Friday, August 3, 2018


THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC ẢNH HƯỞNG CỦA
 MẠNG XÃ HỘI ĐẾN NHẬN THỨC, TƯ TƯỞNG BỘ ĐỘI
              Đại tá Nguyễn Văn Dũng
                         Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn

Trong những năm qua, bên cạnh thành tựu của ngành khoa học công nghệ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các trang mạng xã hội ở nước ta đã phát triển nhanh chóng, đem lại những lợi ích to lớn cho người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho cuộc sống, các thế lực thù địch đã và đang tăng cường lợi dụng internet như một phương tiện hữu ích để chống phá cách mạng nước ta, chúng lập nhiều trang facebook để truyền bá những thông tin xấu độc, đăng tải những status trên trang facebook cá nhân với ngôn ngữ, luận điệu đầy tính kích động, phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trên mọi lĩnh vực.
Với đặc điểm có lượng người sử dụng đông đảo, thông tin truyền tải không hạn chế và lan truyền sâu rộng, mạng xã hội chính là “mãnh đất vàng” để các thế lực phản động thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với mọi đối tượng, nhất là thanh thiếu niên bằng cách cho đăng tải, chia sẻ, lan truyền các bài viết, bình luận có quan điểm chính trị đối lập với Đảng và Nhà nước ta… Do tuổi đời còn trẻ, ham cái mới, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng đang trong quá trình hoàn thiện nên các bạn trẻ rất dễ bị tác động xấu bởi những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội. Nếu không đủ tỉnh táo, kiên định với lập trường cách mạng, bản lĩnh chính trị thì thanh thiếu niên sẽ bị cuốn theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, bị lung lay ý chí, niềm tin, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từng bước dẫn đến tha hóa về quan điểm, lập trường, lối sống
Thực tế, việc sử dụng mạng xã hội, nhất là Facebook và Zalo đã và đang trở nên ngày càng phổ biến trong thanh niên quân đội. Bởi lẽ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối 3G hoặc Wifi, việc tham gia các mạng xã hội trở nên vô cùng đơn giản. Mặc dù trong thời gian qua, việc sử dụng mạng xã hội của cán bộ, chiến sĩ Quân đội vẫn đảm bảo lành mạnh, chủ yếu với mục đích học tập, tìm kiếm tài liệu phục vụ công tác, giải trí, trao đổi thông tin, liên lạc với gia đình, người thân, bạn bè, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bản thân. Song với tính chất “mở” và khó kiểm soát của mạng xã hội, hoạt động này luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến phẩm chất, nhân cách người sĩ quan quân đội, đến phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cũng như hình ảnh, truyền thống của đơn vị. Thậm chí, tác hại của việc sử dụng mạng xã hội tùy tiện có thể dẫn tới những hậu quả lớn hơn như làm lộ tài liệu, bí mật quân sự, dao động về tư tưởng, thoái hóa về đạo đức, lối sống, thúc đẩy khả năng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong chính bản thân mỗi quân nhân.
Hệ lụy của việc lạm dụng mạng xã hội ở đội ngũ sĩ quan trẻ là chất lượng thực hiện nhiệm vụ theo chức trách giảm sút, sao lãng công việc, ảnh hưởng đến sức khỏe (giảm thị lực, mất ngủ, tinh thần mệt mỏi…). Đặc biệt, sự phát tán thông tin từ mạng xã hội rất nhanh và dễ dàng, tạo môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng, gây nguy hại đến tư tưởng, tinh thần của thanh niên. Nhất là những thông tin không có nguồn gốc chính thống, chưa được kiểm duyệt, nhằm mục đích nói xấu, bôi nhọ người khác, hoặc kích động, phản động, thậm chí là chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Với tư cách là một trong những thành viên tham gia mạng xã hội, dù vô tình hay hữu ý, đội ngũ sĩ quan trẻ có thể bị lôi kéo tham gia thành lập các nhóm (group) tuyên truyền những thông tin thiếu lành mạnh hoặc thiếu trung thực hay là sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch mưu đồ chính trị nhằm chống lại chế độ, chống lại Tổ quốc.
