Monday, August 5, 2024

QUÂN ĐOÀN 4 - BINH ĐOÀN CỬU LONG - CHỦ LỰC CƠ ĐỘNG “QUẢ ĐẤM THÉP”

Thắng lợi to lớn, toàn diện trên hai miền Nam - Bắc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 buộc Mỹ ký kết Hiệp định Pa-ri (27/01/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt căn bản cho cách mạng Việt Nam, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn mới, mang tính quyết định; với Hiệp định Pa-ri, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo so sánh lực lượng mới, thuận lợi cho mục tiêu “Đánh cho ngụy nhào” hoàn thành giải phóng miền Nam.

Chấp hành Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường quân sự tiến tới thống nhất đất nước (tháng 10/1973), Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Chính trị thành lập các quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam; ở Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ, từ đầu năm 1974, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đã chỉ đạo lập phương án tổ chức biên chế, dự thảo chức năng nhiệm vụ của một Quân đoàn chủ lực trên chiến trường. Để cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, toàn Đảng, toàn Quân và toàn Dân ta nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, nhất là chuẩn bị tổ chức xây dựng các Quân đoàn cơ động chiến lược. Trước bối cảnh đó, tiếp theo sự ra đời của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, ngày 20/7/1974, tại Khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh (nay là xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), trên chiến trường miền Đông “Gian lao mà anh dũng”, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục chính thức công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), bao gồm các đơn vị đã có bề dày truyền thống chiến đấu trên các chiến trường. Sự ra đời của Quân đoàn 4 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức lực lượng, trình độ năng lực tổ chức chỉ huy cả về chất và lượng, tạo nên “Quả đấm thép” chủ lực đủ mạnh trên địa bàn chiến lược ngay sát cửa ngõ Sài Gòn.

Sau 5 tháng được thành lập, ngay trận đầu ra quân, tháng 01/1975, Quân đoàn đã làm nên chiến thắng Đường 14 - Phước Long (từ ngày 30/12/1974 đến ngày 06/01/1975), giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long - đưa Phước Long là tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, uy hiếp trực tiếp hệ thống phòng thủ phía Bắc Sài Gòn. Đây là “Đòn trinh sát chiến lược”, tạo cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975. Chiến công nối tiếp chiến công, trong tháng 3/1975, Quân đoàn cùng với lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ giải phóng Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán, Lâm Đồng,… làm chủ hoàn toàn Đường 13, Đường 14 và Đường 20, mở rộng các hành lang cơ động và vận chuyển lớn lực lượng, vật chất vào chiến trường, chuẩn bị địa bàn tập kết lực lượng, tạo thế và lực cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Qua các trận Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán; cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4 đã trưởng thành lên, có thêm nhiều kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt quân địch trong công sự vững chắc và nhất là trong trận tiến công giải phóng đường 20 và tỉnh Lâm Đồng, Quân đoàn đúc rút được kinh nghiệm tổ chức đội hình tiến công bằng cơ giới, cơ động nhanh, vừa đi vừa đánh địch. Trong thế phát triển như vũ bão, ngày 02/4/1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân đoàn triển khai lực lượng trên hai hướng: Đông và Tây Nam Sài Gòn. Sư đoàn 9 tạm thời tách khỏi đội hình Quân đoàn hoạt động trên hướng Tây Nam trong đội hình Đoàn 232 (Binh đoàn Tây Nam).

