Tuesday, April 28, 2020

LỜI NGƯỜI NĂM ẤY

Công an nhân dân Việt Nam “Tận trung với Đảng, đoàn kết hiệp đồng ...

Ngày 29/4/1963
“Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ. Làm mọi việc phải đi sâu, đi sát, phải tránh chủ quan, phải có kế hoạch chu đáo, phải có quyết tâm bền bỉ”[1].
Trích trong bài nói chuyện của Bác tại Hội nghị cán bộ ngành Công an năm 1963.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện Công an nhân dân thành một lực lượng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Người luôn nhắc nhở rằng, người chiến sĩ công an sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu là người lính có lý tưởng cao cả, kiên quyết hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Thực tế lịch sử đã chứng minh, dưới lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, lực lượng công an luôn dũng cảm trong chiến đấu, giữ vững bản chất cách mạng, ý chí chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong cuộc chiến giữ gìn an ninh nội bộ và xây dựng thế trận an ninh nhân dân.
Nội dung, ý nghĩa trong lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành riêng cho lực lượng công an, mà còn dành cho các cấp, các ngành, các lực lượng; trong đó có Quân đội nhân dân. Sức mạnh chiến đấu của quân đội phải được bắt đầu từ sức mạnh đoàn kết nội bộ. Nội bộ thống nhất, chặt chẽ mới có thể đưa mọi việc được triển khai đồng bộ; phải nghiên cứu kỹ mọi việc, lập kế hoạch sâu sát, tỉ mỉ trước khi thi hành để đảm bảo chắc chắn thành công. Nghiên cứu công việc kỹ lưỡng chưa đủ, khi thực thi còn phải thận trọng và không được chủ quan mới có thể đi đến đích thắng lợi. Suy rộng ra, đoàn kết nội bộ ở đây cũng có nghĩa là đoàn kết nội bộ Đảng, đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Muốn làm được điều đó mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, mà trước tiên là cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp phải tiền phong gương mẫu chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, giữ gìn đoàn kết nội bộ tốt, có tác phong lãnh đạo dân chủ, quần chúng, sâu sát, cụ thể, tới nơi, tới chốn và thực hành nêu gương trước cấp dưới và quần chúng. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, chủ nghĩa kinh nghiệm, độc đoán, gia trưởng, xa rời, lãnh cảm với cấp dưới và quần chúng…


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 14, tr.72.

Monday, April 27, 2020

LỜI BÁC NĂM XƯA



Ngày 28/04/1962
“Trước hết, quân đội nhất định phải có anh hùng. Lúc kháng kháng chiến có anh hùng, sao nay lại không có anh hùng? Khi kháng chiến anh hùng cách khác… Có phải không có chiến tranh thì quân đội không có anh hùng?”[1]
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề chuẩn bị Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua năm 1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự thiếu sót trong việc phong danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua, Người khẳng định một yêu cầu tất yếu là trong quân đội phải có anh hùng, anh hùng không chỉ trong thời chiến mà nay trong thời bình cũng phải có, đó có thể là những người tham gia xây dựng quân đội vững mạnh, là những chiến sĩ không ngừng học tập, thao luyện, sản xuất. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta còn làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, xây dựng Quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỷ cương; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, làm chủ các loại vũ khí, khí tài hiện đại, trình độ chỉ huy, tác chiến, nghệ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và chiến thắng trong điều kiện tác chiến địch có sử dụng vũ khí công nghệ cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Toàn quân phải đẩy mạnh phòng trào thi đua Quyết thắng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, giành thành tích cao nhất, để ngày càng có nhiều gương anh hùng, điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực công tác, mới xứng đáng với tình cảm và mong muốn Bác giành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội./.


[1]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử,Nxb. Chính trị quốc gia,H. 2016, tập 8, tr.177.