Hiện nay, tại các cơ quan, đơn vị trong Quân đội việc sử dụng mạng xã hội đã trở nên rất phổ biến, nhất là với đội ngũ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng. Trong thực hiện nhiệm vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng Internet vào làm việc đã có nhiều lợi ích, giúp chúng ta thu thập, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, nhân viên sử dụng mạng xã hội không đúng mục đích đã làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị, biểu hiện như: Một bộ phận cán bộ, nhân viên chuyên môn có thói quen thường xuyên truy cập vào các trang mạng xã hội tại nơi làm việc. Khi đến cơ quan dành nhiều thời gian bàn luận, tranh luận các thông trên các mạng xã hội hơn là chú tâm vào công việc của mình, dẫn đến hiệu quả công việc không cao; các hình ảnh, trang tin hoạt động có liên quan đến yếu tố bí mật quân sự được lưu ở máy tính văn phòng hay những bàn luận thiếu chủ đích của cán bộ, nhân viên chuyên môn có thể được đưa lên các trang mạng một cách vô tình hay hữu ý, những hình ảnh mang mặc sai lễ tiết tác phong quân nhân được đưa lên trang mạng gây ra những dư luận xã hội không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.
Để khắc phục những hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội tại đơn vị cơ sở cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
 Một là, Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về quan hệ trên mạng thông tin xã hội, nhận thức rõ bản chất, những nguy cơ tiềm ẩn của các mối quan hệ; thường xuyên cảnh báo quân nhân không nên kết bạn với những người không quen trên mạng, không mở email, tải file, nhấp vào các đường link trên email khi không xác định rõ người gửi, cảnh giác với những email lừa đảo…; quy định và phổ biến đến mọi quân nhân về các thông tin được chia sẻ, cấm chia sẻ trên mạng thông tin xã hội, đồng thời thường xuyên phổ biến, duy trì thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ luật, quy định liên quan đến khai thác, sử dụng Internet, điện thoại di động, phương tiện thu, phát tin cá nhân.
Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, giáo dục để mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân thấy rõ tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức đề kháng cho mỗi người trước thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, cần tiếp tục gắn chặt chẽ với tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Thông tư số 110/2014/TT-BQP ngày 22/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về ban hành Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng Internet trong Quân đội Nhân dân Việt Nam; Công văn số 8076/VP-BM ngày 29/9/2014 của Văn phòng Bộ Quốc phòng về chấp hành quy định bảo vệ bí mật, quân sự quốc phòng, đặc biệt Công văn số 1260/BTL-ATM, ngày 04/7/2018 của Bộ Tư lệnh 86 thực hiện quy định của Bộ Quốc phòng về sử dụng mạng Internet. Trong đó, tập trung giáo dục ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về việc bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự trong làm việc; chấp hành nghiêm kỷ luật trong phát ngôn; không tham gia đánh giá, nhận xét, bình luận trên các trang mạng xã hội; không chụp ảnh, đăng tải công việc của cơ quan, đơn vị trên các trang mạng; làm tốt công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm quy định; thực hiện nghiêm quy định chuyển phát, lưu trữ văn bản có độ mật qua hệ thống thông tin điện tử.
Hai là, Giáo dục, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ có mối quan hệ chuẩn mực trên các trang mạng xã hội. Ở đơn vị cơ sở là nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện quân nhân với đại đa số tuổi đời còn trẻ, có ưu thế tiếp cận thông tin, quan hệ xã hội chưa ổn định và luôn có xu hướng, nhu cầu mở rộng và thực tế hiện nay họ luôn luôn phát triển mối quan hệ trên mạng xã hội. Đó là các mối quan hệ được hình thành, phát triển trong quá trình gia nhập xã hội thông tin của quân nhân, nó là quan hệ gián tiếp, mang tính ngẫu nhiên, nhưng do nhu cầu riêng tư và mối quan tâm chung nên nó phát triển nhanh và rất khó kiểm soát. Thực tế, các mối quan hệ trên mạng thông tin xã hội chứa đựng rất nhiều rủi ro, mỗi quân nhân khi thiết lập quan hệ trên mạng thông tin xã hội đều có thể trở thành đối tượng lôi kéo của các phần tử xấu và các thế lực thù địch. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin tùy tiện, thiếu ý thức cảnh giác, có thể dẫn đến làm lộ bí mật quân sự, hoặc có nguy cơ bị cuốn vào sinh hoạt tâm, sinh lý không chuẩn mực dẫn đến suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến kết quả học tập công tác hoặc bị đánh cắp thông tin quân sự, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ". Do vậy, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp phải định hướng cho quân nhân thuộc quyền sử dụng mạng thông tin xã hội có hiệu quả. Đây là một vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp, thường xuyên cảnh báo và kiểm soát việc sử dụng trên mạng thông tin xã hội của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.
