Ngày 22/4/1952
“Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới
được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công
nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi”.
Trích trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị
lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, tháng 4 năm 1952 do Chủ
tịch Hồ Chí Minh trình bày.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định giai cấp
công nhân là giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất, là hạt nhân của khối liên
minh công nhân, nông dân và trí thức; bởi họ là giai cấp kiên quyết, triệt để,
có tổ chức, có kỷ luật, đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ. Do đó, khi
phân tích đặc điểm của các giai cấp trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định chỉ có giai cấp công nhân mới gánh vác được sứ mệnh lãnh đạo toàn dân đánh
đổ chế độ tư bản và đế quốc để xây dựng một xã hội mới. Để hoàn thành được sứ
mệnh vẻ vang đó, giai cấp công nhân phải có chính Đảng cách mạng với chủ nghĩa
Mác-Lênin làm cốt.
Giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất
trong xã hội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là đồng minh chắc chắn nhất
của giai cấp công nhân và là đội quân chủ lực của cách mạng. Tuy vậy, họ không
thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng vì họ không gắn liền với một phương thức sản
xuất mới và không có hệ tư tưởng độc lập, họ cũng không có khả năng tự xây dựng
một chế độ xã hội mới. Đánh giá đúng vị trí, vai trò của từng giai cấp và các
tầng lớp trong xã hội Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã vận
dụng sáng tạo, phát triển những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và
thành công trong việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam - một nước thuộc địa,
nửa phong kiến với việc bổ sung phong trào yêu nước cùng với chủ nghĩa Mác -
Lênin và phong trào công nhân. Người đã nhận rõ sức mạnh to lớn từ phong trào
yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà lực
lượng đông đảo, nòng cốt là giai cấp nông dân.
Trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định rõ: Đại đoàn kết
dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội
ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng
Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết
định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra,
mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Tuy
thành phần xuất thân, thành phần giai cấp của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội
đa dạng, song cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong
toàn quân đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác giáo dục, xây dựng
bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, thực hiện toàn quân một ý chí; xây
dựng mối quan hệ gắn bó máu
thịt quân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.
No comments:
Post a Comment