Sunday, April 26, 2020

LỜI BÁC NĂM XƯA



Ngày 27/4/1948
“Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong Quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thì mỗi chiến sĩ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”[1].
Trong tư tưởng quân sự của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức một cách sâu sắc rằng người chiến sĩ chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Người chiến sĩ quân đội mới phải có bản lĩnh chính trị, tri thức về quân sự, trình độ văn hoá và sức khoẻ dồi dào, là những con người dám “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lời dạy trên được Bác viết trong Thư gửi Quân sự Tập san năm 1948.
Việc học, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải quán triệt quan điểm “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”. Bác nói về mục đích của học tập: “Học để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học”. Người cũng chỉ ra phương pháp học tập: “Học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học nhân dân”. Quá trình lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm và đúc kết kiến thức từ thực tiễn.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện trong quân đội được đổi mới theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, cũng như yêu cầu tác chiến trong điều kiện sử dụng vũ khí công nghệ cao; chú trọng diễn tập hiệp đồng quân - binh chủng, diễn tập cơ động và diễn tập khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới, nhất là tác chiến trên biển, đảo. Xây dựng Quân đội nhân dân từng bước hiện đại, đòi hỏi phải đồng bộ cả con người và vũ khí, trang bị. Trước hết phải nâng cao chất lượng tuyển quân và chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện, để mỗi quân nhân, nhất là đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ kỹ, chiến thuật tốt, có tư duy đổi mới, nhạy bén, sáng tạo; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khoa học - công nghệ, ngoại ngữ, tin học ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ và ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, khoa học kỹ thuật, vững về bản lĩnh, giỏi về chuyên môn, phải thường xuyên học tập, học suốt đời, kiên quyết đấu tranh với bệnh tự mãn, lười học tập, rèn luyện./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr.511.

Wednesday, April 22, 2020


NGƯI TIU ĐI TRƯNG TIÊU BIU
                                                 Võ Thành Nguyên
                                                