Ba là, Quản lý chặt chẽ hoạt động kết nối, sử dụng Internet của quân nhân. Mặc dù ở đơn vị cơ sở hiện nay, chỉ có cán bộ, sĩ quan, QNCN, CNVCQP được phép sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Nhưng điều đó không hoàn toàn đồng nghĩa với việc HSQ,BS không thể kết nối, sử dụng Internet, nhất là khi nghỉ phép, ra ngoài đơn vị trong ngày, giờ nghỉ. Do vậy, quản lý chặt chẽ hoạt động kết nối, sử dụng Internet của quân nhân là giải pháp then chốt để quản lý quan hệ trên mạng thông tin xã hội của quân nhân; phải quản lý được mục đích kết nối, sử dụng Internet và nội dung hoạt động của quân nhân trên mạng. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp và cơ quan chức năng ở đơn vị cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và nhân dân địa phương để nắm chắc hoạt động của quân nhân tại các điểm kết nối Internet trên địa bàn đóng quân; Tuyên truyền, vận động và đăng ký cam kết cung cấp thông tin về quan hệ trên mạng thông tin xã hội của quân nhân với người kinh doanh dịch vụ kết nối Internet. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng trong đơn vị tham gia quản lý hoạt động kết nối, sử dụng Internet của quân nhân.
Bốn là, Phát huy sức mạnh của các tổ chức trong quản lý mối quan hệ quân nhân trong sử dụng các trang mạng xã hội. Thông qua sinh hoạt của các tổ chức để thường xuyên rút kinh nghiệm, xử lý các sai phạm về hoạt động kết nối, sử dụng Internet của mọi quân nhân trong cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ chủ trì cần kịp thời nắm bắt, đánh giá, phân loại đối tượng để có biện pháp quản lý trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, cần từng bước ứng dụng các giải pháp ngăn chặn về kỹ thuật bằng cách cài đặt đối với tất cả các máy tính trong đơn vị (bao gồm cả máy tính cá nhân) các phần mềm có tính năng như: phần mềm bảo đảm cán bộ, chiến sĩ không truy cập vào trang nội dung xấu; kiểm soát sử dụng phần mềm độc hại; phần mềm có ghi lại những thông tin truy cập vào mạng xã hội; ngăn chặn email không hợp lệ; giám sát nhật ký sử dụng các dịch vụ như chát, IM… Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về việc kiểm tra an ninh đối với các thiết bị công nghệ thông tin. 
Năm là, Đăng ký và quản lý chặt chẽ phương tiện kết nối Internet, định kỳ kê khai bổ sung tài khoản và các mối quan hệ mới của quân nhân trên các trang mạng xã hội. Các mối quan hệ trên mạng xã hội của quân nhân không được khuyến khích, nhưng rất khó có thể cấm khắt khe và triệt để. Do vậy, biện pháp tối ưu nhất là tăng cường quản lý, biện pháp này đòi hỏi cán bộ các cấp phải thường xuyên kiểm tra HSQ,BS, kiên quyết không để HSQ,BS sử dụng ĐTDĐ; thường xuyên tiến hành đăng ký phương tiên kết nối Internet của mọi quân nhân thuộc quyền (gồm cả các loại ĐTDĐ có ứng dụng kết nối Internet); tổ chức đăng ký cam kết sử dụng đúng quy định của đơn vị, kỷ luật quân đội và pháp luật Nhà nước; thường xuyên kê khai bổ sung tài khoản và các mối quan hệ mới của quân nhân trên mạng xã hội để kịp thời cảnh báo và làm cơ sở để xem xét, xử lý các sai phạm./.

No comments:

Post a Comment