Wednesday, July 24, 2019


TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA ĐỐI VỚI SỨC KHỎE VÀ KẾT QUẢ
HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CỦA ĐƠN VỊ
Lê Trọng Khánh
Trung đoàn 31, Sư đoàn 309
Sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như Việt Nam. Theo thống kê, mỗi năm người dân nước ta có thể tiêu thụ đến khoảng 305 triệu lít rượu, tiêu thụ 4,1 tỷ lít bia, lượng tiêu thụ cồn ở người 15 tuổi trở lên là 8,3 lít cồn nguyên chất, hiện xếp thứ 5 trong 10 nước Châu Á về lượng tiêu thụ bia, rượu bình quân.
Rượu là nguyên nhân gây tử vong, một chất kích thích mạnh ngang hàng với Heroin về mặt độc hại và lệ thuộc. Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu, bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Rượu bia là nguyên nhân chính gây nên các bệnh: Thiếu máu,  ung thư, bệnh tim mạch, xơ gan, mất trí nhớ, sảng run, bệnh Gout, huyết áp cao, bệnh phổi, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm tụy. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn cũng ảnh hưởng đến khả năng tình dục và có con.
Đối với xã hội, lạm dụng rượu bia là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất. Sử dụng rượu, bia có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm.
Đối với quân đội và hoạt động quân sự, việc sử dụng rượu bia sai quy định gây tác hại vô cùng nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe của cán bộ, nhân viên; giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ huy, điều hành đơn vị; là nguyên nhân trực tiếp của nhiều trường hợp vi phạm kỷ luật, mất an toàn trong tham gia giao thông và nhiều hệ lụy đáng tiếc khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và từng đơn vị.
Xuất phát từ tác hại to lớn của rượu bia đối với đời sống xã hội, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật gồm 7 Chương, 32 Điều trong đó quy định cụ thể một số nội dung có liên quan đến cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang như sau: Cấm Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, trừ trường hợp thực hiện nghi lễ đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Chỉ thị số 26/CT-TTG ngày 05 tháng 09 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp cũng quy định rõ:: Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực dưới mọi hình thức.
Chỉ thị 91 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng quy định: Nghiêm cấm các bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa trong ngày làm việc và ngày trực. Chị thị số 217/CT-BTL ngày 09/01/2017 của BTL Quân đoàn về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật Quân đội quy định:Nghiêm cấm quân nhân uống rượu, bia buổi trưa, trong giờ làm việc, khi trực chỉ huy, trực chuyên môn; ép nhau uống rượu, bia say dẫn tới không thực hiện được nhiệm vụ, không làm chủ được hành vi, đạo đức, gây phản cảm trước dư luận xã hội… Nếu vi phạm một trong những điều cấm trên thì bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến tước danh hiệu quân nhân hoặc buộc thôi việc”.
Theo Điều 35, Thông tư số 192/2016/TT-BQP ngày 26 tháng 11 năm 2016 quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng quy định về việc xử lý hành vi uống rượu, bia trong giờ làm việc; uống rượu, bia say cụ thể như sau:
1. Uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc khi đang thực hiện nhiệm vụ hoặc say rượu, bia làm ảnh hưởng đến phong cách quân nhân, thì bị kỷ luật khin trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, hạ bậc lương đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Say rượu, bia khi đang thực hiện nhiệm vụ;
d) Say rượu, bia làm mất trật tự công cộng, mất đoàn kết quân dân gây hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng.
Thức uống chứa cồn mang lại nhiều lợi ích nếu bạn thông minh dùng đúng lúc, đúng cách, đúng lượng. Và ngược lại chúng rất độc hại cho cơ thể vì ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Quân sự là hoạt động đặc thù, yêu cầu cao về sự tập trung, quyết đoán và chính xác, do vậy việc hạn chế lạm dụng rượu bia và ngăn ngừa những tác động tiêu cực của rượu bia đối với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân và cơ quan, đơn vị là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, lực lượng trong tuyên truyền, thực hiện nhất là vai trò gương mẫu, sự kiên quyết của chỉ huy các cấp để rượu bia không còn là rào cản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

No comments:

Post a Comment