đất nước, cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy, cần phải phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; vai trò làm chủ, sức mạnh tiềm tàng của nhân dân, thực sự là “tai mắt”, là chỗ dựa tin cậy để các lực lượng chức năng (nòng cốt là công an nhân dân) đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật trật an toàn xã hội, cuộc sống của nhân dân.
Thấu triệt lời Bác dạy, Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh việc quán triệt và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đã chủ động, tích cực phối hợp với Công an nhân dân giữ vững an ninh chính trị, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống theo đúng tinh thần Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững đất nước; giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn khắc ghi và làm đúng lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân; hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; tích cực giúp dân xóa đói, giảm nghèo… thiết thực góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong tình hình mới.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 522.


Ngày 23 tháng 8
 “Nghĩa vụ một người dân là phải yêu Tổ quốc”[1].
Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bài “Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết”, Người viết tại Quảng Châu, Trung Quốc, đăng trên Báo Thanh niên, số 9, ngày 23 tháng 8 năm 1925. Đây là giai đoạn phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đang diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp trên thế giới cũng như ở Đông Dương.
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua những chặng đường đầy gian lao thử thách, nhưng vẫn trường tồn và phát triển bởi đã rèn đúc nên bản lĩnh vững vàng, mang đậm tính cách và khí phách của dân tộc, hình thành và hun đúc nên truyền thống yêu nước Việt Nam. Truyền thống ấy đã thấm sâu vào trong mỗi người dân, tạo nên tâm hồn, bản lĩnh và trí tuệ của các thế hệ người Việt và sức mạnh to lớn của dân tộc để chiến đấu, chiến thắng thiên tai, địch họa. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh đã tập hợp, quy tụ người Việt Nam không phân biệt đàn ông, đàn bà, già, trẻ, đảng phái, tôn giáo, dân tộc… đoàn kết, đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
          Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn mài sắc lý tưởng chiến đấu, yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; đề cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác; đoàn kết nội bộ tốt, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, gắn bó máu thịt với nhân dân; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả... Phẩm chất, truyền thống tốt đẹp ấy phản ánh bản chất cách mạng và là sức mạnh nội sinh được tích hợp ở một trình độ cao trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 503.


 Ngày 22 tháng 8
“Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[1].
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng” đăng trên Báo Nhân dân số 217, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 8 năm 1954; bút danh “C.B”.
Sau thắng lợi của cách mạng tháng 8 năm 1945, nhân dân ta giành được chính quyền, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, với mục đích duy nhất là giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bóc lột, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Cũng từ đó, Đảng ta vừa là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, nên tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc của Đảng thống nhất với nhau, không thể tách rời.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ công khai lợi ích của Đảng ta trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế, thể hiện sâu sắc giá trị lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng; vừa thể hiện một cách đúng đắn và nhuần nhuyễn tính giai cấp, tính tiền phong, trí tuệ, đạo đức và tính quần chúng trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, đây còn là tư tưởng chỉ đạo để Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên hành động đúng tôn chỉ, mục đích của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp, nhân dân lao động và của dân tộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
          Thấm nhuần lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân; ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... Càng trong khó khăn, gian khổ bản lĩnh chính trị, niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội càng được khẳng định, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.31.


Ngày 21 tháng 8
“Lo cứu nước tức là lo cứu mình”[1].
Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bài “Dân cày”, đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 103, ngày 21 tháng 8 năm 1941.
          Để tập hợp toàn dân tộc đấu tranh giành chính quyền, giành độc lập, tự do cho đất nước, giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị, áp bức của thực dân Pháp xâm lược và chế độ phong kiến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài:“Lo cứu nước tức là lo cứu mình” đăng trên báo Dân cày. Người đã chỉ rõ,  trong đời sống của dân ta đang bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân, phong kiến tàn bạo, hà khắc. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải cùng nhau đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, giải phóng dân tộc và đó cũng chính là cách thức tốt nhất để tự cứu mình trước ách đô hộ, cai trị của đế quốc, thực dân, phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức tỉnh, giác ngộ, động viên và tập hợp lực lượng của cả dân tộc đứng lên chống chế độ phong kiến, chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc và cứu chính bản thân mình, gia đình mình.
Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công oanh liệt: Đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa vị thế nước ta ngày càng nổi bật trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường… đặt ra cho Quân đội ta những yêu cầu mới và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, để tập trung xây dựng quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, đảo, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phi chính trị hóa quân đội, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược (kể cả chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao) nếu như chúng liều lĩnh gây ra, đó chính là đã thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy: “Lo cứu nước tức là lo cứu mình”.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.238.


