Ngày 29 tháng 11 “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân”[1].
Đây là khẳng định của Chủ tịch Hồ chí Minh trong
thư gửi Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc, Người viết tháng 11 năm
1949.
Giai cấp nông
dân là một lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng
của Đảng, của dân tộc. Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã
khẳng định những đóng góp to lớn của nông dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải
phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nắm vững vai trò và khả năng cách
mạng của giai cấp nông dân nước ta, Đảng ta đã có đường lối chiến lược và sách lược
đúng đắn và sáng tạo ra phương pháp cách mạng thích hợp với khả năng và truyền
thống cách mạng của nông dân nước ta. Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng, liên minh
công nông đã làm cho uy tín và sức mạnh của giai cấp công nhân vượt xa số
lượng; làm cho giai cấp nông dân phát huy mạnh mẽ truyền thống và khả năng cách
mạng của mình; là cơ sở củng cố, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; là nền
tảng vững chắc để xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân; là cơ sở để xây dựng
quân đội nhân dân; là điều kiện cần thiết để chuyển cách mạng dân tộc dân chủ
lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa.
Thấu triệt tư
tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò quan trọng của nông dân đối với cách mạng
Việt Nam, Hội
nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X đã ban hành Nghị quyết số
26 - NQ/TW "Về nông nghiệp, nông
dân, nông thôn" với quan điểm: Nông nghiệp, nông dân,
nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh
tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng;
giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của
đất nước… Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả
hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước,
tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn
định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đàm đà bản sắc dân
tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng
cao đời sống nông dân.
No comments:
Post a Comment