VINH DỰ, TỰ
HÀO
TRUYỀN THỐNG
50 NĂM - BINH ĐOÀN CỬU LONG ANH HÙNG
Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị
Cách đây 50
năm, ngày 20 tháng 7 năm 1974, tại khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương
Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, nay là xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây
Ninh, đồng chí Phạm Hùng Bí thư Trung ương Cục miền Nam thay mặt Trung
ương Đảng công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu
Long). Sự ra đời
của Quân đoàn 4 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đánh dấu bước trưởng thành,
lớn mạnh về tổ chức lực lượng, trình độ năng lực tổ chức chỉ huy cả về chất và
lượng, tạo nên một quả đấm chủ lực mạnh trên địa bàn chiến lược ngay sát cửa
ngõ Sài Gòn, trung tâm đầu não của địch. Quân và dân ta có thêm lực lượng mới,
tăng cường thế và lực, sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân để mở ra những chiến dịch
có quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược, kết thúc chiến tranh.
Đội hình chiến
đấu của Quân đoàn được hợp thành bằng những đơn vị chủ lực đầu tiên có bề dày lịch
sử, truyền thống rất vẻ vang của Quân đội ta từ những ngày đầu của cuộc kháng
chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Các đơn vị tiền thân trong đội hình Quân
đoàn bao gồm: Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Sư đoàn BB9,
Sư đoàn BB7, Lữ đoàn Pháo binh 24 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 434); Lữ
đoàn Phòng không 71; Lữ đoàn Công binh 25 (nay là Lữ đoàn Công binh 550),
Trung đoàn Đặc công 429, Trung đoàn Thông tin 69. Sau đó bổ sung Sư đoàn
BB341 từ miền Bắc vào, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 22 được thành lập
ngày 05/8/1976. Ngày 03 tháng 9 năm 1979 Sư đoàn BB339, Quân khu 9 về đội
hình Quân đoàn; giữa tháng 11 năm 1980 Sư đoàn BB341 về đội hình Quân
khu 4, đến năm 1983 Sư đoàn BB339 về đội hình Quân khu 9. Ngày 18/12/1988
Sư đoàn BB309, Quân khu 7 về đội hình Quân đoàn. Như vậy, ngay từ
khi mới thành lập, Quân đoàn 4 đã có cơ cấu tổ chức của một Binh đoàn chủ lực,
có khả năng cơ động, độc lập tác chiến trong một chiến dịch, tác chiến tập
trung, hiệp đồng Quân - Binh chủng trên một hướng chiến lược. Các đơn vị thuộc
Quân đoàn đã có bề dày lịch sử, truyền thống trong chiến đấu, xây dựng và công
tác, đó là cơ sở vững chắc để Quân đoàn nhanh chóng xây dựng và trưởng thành,
hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.
Nhận thức sâu
sắc vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quân đoàn, ngay từ những ngày đầu thành lập,
Đảng uỷ Quân đoàn đã xác định: “Phải
khẩn trương xây dựng Quân đoàn chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức
chiến đấu cao, sức đột kích mạnh, sức cơ động lớn, sẵn sàng chiến đấu và chiến
đấu thắng lợi, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Đây là cơ sở để ngay sau
5 tháng được thành lập, Quân đoàn đã ra quân mở đầu thắng lợi bằng chiến
thắng Đường 14 - Phước Long (từ
ngày 06/12/1974 đến 06/01/1975), tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn
toàn giải phóng, chiến công đó làm nức lòng quân và dân cả nước. Đây
là thắng lợi có ý nghĩa chính trị quan trọng “đòn trinh sát
chiến lược” giúp cho Bộ Chính trị đưa ra quyết định chính xác
quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975; nguyên cố Tổng Bí thư Lê
Duẩn đã nhật xét: “Chiến thắng này đã mở ra tiền đề cho cách
mạng miền Nam, thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Chiến thắng Phước Long đã thể
hiện trình độ tác chiến chiến dịch, hiệp đồng quân - binh chủng,
trình độ tổ chức chỉ huy, trình độ kỹ - chiến thuật của cán bộ,
chiến sỹ và những cách đánh sáng tạo, linh hoạt trong một đội hình
chiến dịch lớn.
Chiến công
nối tiếp chiến công, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân
năm 1975, Quân đoàn đảm nhiệm 3 mũi trên 2 hướng chiến dịch quan trọng: Là Hướng
Đông và Tây Nam Sài Gòn. Trên hướng Đông, Quân đoàn lần lượt đánh chiếm Xuân Lộc,
Trảng Bom, Hố Nai, Tam Hiệp, Biên Hòa. Đột kích vào nội đô tiêu diệt địch, đánh
chiếm Gò Vấp, Quận 1, Quận 3, Quận 10… Đặc biệt là trong tiến công Xuân Lộc, nơi
được Mỹ và chính quyền Sài Gòn coi là “Cánh cửa thép” bất khả chiến bại bảo vệ Đông
Bắc Sài Gòn; bằng sức mạnh “Quả đấm thép”, Quân đoàn và lực lượng vũ trang
Quân khu 7, với cách đánh sáng tạo và chịu nhiều gian khổ, hy sinh “Cánh cửa
thép” Xuân Lộc bị đập tan, tạo điều kiện thuận lợi cho 5 cánh quân tiến vào giải
phóng Sài Gòn - Gia Định... Trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 là lực lượng chủ yếu
trong đội hình Đoàn 232 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, Long An, Bến Lức; các địa
bàn thuộc Quận 8, 10, 5 tiến vào đánh chiếm Biệt khu Thủ Đô, bắt sống tướng Lâm
Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu.
