Saturday, July 1, 2023

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 02/7/1958

“Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết.”[1].

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Vệ sinh yêu nước” (Phong trào diệt ruồi, muỗi), đăng trên Báo Nhân dân, số 1572, ngày 02 tháng 7 năm 1958. Đây là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc bắt đầu bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, yêu nước không thể tách rời thương yêu nhân dân, yêu nước không phải là cái gì chung chung, trừu tượng, mà nó được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và thể hiện ở việc làm cụ thể của mỗi người trong đời sống hằng ngày. Người có tinh thần yêu nước sẽ luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân và dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng ra sức làm cho kỳ được, còn việc gì có hại cho nhân dân phải ra sức trừ cho kỳ hết. Người cho rằng, ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực của một người chiến sĩ cách mạng đã hiến dâng trọn vẹn cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang và cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Quán triệt và thực hiện lời dạy trên của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, chấp hành nghiêm 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, được nhân dân tin yêu, ghi nhận và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Tích cực làm công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,…. Các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng đã gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng - an ninh, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, bao tiêu sản phẩm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn đóng quân. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.487

No comments:

Post a Comment