Ngày 13 tháng 3
“Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và học hành
tiến bộ”.
Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện với
đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên vào ngày 13 tháng 3 năm 1960, trong thời
điểm miền Bắc đang tiến hành khôi phục, cải tạo và bước đầu phát triển nền kinh
tế, văn hóa xã hội chủ nghĩa, quân và dân miền Nam đang đẩy mạnh đấu tranh
chính trị, tiến tới phát động cao trào cách mạng mới. Quan điểm trên đây của
Người cùng với đường lối, chủ trương đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ III của Đảng (9-1960) đã trở thành định hướng, phương châm, mục tiêu hành
động của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng miền Bắc theo con đường
cách mạng xã hội chủ nghĩa, củng cố, tăng cường sức mạnh của hậu phương lớn làm
tròn nghĩa vụ đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Dưới ánh sáng của Đại hội III,
quân và dân ta thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội
chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, hướng
tới mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Theo Chủ
tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần của nhân dân; sự nghiệp đấu tranh cách mạng để giải phóng
dân tộc, giải phóng giai cấp và xây dựng chế độ xã hội mới, giàu mạnh, công
bằng, dân chủ, văn minh xét đến cùng là vì hạnh phúc, vì sự phát triển toàn
diện của con người. Ngược lại, con người là lực lượng chính của sự nghiệp đấu
tranh cách mạng, là lực lượng sản xuất quan trọng nhất và là chủ thể sáng tạo
nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội. Và 15 năm sau, quân và dân
ta đã hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (4-1975), mở ra kỷ
nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, hòa bình, thống nhất cả nước đi lên
chủ nghĩa xã hội.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay có nhiều chuyển biến mau chóng,
phức tạp, ý nghĩa của câu nói “Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được
ấm no, hạnh phúc và học hành tiến bộ” vẫn là mục tiêu lý tưởng của Đảng, Nhà
nước và nhân dân ta hướng tới.
Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân kiểu mới của giai cấp công nhân Việt
Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo luôn quán triệt tư tưởng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì dân,
sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, hạnh phúc của nhân
dân; phát huy tinh thần độc lập tự chủ, ý thức tự lực, tự cường, cần kiệm xây
dựng đất nước, xây dựng quân đội; đồng thời đẩy mạnh công tác dân vận, chăm lo
xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện, tham gia lao động sản xuất, phát
triển kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của
nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
No comments:
Post a Comment