Ngày 21/4/1942
“Biết đồng sức,
Biết đồng lòng,
Việc gì khó,
Là những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài
thơ Hòn Đá, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 123, ra ngày 21 tháng 4 năm 1942.
Bài thơ “Hòn đá” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người sáng
tác trong thời kỳ vận động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ bởi các thế lực
thực dân, phong kiến cấu kết với nhau hòng ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải
phóng dân tộc của nhân dân ta. Người đã dùng hòn đá làm nên một hình tượng văn
học rất gần gũi, giản dị khiến mọi người, từ già đến trẻ ai cũng hiểu “Hòn đá”
ấy là những thế lực nào; bọn chúng dù có xảo quyệt, ngoan cố và tàn bạo đến đâu
thì với sự đoàn kết, nhất trí, triệu người như một, đồng lòng hiệp lực nhất
định cuối cùng nhân dân ta cũng sẽ giành được thắng lợi.
Đoàn kết luôn là yếu tố hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh; vì vậy,
trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn chăm lo xây dựng sự đoàn
kết thống nhất của toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn quân và đoàn kết
với nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Thực tế lịch sử đã chứng minh,
nhờ đoàn kết, chung sức, chung lòng, nhân dân Việt Nam đã luôn chiến thắng
trước mọi kẻ thù xâm lược, dù đó là kẻ địch lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Do
đó, trong bài thơ “Hòn đá”, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã khẳng định hòn đá dù to và nặng thế nào nhưng nếu nhiều người đoàn
kết lại sẽ nhấc được nó một cách dễ dàng. Ngược lại, nếu không đoàn kết, chỉ
thực hiện một cách đơn lẻ thì sẽ không bao giờ thực hiện được. Suy rộng ra, Chủ
tịch Hồ Chí Minh muốn nói rằng, nếu chúng ta biết đoàn kết thì kẻ thù lớn như
hòn đá nặng kia, sớm muộn cũng sẽ bị tiêu diệt. Đoàn kết chiến thắng giặc ngoại
xâm, đồng thời đoàn kết cũng là cội nguồn thắng lợi của mọi việc.
Đoàn
kết thống nhất là một vấn đề thuộc về truyền thống, bản chất và nguyên tắc xây
dựng của Quân đội ta. Vì vậy, việc quán triệt và vận dụng những quan điểm về
đoàn kết, thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là một nhiệm vụ thường
xuyên, là nền tảng quan trọng làm nên bản chất cách mạng, truyền
thống tốt đẹp của quân đội, là lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng;
là nguồn cội tạo nên sức mạnh để Quân đội ta “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó
khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Thực tế đã chỉ rõ, thành công
trong xây dựng và thắng lợi trong chiến đấu là bắt nguồn từ sự đoàn kết thống
nhất trong tổ chức, giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa nhân dân và bộ đội, tiền
tuyến và hậu phương, cán bộ và chiến sĩ. Quân đội ta là một quân đội cách mạng.
Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta là những người cùng lý tưởng, bình đẳng về
chính trị, thống nhất về mục tiêu và nhiệm vụ chiến đấu. Mối quan hệ trên dưới, quan hệ cán bộ và chiến sĩ trong quân đội ta được xây dựng
trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí giữa
những người bạn chiến đấu chung một lý tưởng. Vì vậy, trong quan hệ hằng ngày đối
với đồng chí, đồng đội thì phải thực sự thương yêu, lấy tập thể làm gia đình,
lấy đồng chí, đồng đội làm anh em, đơn vị là nhà; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết,
đồng cam cộng khổ, tin tưởng lẫn nhau, quan tâm giúp đỡ để cùng nhau tiến bộ,
cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh với bệnh thờ ơ, vô cảm,
quân phiệt… làm ảnh hưởng đến truyền thống đoàn kết tốt đẹp trong cán bộ, chiến
sĩ, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
No comments:
Post a Comment