Đồng chí Trung tá Đỗ Văn Hoan – Tiểu đội trưởng, Tiểu đội Kỹ thuật, Tiểu đoàn 26, Bộ Tham mưu, Quân đoàn 4, là tấm gương tiêu biểu, luôn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, là cây sáng kiến của Quân đoàn. Với anh sự say mê nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật dường như đã trở thành niềm đam mê không thể thiếu được. Các sáng kiến của anh áp dụng vào thực tiễn góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Lộc – Thanh Hóa giàu truyền thống cách mạng. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã mang trong lòng  mơ ước được khoác trên mình màu xanh của quê hương đất nước. Tốt nghiệp ra trường anh được phân công về Tiểu đoàn 26 công tác cho đến nay. Trên cương vị là Tiểu đội trưởng Tiểu đội Kỹ thuật anh luôn xây dựng cho mình và Tiểu đội kế hoạch học tập công tác khoa học, hợp lý. Anh luôn tích cực học tập tự nghiên cứu tài liệu và trao đổi kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đó cũng là cơ sở để anh nắm chắc các loại khí tài trong biên chế của đơn vị cũng như các loại khí tài mới được trang bị.
Thực tiễn hiện nay, các khí tài thông tin cũ của đơn vị cũng đã xuống cấp, một số khí tài mới chưa có những tính năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Chính vì vậy, đồng chí luôn trăn trở suy nghĩ nghiên cứu làm ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để giúp đỡ đồng chí, đồng đội giảm bớt công sức, thời gian làm việc mà vẫn đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như: Bộ huấn luyện thu, phát báo xách tay được Quân đoàn công nhận sáng kiến năm 1993. Với sáng kiến rất gọn, nhẹ này giúp cho các đơn vị nhỏ lẻ có thể huấn luyện tại đơn vị mà không phải tham gia huấn luyện tập trung ở cấp nhà trường như trước đây; mô hình giảng dạy máy sóng ngắn 91Z giúp máy Thông tin 91Z tăng tuổi thọ khi sử dụng tại đơn vị được Quân đoàn tặng giấy khen năm 1995; Bộ điều khiển bia bắn AK bài 1 ẩn hiện ban ngày giúp cho cán bộ, chiến sĩ đỡ vất vả, tiết kiệm thời gian, bảo đảm an toàn cho con người khi tham gia kiểm tra bắn đạn thật trên thao trường, được quân đoàn công nhận năm 2014; Sáng kiến bộ khung cuốn dây bọc đa năng đã khắc phục được hiện tượng cuốn dây không chặt, dây bị xoắn nhiều, gãy, gập, bị xước khi triển khai, được Cục Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng công nhận năm 2015; Sáng kiến bộ đèn P-X-C tạo ra nguồn ánh sáng đủ soi sáng cho nhân viên thông tin làm việc trong mọi điều kiện thời tiết, được quân đoàn công nhận năm 2015; Sáng kiến giá ra, thu cáp Thông tin là để triển khai, thu hồi, sửa chữa, thay thế cáp thông tin đúng yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật và bảo đảm chất lượng, an toàn, thuận tiện cho việc bảo đảm TTLL phục vụ huấn luyện và diễn tập, giảm được nhân công, nhân lực triển khai, được Quân đoàn công nhận năm 2016; Sáng kiến thiết bị kiểm tra dây thông tin đa năng để kiểm tra xác định dây thông tin đứt, chập hoặc bị chéo dây do bấm đầu jắc dây cáp mạng 8 sợi, đứt chập dây line máy điện thoại, chập, đo kiểm tra chất lượng dây bọc thông tin nhanh và chính xác, được Quân đoàn công nhận năm 2018. Ngoài ra còn có một số mô hình, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong đơn vị như: Bộ bấm chuông điện tử phục vụ hoạt động CTĐ-CTCT, cải tiến giá an ten viba, bộ huấn luyện báo vụ dùng cho huấn luyện và bảo đảm thông tin liên lạc ...
  Từ sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của bản thân, đồng chí đã được Thủ trưởng các cấp ghi nhận, khen thưởng. Từ năm 2005 đến nay đồng chí  vinh dự được tặng thưởng 17 danh hiệu chiến sĩ thi đua, trong đó 2 lần chiến sỹ thi đua toàn quân năm 2014 và 2017; Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2019 và cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. 10 năm liền là đảng viên HTXS nhiệm vụ.
Anh thực sự là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị học tập và noi theo.

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 23/4/1952
“Chính sách của chúng ta vốn là chính sách thực hiện hòa bình và ủng hộ hòa bình. Song hòa bình ắt phải ra sức tranh lấy, phải dùng lực lượng tranh lấy, phải do kháng chiến thắng lợi mà tranh lấy. Quyết không nên ảo tưởng không ngồi chờ nó đến”[1].
Trích trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II tháng 4 năm 1952 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hoà bình và luôn tôn trọng mối quan hệ với các dân tộc anh em, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại diện tiêu biểu cho lẽ sống đó. Khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua mong muốn giải quyết xung đột giữa các dân tộc bằng con đường đàm phán hòa bình, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng khi hoàn toàn không còn khả năng đàm phán. Không chỉ vậy, ngay cả khi chiến tranh đã bùng nổ, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục kiếm tìm giải pháp thương lượng hòa bình với điều kiện tiên quyết là kẻ thù phải thực sự tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Tư tưởng hòa hiếu, khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ khi kẻ thù sa lầy và muốn xuống thang chiến tranh thì sẵn sàng đàm phán để kẻ thù rút lui. Hồ Chí Minh cho rằng, đánh giặc không phải là tiêu diệt hết lực lượng của đội quân xâm lược, mà chủ yếu là đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Thiết tha yêu chuộng hòa bình, cố gắng giải quyết mọi xung đột bằng con đường đàm phán hòa bình, kể cả phải chấp nhận một sự nhân nhượng có nguyên tắc, nhưng cũng kiên quyết chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược với ý chí và quyết tâm dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập; chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ  để bảo vệ hòa bình một cách thực sự. 
Học tập và làm theo lời Bác dạy, Đảng, Nhà nước tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển". Song, chúng ta cũng luôn nêu cao cảnh giác, không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Muốn vậy, phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả nước. Đó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao; khi đất nước xảy ra chiến tranh thì “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; trong đó quân đội luôn là lực lượng nòng cốt./.
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 7, tr.388.


LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

Những hình ảnh giản dị về cuộc đời Bác Hồ | VTV.VN

Ngày 22/4/1952
“Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi”[1].
Trích trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, tháng 4 năm 1952 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định giai cấp công nhân là giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất, là hạt nhân của khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức; bởi họ là giai cấp kiên quyết, triệt để, có tổ chức, có kỷ luật, đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ. Do đó, khi phân tích đặc điểm của các giai cấp trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chỉ có giai cấp công nhân mới gánh vác được sứ mệnh lãnh đạo toàn dân đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc để xây dựng một xã hội mới. Để hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang đó, giai cấp công nhân phải có chính Đảng cách mạng với chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt.
Giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân và là đội quân chủ lực của cách mạng. Tuy vậy, họ không thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng vì họ không gắn liền với một phương thức sản xuất mới và không có hệ tư tưởng độc lập, họ cũng không có khả năng tự xây dựng một chế độ xã hội mới. Đánh giá đúng vị trí, vai trò của từng giai cấp và các tầng lớp trong xã hội Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, phát triển những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và thành công trong việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam - một nước thuộc địa, nửa phong kiến với việc bổ sung phong trào yêu nước cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Người đã nhận rõ sức mạnh to lớn từ phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà lực lượng đông đảo, nòng cốt là giai cấp nông dân.
Trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định rõ: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Tuy thành phần xuất thân, thành phần giai cấp của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đa dạng, song cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác giáo dục, xây dựng bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, thực hiện toàn quân một ý chí; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 7, tr.392.

Monday, April 20, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

50 hình ảnh đẹp nhất về Bác Hồ - Vị lãnh tụ của dân tộc - Zicxa ...

Ngày 21/4/1942
“Biết đồng sức,
Biết đồng lòng,
Việc gì khó,
Cũng làm xong”[1].
Là những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài thơ Hòn Đá, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 123, ra ngày 21 tháng 4 năm 1942.
Bài thơ “Hòn đá” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người sáng tác trong thời kỳ vận động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ bởi các thế lực thực dân, phong kiến cấu kết với nhau hòng ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Người đã dùng hòn đá làm nên một hình tượng văn học rất gần gũi, giản dị khiến mọi người, từ già đến trẻ ai cũng hiểu “Hòn đá” ấy là những thế lực nào; bọn chúng dù có xảo quyệt, ngoan cố và tàn bạo đến đâu thì với sự đoàn kết, nhất trí, triệu người như một, đồng lòng hiệp lực nhất định cuối cùng nhân dân ta cũng sẽ giành được thắng lợi.
Đoàn kết luôn là yếu tố hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh; vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn quân và đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Thực tế lịch sử đã chứng minh, nhờ đoàn kết, chung sức, chung lòng, nhân dân Việt Nam đã luôn chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược, dù đó là kẻ địch lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Do đó, trong bài thơ “Hòn đá”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định hòn đá dù to và nặng thế nào nhưng nếu nhiều người đoàn kết lại sẽ nhấc được nó một cách dễ dàng. Ngược lại, nếu không đoàn kết, chỉ thực hiện một cách đơn lẻ thì sẽ không bao giờ thực hiện được. Suy rộng ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói rằng, nếu chúng ta biết đoàn kết thì kẻ thù lớn như hòn đá nặng kia, sớm muộn cũng sẽ bị tiêu diệt. Đoàn kết chiến thắng giặc ngoại xâm, đồng thời đoàn kết cũng là cội nguồn thắng lợi của mọi việc.
Đoàn kết thống nhất là một vấn đề thuộc về truyền thống, bản chất và nguyên tắc xây dựng của Quân đội ta. Vì vậy, việc quán triệt và vận dụng những quan điểm về đoàn kết, thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là một nhiệm vụ thường xuyên, là nền tảng quan trọng làm nên bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của quân đội, là lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng; là nguồn cội tạo nên sức mạnh để Quân đội ta “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Thực tế đã chỉ rõ, thành công trong xây dựng và thắng lợi trong chiến đấu là bắt nguồn từ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa nhân dân và bộ đội, tiền tuyến và hậu phương, cán bộ và chiến sĩ. Quân đội ta là một quân đội cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta là những người cùng lý tưởng, bình đẳng về chính trị, thống nhất về mục tiêu và nhiệm vụ chiến đấu. Mối quan hệ trên dưới, quan hệ cán bộ và chiến sĩ trong quân đội ta được xây dựng trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí giữa những người bạn chiến đấu chung một lý tưởng. Vì vậy, trong quan hệ hằng ngày đối với đồng chí, đồng đội thì phải thực sự thương yêu, lấy tập thể làm gia đình, lấy đồng chí, đồng đội làm anh em, đơn vị là nhà; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, đồng cam cộng khổ, tin tưởng lẫn nhau, quan tâm giúp đỡ để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh với bệnh thờ ơ, vô cảm, quân phiệt… làm ảnh hưởng đến truyền thống đoàn kết tốt đẹp trong cán bộ, chiến sĩ, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 3, tr.270.