Đến trưa
ngày 30 tháng 4 năm 1975, đội hình Quân đoàn có mặt tại Sài Gòn, hội
ngộ cùng các đơn vị bạn trong giờ phút thiêng liêng của ngày vui đại
thắng.
Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, Quân đoàn được giao nhiệm vụ
quân quản ở 9 quận và 2 huyện thuộc Thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Trước yêu cầu nhiệm vụ quân quản rất chặt chẽ và nghiêm khắc, cán bộ, chiến sĩ
Quân đoàn 4 luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm cao; tác phong luôn chỉnh tề,
nghiêm túc, trách nhiệm cao, nhất là trong làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra, bảo
vệ trật tự trị an; giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống. Sau 2 năm kiên trì thực
hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ đã nêu cao hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ
Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân quản, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng
nhân dân Sài Gòn - Gia Định; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi:
Các đồng chí “Vào thành vững như thành”.
Đất nước vừa được độc lập, thống nhất chưa bao lâu, chiến
tranh ở biên giới Tây Nam xảy ra. Cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4 lại tiếp
tục hành quân chiến đấu bảo vệ đồng bào và từng tấc đất thiêng
liêng của Tổ quốc trên dải biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang. Hơn
một năm chiến đấu liên tục, bằng các đòn phản công, tấn công thần tốc, Quân
đoàn 4 đã cùng các đơn vị bạn và Nhân dân ta đã tiêu diệt và đánh bại cuộc
chiến xâm lấn của địch, giúp đỡ hàng vạn nhân dân Campuchia lánh nạn,
bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Tháng 01 năm 1979, theo đề nghị của
Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với tinh thần quốc tế trong sáng,
Quân đoàn 4 đã tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quốc tế; phối hợp cùng lực lượng
vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng tấn công đập tan tuyến phòng thủ của địch;
đánh chiếm các mục tiêu, giúp Bạn giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, làm cơ sở giải
phóng đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của tập đoàn phản động
Pôn Pốt - Iêng Xari. Sau đó, Quân đoàn tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ quốc tế cao
cả, tới cuối năm 1989 đơn vị cuối cùng của Quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ, rút quân về nước. Từ đây, Quân đoàn tập trung củng cố thế đứng chân ở miền Đông Nam bộ,
nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, xây dựng chính quy và quản lý tốt kỷ luật,
xây dựng Quân đoàn theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào
giai đoạn cách mạng mới, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt chặng
đường lịch sử 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ,
chiến sỹ Quân đoàn 4 – Binh đoàn Cửu Long anh hùng đã sát cánh bên nhau, đoàn kết
một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được
giao. Những chiến công của Quân đoàn luôn gắn liền với những công lao và đóng
góp to lớn của quân và dân Nam Bộ, của toàn dân tộc và sự cống hiến của hàng
triệu cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, trong đó có hơn 44 ngàn cán bộ, chiến sĩ của
Quân đoàn đã anh dũng chiến đấu hy sinh thân mình, hàng chục ngàn thương binh đã
để lại một phần xương thịt cho Tổ quốc, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của
Quân đoàn 4 anh hùng. Đó là sự kế thừa và phát huy truyền thống của các bậc cha
anh; là quá trình liên tục xây dựng, chiến đấu, công tác bằng trí tuệ, sức lực,
mồ hôi, xương máu của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn, để xây đắp nên truyền
thống quý báu “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”.
Ghi nhận thành
tích và tôn vinh công lao của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu,
hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cũng như ghi nhận những thành tích trong
xây dựng Quân đoàn thời bình. Quân đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng
danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, được tặng thưởng 04 Huân
chương Hồ Chí Minh, 03 Huân chương Quân công hạng Nhất, được Nhà nước Campuchia
tặng thưởng Huân chương Ăngco (Huân chương cao quý nhất của Nhà nước
Campuchia); 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; 01 Huân chương Chiến công hạng
Nhì (trong phòng chống dịch bệnh Covid-19).
Trong đội hình
Quân đoàn có 83 tập thể, 51 cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Anh
hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Trong đó f9, f7, f341 (đã chuyển về Quân khu
4), e2/f9, e31/f309 hai lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang
Nhân dân. Trong Quân đoàn còn có hàng ngàn tập thể, cá nhân được tặng thưởng
Huân chương, Huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Vinh dự, tự
hào với truyền thống vẻ vang qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Để
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là trước những
diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; sự chống
phá ngày càng tinh vi, thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Mỗi cán bộ,
chiến sĩ Quân đoàn luôn phát huy những thành tích đạt được; quán triệt sâu sắc
đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị, của
Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt
Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; luôn tuyệt đối trung thành với Đảng,
Tổ quốc và Nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Tiếp tục thực hiện có chất lượng và hiệu quả phương châm, tư tưởng chỉ đạo
“Một tập trung,
hai thường xuyên, ba khâu đột phá, bốn cùng bộ
đội và xây dựng tổ
chức cơ sở Đảng 4 tốt”, trọng tâm đột phá vào xây dựng chính quy, chấp hành kỷ
luật và đảm bảo an toàn. Xây dựng Đảng bộ Quân đoàn vững mạnh về chính
trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; TSVM tiêu biểu, Quân
đoàn VMTD “Mẫu
mực, tiêu biểu”, tinh, gọn, mạnh, không
ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ và sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với
truyền thống “Trung thành, đoàn kết,
anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng“ của Quân đoàn 4 - Binh
đoàn Cửu Long anh hùng./.