Ngày 10 tháng 10
“Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng
ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô
bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”[1].
Đây là lời của Chủ tịch
Hồ Chí Minh được trích trong bài viết đăng trên Báo Nhân dân, số 236, từ ngày
09 đến ngày 10 tháng 10 năm 1954, với bút danh “C.B”.
Mùa thu lịch sử năm 1945,
Hà Nội lần đầu tiên đón Bác Hồ về đọc Tuyên ngôn độc lập sau ngày Tổng khởi
nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Mùa thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đón Bác Hồ
về Thủ đô sau ngày giải phóng. Từ đó đến nay, Hà Nội tiếp nối truyền thống
Thăng Long - Đông Đô ngàn năm, ngày một xứng đáng là trái tim cả nước, xứng với
danh hiệu Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình…
Trong chiến đấu, Hà Nội
lập nên nhiều chiến công hào hùng, với cuộc chiến đấu tháng Chạp năm 1946 cùng
toàn dân đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp;
với trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 buộc đế quốc
Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam… Trong 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược, Hà
Nội là địa danh thiêng liêng, là hồn thiêng sông núi, nơi cả nước gửi gắm niềm
lạc quan tin tưởng, ý chí tự hào, là điểm tựa tinh thần cho quân và dân cả nước
hăng hái đánh giặc.
Trong
xây dựng hòa bình, Hà Nội đang từng bước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Hà Nội đổi
mới từng ngày, phấn đấu văn minh hiện đại trên cái nền truyền thống ngàn năm
văn hiến, tạo nên gạch nối hài hòa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Hà Nội vinh dự
là một trong 17 thành phố, thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
Hà Nội là trái tim của cả
nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa
học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Cả nước quan tâm theo dõi, ngưỡng
mộ từng bước đi lên của Thủ đô. Vì thế Thủ đô Hà Nội có vinh dự, tự hào to lớn,
nhưng đồng thời có trách nhiệm hết sức nặng nề. Hà Nội phải luôn luôn gương
mẫu, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả
nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta, nên “Thủ đô ta” phải phấn
đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh
thần”. Ba chữ “Thủ đô ta” chứa
đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Người đối với Hà Nội,
dành riêng cho Hà Nội, chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy.
No comments:
Post a Comment