Thursday, April 16, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

Hình ảnh Bác Hồ trong ký ức của một nữ văn công

Ngày 17/4/1952
“Anh hùng là những người thật cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng hết sức phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Là những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, của giai cấp”[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Ai là Anh hùng?”, bút danh C.B, đăng trên báo Nhân dân, số 54, ngày 17/4/1952.
Năm 1952, là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang liên tiếp giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường, xuất hiện các tấm gương anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu, tiêu biểu trong sản xuất của quân và dân ta. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Ai là anh hùng? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng trước tiên phải là người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Đó là những phẩm chất cao đẹp của đạo đức cách mạng: cần cù, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, không tham lam; lòng dạ luôn ngay thẳng. Ngoài các yếu tố trên, anh hùng còn là người phải hết lòng, hết sức phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là đầy tớ của nhân dân. Họ là những người đặt lợi ích cách mạng cao hơn hết; có tinh thần trách nhiệm và tính tích cực hơn hết; lòng son dạ sắt, suốt đời đấu tranh vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc, không bao giờ nghĩ đến lợi ích riêng cho mình.
Để động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua hăng hái sản xuất, chiến đấu, Đảng và Nhà nước tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ Nhất, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 5 năm 1952, tại chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự, chỉ đạo và phát biểu tại Đại hội. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Thành công của Đại hội đã cổ vũ, động viên quân và dân cả nước tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Quyết thắng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ra sức học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân; có phẩm chất đạo đức, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có trình độ kỹ chiến thuật tốt, làm chủ các loại vũ khí, trang bị; có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh, đoàn kết gắn bó mật thiết với nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng. Bất luận trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cán bộ, chiến sĩ quân đội cũng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình mới, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 7, tr.379.