Ngày 19 tháng 8
“Muốn ăn quả tốt, phải trồng cây to”[1].
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Ngày Độc lập”, Bác viết ngày 19 tháng 8 năm 1950.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt nam Dân chủ Công hòa - nhà nước do nhân dân lao động làm chủ. Nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, dân chủ, Đảng ta từ một Đảng bất hợp pháp trở thành một Đảng nắm chính quyền, đưa dân tộc ta lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới. Song, chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là trước dã tâm quay lại cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Trước bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút về căn cứ địa Việt Bắc để bảo toàn và phát triển lực lượng, chỉ đạo cả nước trường kỳ kháng chiến và quyết định mở chiến dịch biên giới Thu Đông 1950 (Chiến dịch Lê Hồng Phòng 2) nhằm phá thế bị cô lập ở căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung để mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ; mở rộng căn cứ địa và tiêu diệt một phần sinh lực quân đồn trú của Pháp, thử nghiệm các chiến thuật cho quân đội ta, khi đó vẫn chủ yếu thực hiện cách đánh du kích, còn thiếu kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo trường kỳ kháng chiến của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, kề vai sát cánh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, thắng không kiêu, bại không nản, tiến hành cuộc kháng chiến ba nghìn ngày, với tinh thần: “Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…” đã làm nên một Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãng đạo và rèn luyện, là lực lượng nòng cốt cùng với toàn Đảng, toàn dân làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã trở thành động lực to lớn cổ vũ toàn quân đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Đảng bộ Quân đội và toàn quân luôn mẫu mực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất cao, có chuyển biến quan trọng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước; luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.424.


Ngày 18 tháng 8
 Hỡi đồng bào yêu quý!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.”[1].
Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh trong “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa”, Người viết ngày 18 tháng 8 năm 1945.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Hồ Chí Minh, lực lượng cách mạng đã không ngừng lớn mạnh, cao trào kháng Nhật cứu nước đã phát triển mạnh mẽ, nhất là sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp dẫn đến sự thất bại của quân đội Nhật. Thực hiện Lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi quân và dân cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa để giành chính quyền. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, quân và dân cả nước đã đồng loạt biểu tình, đánh chiếm các công sở của địch và giành thắng lợi, đến cuối tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng được thành lập trong cả nước, ngày 02 tháng 9 năm 1945 Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nhân dân ta từ địa vị nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước. Mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và tự do.
Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây hơn 70 năm, song giá trị lý luận và thực tiễn vẫn vẹn nguyên, để Đảng, Nhà nước, quân đội vận dụng trong nhận định, đánh giá tình hình, xác định đúng đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam; khơi dậy và phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại… để lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ động nghiên cứu, nắm chắc, đánh giá, dự báo tình hình một cách khách quan, toàn diện, khoa học, biện chứng để tham mưu kịp thời với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý hiệu quả các tình huống, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ, hạn chế tối đa thương vong cho bộ đội trong chiến đấu và tuyết đối không để bị động bất ngờ. Luôn biết khơi dậy và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, kết hợp với sự giúp đỡ của nhân dân, của bạn bè quốc tế để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho quân đội hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, là lực lượng nòng cốt cùng với toàn Đảng, toàn dân chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.596.


Ngày 17 tháng 8
“Phải dựa vào nhân dân, vì đông đảo nhân dân rất nhiều tai mắt, cho nên bộ đội, công an không những phải đoàn kết nội bộ, lại phải đoàn kết với nhân dân, dựa vào nhân dân, giáo dục nhân dân cảnh giác thì địch không làm gì được”[1].
 Lời dạy của Người trích trong “Bài nói chuyện với trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình” ngày 17 tháng 8 năm 1962. Đây là thời kỳ cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, cứu nước của dân tộc ta ở thời kỳ vô cùng ác liệt, Đảng, Nhà nước đã động viên, khích lệ tinh thần xung kích, tình nguyện của các thế hệ thanh niên làm nên những thành tích vẻ vang trong xây dựng trường học kiểu mẫu, góp sức vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; trong đó, có sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn của nhân dân.
          Tư tưởng về phát huy sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và giành nhiều công sức xây dựng. Bác luôn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam, đúng như lời Người đã khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thực tiễn đã minh chứng, chỉ có đoàn kết chặt chặt chẽ với nhân dân, dựa vào dân, được nhân dân tin yêu thì quân đội và công an mới có được những thuận lợi trong chiến đấu, công tác, lao động sản xuất và trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Cách xa dân, không gắn bó với nhân dân, không liên hệ mật thiết với nhân dân, không dựa vào dân thì bộ đội và công an không thể hoàn thành được nhiệm vụ; bởi theo Bác: “Có dân là có tất cả”.
          Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là hai lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, luôn đoàn kết, gắn bó, phối hợp và tạo điều kiện, giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, mỗi lực lượng đều nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy, luôn giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, tích cực giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ dân, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo làm mũi nhọn tấn công trong chiến lược “diễn biến hòa bình” kích động tư tưởng chống đối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.439.


