Ngày 30/7/1950
“Xin chỉ thị trước khi làm, gửi
báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của
Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”.
Là
lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, đăng trên Báo Sự thật, số 137, ngày 30
tháng 7 năm 1950. Đây là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước
vào giai đoạn ác liệt, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ
Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, một số địa phương, cán bộ, đảng viên chấp hành
chưa nghiêm chế độ báo cáo, xin chỉ thị hoặc có làm nhưng chất lượng thấp ảnh
hưởng chung đến sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả nước. Trước tình hình
đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Xin
chỉ thị, gửi báo cáo” để kịp thời trấn chỉnh tình hình đó.
Lời
dạy của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc về tính tổ chức, tính kỷ luật
của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa
phương; khắc phục tình trạng biệt lập, cục bộ, qua đó tạo sự thống nhất ý chí
và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, góp phần tạo nên sức mạnh
tổng hợp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công và giành thắng lợi trong
công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
ngày nay.
Học
tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ trong
toàn quân phải luôn nhận thức đúng và thường xuyên rèn luyện phương pháp, tác phong
công tác khoa học, thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp báo cáo, xin chỉ thị của
cấp trên và các cơ quan chức năng; đặc biệt, trước những nhiệm vụ lớn, những
nội dung mới liên quan đến nhiều lực lượng và có phạm vi ảnh hưởng rộng cần
phải có sự phối hợp để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện
nhiệm vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn đề
cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng, chính xác các mệnh
lệnh, chỉ thị của cấp trên và báo cáo kết quả thực hiện phải trung thực, kịp
thời, không che dấu khuyết điểm, hạn chế. Kiên quyết đấu tranh phê phán phương
pháp, tác phong làm việc tùy tiện, chủ nghĩa kinh nghiệm; báo cáo thiếu trung
thực, làm thì kém, báo cáo thì hay… ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực
hiện nhiệm vụ.
Ngày
31/7/1952
“Quan liêu,
tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính,
để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi,
kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn
quốc.”
Là
lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, đăng trên Báo Nhân dân, số 68, ngày 31 tháng 7 năm
1952. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân
ta bước sang giai đoạn gay go, ác liệt, đòi hỏi phải đoàn kết chặt chẽ, thống
nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên,
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện tham ô, lãng phí, quan
liêu, đã được nhân dân phê bình nhưng còn có dấu diếm, chưa kiên quyết kiểm
thảo và sửa chữa không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng
tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; rối loạn kỷ cương pháp
luật, hư hỏng cán bộ. Ngày nay, tham nhũng, lãng phí được Đảng ta coi là giặc
nội xâm, là đồng minh của chiến lược “diễn
biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, cần phải
kiên quyết đấu tranh để bài trừ khỏi đời sống xã hội.
Những
tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ mang tầm chiến lược và có giá trị
thực tiễn vô cùng sâu sắc. Thấu triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã
ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, qui định và các văn bản pháp luật về
phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mở rộng dân chủ rộng rãi ở cơ sở;
tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, gắn với phát
động và động viên sự giám sát của nhân dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,
giám sát” thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm để loại bỏ
thứ giặc nội xâm ra khỏi đời sống xã hội đã trực tiếp củng cố niềm tin của nhân
dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu
tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong sự nghiệp đổi
mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh.
Học
tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã thường
xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện
pháp thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, qui
định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống tham
nhũng, lãng phí. Qui định trách nhiệm của người cán bộ chủ trì và tổ chức cho
cán bộ, đảng viên đăng ký cam kết chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, qui
định của Đảng, Nhà nước; thực hiện nghiêm, có chất lượng qui định về kê khai
tài sản với các đối tượng theo qui định; phát huy dân chủ rộng rãi thông qua
sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đơn vị, thực hiện tài chính công khai ngày, tuần,
tháng; tổ chức có nền nếp, chất lượng Ngày Chính trị, văn hóa tinh thần; Ngày
Pháp luật ở đơn vị. Đồng thời, tích cực triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh tăng
gia sản xuất, thực hành hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực học
tập, công tác, sinh hoạt ở đơn vị tạo bầu không khí dân chủ, tin cậy, xây dựng
tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất
sắc mọi nhiệm vụ được giao./.