Ngày 13 tháng 02:“Tư tưởng bảo thủ là như
những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải
có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm ” 44.
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam
Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngày 13/2/1962 sau
khi Người nhận được thư chúc tết của đồng bào xã Nam Liên. Đây là thời kỳ đẩy
mạnh thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) trong công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Miền Bắc xây
dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Do vậy, phát triển
nông nghiệp trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ là vấn đề được Hồ Chi Minh
rất quan tâm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của tư tưởng bảo thủ. Người ví nó
như một sự trói buộc, ngăn cản sự tiến bộ của con người. Mặt khác, Người đã cổ
vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩa dám làm trong phát triển sản xuất và
xây dựng hợp tác xã. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, mọi người, nhất là
cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết
khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù được viết trong thư gửi một địa
phương cụ thể, nhưng đã toát lên được tư tưởng đổi mới, sáng tạo của Người. Nó
có sức cố vũ cán bộ và nhân dân xã Nam Liên nói riêng, và đồng bào cả nước nói
chung tích cực phấn đấu, nêu cao sáng kiến trong lao động, sản xuất, học tập,
công tác cũng như chiến đấu. Lời dạy của Người đã tạo nên phong trào thi đua
phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh
vực, nhất là trong nông nghiệp và công nghiệp, góp phần quan trọng vào quá
trình hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Thấm nhuần lời dạy của Người, trong quân đội đã dấy lên phong trào phát huy
sáng kiến, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần quan trọng vào thắng
lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, sự nghiệp xây dựng quân
đội đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra yêu cầu ngày
càng cao về tinh thần mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
để có được nhiều sáng kiến mới, cách làm hay trong huấn luyện, sẵn sàng chiến
đấu và phát huy nhân tố con người trong quân đội. Do vậy, mỗi quân nhân cần chủ
động đổi mới cách nghĩ, cách làm, đề cao tự phê bình và phê bình để khắc phục
những tư tưởng bảo thủ, đường mòn lôi cũ, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm
vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo đảm cho đơn vị và toàn quân
hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
No comments:
Post a Comment