Wednesday, April 15, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

Bộ sưu tập ảnh bác Hồ đẹp nhất - Hình chân dung Bác - Kho ảnh đẹp

Ngày 16/4/1959
“Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”[1].
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III năm 1962. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Người cho rằng, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng, nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng; trong đó Bác đặc biệt lưu ý với những người làm báo phải có bản lĩnh và hiểu biết sâu sắc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phải tôn chỉ mục đích của báo chí cách mạng, tiên phong trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, làm sáng tỏ mục tiêu của cách mạng Việt Nam, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự ủng hộ và thiện cảm của bạn bè thế giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Báo chí quân đội là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, đã bám sát, tôn chỉ mục đích, thể hiện rõ là lực lượng nòng cốt, tin cậy trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại; luôn tiên phong, xung kích đi đầu trong việc tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, phản động, thù địch bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền sâu rộng về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước... tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ thông tin của bộ đội và nhân dân.
Tư tưởng “chính trị là gốc, chính trị trọng hơn quân sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đòi hỏi phải không ngừng xây dựng quân đội, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Phải có tổ chức mạnh, chủ trương đúng, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mới bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 12, tr.166.


Tuesday, April 14, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ "Cộng sản"

Ngày 15/4/1949
“…Cán bộ nào không giám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ…”[1]
Bác viết Trên Báo Sự thật số 109, ra ngày 15 tháng 4 năm 1949 trong  bài “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” của tác giả L.T (bút danh của Người). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách để làm sao kẻ địch không thực hiện được thủ đoạn phản tuyên truyền; đó là, “không có gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm”, còn nếu khi đã phạm khuyết điểm, thì dù “mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”. Người còn khẳng định: “Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình là một đoàn thể hoặc chính quyền “yếu ớt”, “thoái bộ”. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì “uy tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao. Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. Người nhấn mạnh: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Bác Hồ chủ trương tất cả cán bộ, từ cấp trên đến cấp dưới, phải “thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”.     
Thực hiện những chỉ huấn của Người, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác tự chỉnh đốn, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm; đề cao tự phê bình và phê bình xác định là nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng để khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. 
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã triển khai quyết liệt việc tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Thực hiện lời Bác dạy, các cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên trong Quân đội phải luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, coi đây là vũ khí sắc bén ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, là cách tốt nhất để không ngừng củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất. Tự phê bình và phê bình phải được thực hiện nghiêm khắc, ráo riết, triệt để, không nể nang, không “dĩ hòa vi quí”; căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, phân tích, đánh giá, chỉ rõ cả ưu điểm, khuyết điểm, có lý, có tình, để khuyến khích phần thiện trong mỗi con người nẩy nở, thức tỉnh, nâng đỡ người có sai lầm khuyết điểm tiếp thu phê bình, sửa chữa lỗi lầm, khuyết điểm.
Tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc trong tự phê bình và phê bình là tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, phê bình từ trên xuống, từ trong cấp ủy ra ngoài quần chúng, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình, coi đây là việc làm thường xuyên, hằng ngày./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 5, tr.1053.


Monday, April 13, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

Từ quyền làm chủ của nhân dân đến Dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày 14/4/1964
“…Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”[1].
Trong buổi thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 14 tháng 4 năm 1964, nhân cuộc bầu cử Quốc hội khóa III, Bác cho biết, bản thân Người đã làm đại biểu Quốc hội gần 20 năm, nhưng vì nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng nên vẫn chưa thể thảnh thơi vui thú thanh nhàn được. Bác hứa: "Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất nước nhà, phấn đấu cho:
Nam Bắc sum họp một nhà
Cho người thấy mặt thì ta vui lòng".
Và Bác căn dặn: “…Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân (gọi chung là đại biểu dân cử) là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.    
Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước, với bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh để giành lại quyền thiêng liêng cho dân tộc là độc lập, tự do. Lá phiếu bầu cử biểu hiện sâu sắc lòng tin của dân với Đảng, với chế độ. Mỗi lá phiếu của cử tri đều mang theo quyền lợi và trách nhiệm của người công dân góp phần xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Thực hiện lời Bác dạy, cán bộ, chiến sỹ quân đội luôn nhận thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào khi được thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của người công dân, đã nghiên cứu và lựa chọn cho mình những đại biểu ưu tú, tiêu biểu về đức – tài để bầu vào đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gánh vác trọng trách lớn lao mà nhân dân tin tưởng trao gửi.


[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 11, tr.247.