 Ngày 16 tháng 8
“Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình”[1].
Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình”, Bác viết ngày 16 tháng 8 năm 1958, Báo Nhân dân đăng trên số 1618, ngày 17 tháng 8 năm 1958.
Trong suốt tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua nhiều cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, với biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Bởi vậy yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mỗi người dân Việt Nam.
Nhận thức sâu sắc qui luật dựng nước phải đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phát triển thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kế tục truyền thống yêu chuộng hòa bình, giữ vững ý chí độc lập, tự do, thâm nhuần lời Bác Hồ dạy, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn nhất quán với chủ trương: “Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, dưới sự lãnh đạo của Đảng quân đội và dân ta đã đoàn kết, anh dũng đấu tranh giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ngày nay, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế… Quân đội ta đã cử cán bộ làm nhiệm vụ quốc tế tại các phái bộ của Liên Hợp quốc thể hiện trách nhiệm quốc tế của quân đội và nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các bất ổn và thách thức về an ninh hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân ra sức thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, không ngừng nâng cao chất lượng và sức mạnh tổng hợp của quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần xây dựng và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.518.


Ngày 15 tháng 8
“Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là:
Phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”[1].
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người làm tướng trong quân đội trong buổi nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, họp tháng 8 năm 1948.
Bác đã luận giải tường minh từng phẩm chất của người làm tướng:
          Trí, là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng.
          Tín, là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn nghĩa tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn tự cao.
          Dũng, là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.
          Nhân, là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cảm cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.
          Liêm, là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.
          Trung, là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.
          Những yêu cầu trên xuất phát từ thực tế khách quan và hoàn toàn phù hợp với quy luật xây dựng và bản chất của quân đội kiểu mới - một quân đội của dân, do dân và vì dân.
Thấu triệt lời Bác dạy, các thế hệ tướng lĩnh trong quân đội - những người đứng mũi, chịu sào, chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng luôn khắc ghi và phấn đấu, rèn luyện. Mỗi vị tướng trong quân đội luôn nhận thức sâu sắc bổn phận phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình; có tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần dám đánh và biết cách đánh thắng quân thù; tiêu biểu mẫu mực về tinh thần tự học, tự rèn; mưu lược, biết địch, biết ta; biết phân tích thiên thời, địa lợi, nhân hòa; biết lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông; biết phát huy sở trường, sở đoản của quân mình; hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch; biết tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu, chiến thắng quân thù…
Trong giai đoạn hiện nay, phẩm chất người sĩ quan cấp tướng trong Quân đội ta tiếp tục được tôi luyện và không ngừng tiến bộ; đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội, nhất là các tướng lĩnh không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh trung nghĩa, thao lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thương yêu cấp dưới, chia sẻ, đồng cam, cộng khổ với bộ đội; quan tâm, giúp đỡ nhân dân, xứng đáng với lòng tin, tình cảm trân trọng của nhân dân với “Bộ đội Cụ Hồ”, với những vị tướng của nhân dân.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.594.


 Ngày 14 tháng 8
“Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động. Phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân, viên chức”[1].
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc”, Báo Nhân dân đăng trên số 3064 ngày 14 tháng 8 năm 1962.
Công đoàn các cấp với vị trí là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, đại diện cho người lao động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động… tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, phải quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở thật sự vững mạnh, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp, thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện sinh hoạt, lao động; quan tâm, động viên, khuyến khích đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động yên tâm, gắn bó với ngành nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Là một bộ phận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Quân đội làm tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp về công tác vận động đoàn viên công đoàn, công nhân và lao động quốc phòng, hoạt động công đoàn trong quân đội. Tham gia nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và giải quyết các chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động… Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, tổ chức công đoàn trong quân đội đã luôn quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, tập hợp, đoàn kết đội ngũ đoàn viên, công nhân, lao động quốc phòng; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động; chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, đã có nhiều hoạt động chăm lo đến quyền lợi, xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động quốc phòng và tổ chức công đoàn quốc phòng vững mạnh về mọi mặt, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện được cấp ủy, chỉ huy các cấp ghi nhận, đánh giá cao, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.434.


