Ngày 31 tháng 8
“Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”
Lời dạy trên của Chủ tịch
Hồ Chí Minh được Người viết trong “Thư
gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn
hóa”, ngày 31 tháng 8 năm 1960; Báo Nhân dân đăng trên số 2360, ngày 04
tháng 9 năm 1960 trước thềm ngày khai giảng năm học mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh
tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo dục lớn của dân tộc.
Người đã để lại cho chúng ta nhiều quan điểm giáo dục có giá trị, trong đó quan
điểm: “Học phải đi đôi với hành, lý
luận phải liên hệ với thực tế” là cơ sở khoa học, phương pháp
luận biện chứng, là quy luật của sự phát triển toàn diện nhân cách con người,
phát triển nền giáo dục Việt Nam hiện đại, có ý nghĩa sâu sắc trong định hướng
lý luận cũng như chỉ đạo thực tiễn giáo dục, đào tạo ở các nhà trường trong hệ
thống giáo dục quốc dân hiện nay.
Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
về giáo dục, đào tạo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục, đào tạo là quốc
sách hàng đầu trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; đặc biệt, Nghị quyết số
29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 về “Đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá,
hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và
hội nhập quốc tế”, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp
của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển,
được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã
hội… Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi
dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức
sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành;
lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và
giáo dục xã hội.
No comments:
Post a Comment