Ngày 13 tháng 8
 “Thi đua phải đoàn kết, đoàn kết để thi đua”[1].
Lời dạy của Bác Hồ trong “Bài nói với cán bộ và đồng bào tỉnh Nam Định”, ngày 13 tháng 8 năm 1958.
          Đây là thời điểm miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm giải phóng quê hương, thống nhất đất nước; phong trào thi đua yêu nước sau 10 năm thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, động viên, khích lệ đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; trong đó tỉnh Nam Định là một điểm sáng của cả nước, được Bác về thăm và nói chuyện; trong đó, Người căn dặn: “Thi đua phải đoàn kết, đoàn kết để thi đua”.
          Đoàn kết đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta, trở thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc Việt Nam vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Chính vì vậy, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các phong trào thi đua đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức, là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đoàn kết chặt chẽ thì sức mạnh thi đua càng mạnh, phong trào thi đua càng có sức lan tỏa sâu rộng, kết quả đạt được càng toàn diện và vững chắc.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, phong trào thi đua Quyết thắng trong quân đội được cấp ủy, chỉ huy, hội đồng thi đua - khen thưởng, cơ quan chính trị các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm với nhiều phong trào đã gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu như: “Giết giặc lập công”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Yêu xe như con, quý xăng như máu”… đã phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trước yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phong trào thi đua Quyết thắng tiếp tục có bước phát triển mới, đồng hành, gắn chặt với từng lĩnh vực công tác, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình hoạt động của mỗi loại hình cơ quan, đơn vị trong toàn quân được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng thực hiện và đạt được kết quả tích cực, tạo động lực tinh thần to lớn cho toàn quân hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.511.


Ngày 12 tháng 8
“Bộ đội, cán bộ và đồng bào Nghệ An đã phát huy thắng lợi, nêu cao truyền thống anh hùng của quân và dân ta, đoàn kết chặt chẽ, luôn cảnh giác, thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, quyết giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”[1].
          Lời khen ngợi và căn dặn của Bác Hồ trong “Thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An bắn rơi 100 máy bay Mỹ”, đăng trên Báo Nhân dân, số 4148 ngày 12 tháng 8 năm 1965.
Đây là giai đoạn đế quốc Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc bộ” (05/8/1964) vu khống tàu ta tấn công tàu Mỹ ở ngoài vùng biển nước ta, để tiến hành cuộc chiến tranh chống phá miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân và hải quân, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế - quốc phòng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, uy hiếp tinh thần làm lung lay quyết tâm chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam ở 2 miền Nam Bắc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc đã chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, quân sự hóa toàn dân, đắp công sự, đào hầm, sơ tán nhân dân… để tránh thiệt hại về người và của, tiếp tục chiến đấu và sản xuất. Với tinh thần “Không có ghì quý hơn độc lập tự do”, quân dân miền Bắc thi đua chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, đạt nhiều thành tích trong chiến đấu và sản xuất; tiêu biểu có quân và dân Nghệ An với thành tích bắn rơi 100 máy bay Mỹ; Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi, động viên và khích lệ.
Tự hào về quê hương xứ Nghệ - vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; đã từng là “phên dậu”, “thành đồng” của đất Việt qua nhiều thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghệ An luôn thấu triệt lời Bác Hồ dạy đã có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới ngày nay. Nghệ An là địa phương kinh tế - xã hội có bước phát triển khá nhanh và tương đối toàn diện. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực; trở thành tỉnh khá của cả nước, như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.598.


Ngày 11 tháng 8
“Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sữa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”[1].
 Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ Hải quân”, Báo Nhân dân đăng số 4147, ngày 11 tháng 8 năm 1965.
Nhân dịp Kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và biểu dương thành tích trong xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Hải quân; đồng thời, Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân cần tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thấu triệt lời Bác Hồ dạy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ra quân đánh thắng ngay từ trận đầu; bất chấp mưa bom, bão đạn và muôn vàn khó khăn, gian khổ trên những chuyến tàu không số trở đầy hàng hóa, ngày đêm vượt biển chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam, dệt nên một huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, tham gia cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam như Bác hằng mong ước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân chủng Hải quân luôn nắm vững tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có chủ trương, đối sách đúng đắn, phù hợp trong xử lý các vấn đề nhạy cảm xảy ra trên biển; tập trung xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng” của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.597.