Ngày 08/4/1975, Quân đoàn được giao nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc. Đây là tuyến phòng thủ liên hoàn kéo dài từ Phan Rang, Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là cụm cứ điểm trọng tâm, nằm trên Quốc lộ 1, cách Sài Gòn hơn 60 km về phía Đông Bắc. Chúng ta biết rằng khi đó, Uây-en đã nói với Nguyễn Văn Thiệu và các tướng ngụy:phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”, là khu vực phòng thủ kiên cố nhất được mệnh danh là “cánh cửa thép” của địch, nhằm ngăn chặn ta tiến công Biên Hòa, Sài Gòn theo Quốc lộ 1 và Đường 20, như chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy huênh hoang tuyên bố: “Việt cộng dù có thêm mấy sư đoàn nữa cũng không thể chiếm được Long Khánh…Việt cộng muốn qua Long Khánh phải bước qua xác của Đảo này”. Sau thời gian khẩn trương làm công tác chuẩn bị, ngày 09/4/1975, Quân đoàn nổ súng mở màn chiến dịch, bằng nhiều trận đánh liên tiếp, giằng co, ác liệt, trên nhiều hướng. Địch tổ chức lực lượng chống trả điên cuồng (sử dụng cả bom CBU-55 có sức hủy diệt lớn để ngăn chặn), quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá, bởi chúng xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Ta phát triển khó khăn, phải thay đổi cách đánh, tổ chức lực lượng kiềm chế, bao vây, nghi binh,… Thực hiện chiến thuật vận động tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây và chốt chặn chiến dịch đánh địch phản kích, cắt đứt Quốc lộ 1 đoạn Xuân Lộc, Bàu Cá, Đường 20; ngăn chặn không cho địch tăng viện từ Biên Hòa, Bà Rịa lên. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, hơn nữa đã mất Dầu Giây, Xuân Lộc không còn thế phòng thủ, ngày 20/4/1975, địch buộc phải rút chạy khỏi Xuân Lộc. Các đơn vị của Quân đoàn cùng lực lượng vũ trang địa phương tổ chức truy kích diệt một bộ phận lớn quân địch, bắt sống tên đại tá tỉnh trưởng Long Khánh. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc hoàn toàn giải phóng, “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn mở toang. Sau 12 ngày đêm tiến công, Quân đoàn cùng lực lượng vũ trang địa phương đập tan chiến tuyến phòng ngự kiên cố nhất của địch ở Đông Bắc, tạo thuận lợi cho các Binh đoàn chủ lực triển khai lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đoàn cấp tốc điều chỉnh lực lượng, cùng lực lượng vũ trang địa phương áp sát chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn. Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, bằng nhiều trận đánh liên tục trong hành tiến, diễn ra gay go, quyết liệt, Quân đoàn phối hợp với các lực lượng lần lượt giải phóng Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, Tam Hiệp và tiến thẳng về Sài Gòn. Trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 (lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232) giải phóng thị xã Hậu Nghĩa, Long An, Bến Lức, các địa bàn thuộc Quận 8, Quận 10, Quận 5, đánh chiếm Biệt khu Thủ Đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu. Đến trưa ngày 30/4/1975, đội hình Quân đoàn có mặt tại Sài Gòn - “Điểm hẹn lịch sử” - trong giờ phút thiêng liêng của ngày vui Đại thắng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn và triệt để sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta kéo dài ngót một phần ba thế kỷ. Cách mạng Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4 bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định; xây dựng địa bàn đóng quân, củng cố tổ chức, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tham gia lao động sản xuất trong bối cảnh kinh tế - xã hội muôn vàn khó khăn. Trong số hơn 3,5 triệu dân vốn là dân Thủ đô của ngụy quyền hoang mang, sợ Cộng sản, nghi ngờ cách mạng; một bộ phận lớn tàn quân địch tan rã tại chỗ, lén lút trong dân; các loại tệ nạn xã hội tràn lan….. Nhưng được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mà trực tiếp là Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, quyết tâm chính trị cao của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh và mọi cán bộ, chiến sỹ; cùng với sự đùm bọc ủng hộ của nhân dân, Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân quản, xứng đáng với lời khen ngợi “Các đồng chí vào thành, vững như thành” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa - ri phát động chiến tranh xâm lược nước ta ở biên giới Tây Nam, từng bộ phận, rồi cả Quân đoàn hành quân lên biên giới, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh với bộn bề những công việc chưa kịp thực hiện, chưa đánh giá hết âm mưu và thủ đoạn tác chiến của kẻ thù - đối tượng tác chiến mới, nhưng với quyết tâm đánh bại quân xâm lược, bảo vệ từng tấc đất chủ quyền của Tổ quốc, Quân đoàn đã khẩn trương bước vào cuộc chiến đấu mới, thực hành phản công và tiến công, cùng đơn vị bạn và các tầng lớp nhân dân khôi phục, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho, giương cao tinh thần “Giúp bạn là tự giúp mình; cùng với các đơn vị vũ trang nước bạn, Quân đoàn 4 đã thực hiện đòn phản công chiến lược, giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng thủ đô Phnôm Pênh. Mười năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Campuchia, cán bộ, chiến sỹ của Quân đoàn đã quán triệt tốt nhiệm vụ, nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, chấp hành nghiêm kỷ luật, tận tình giúp Bạn củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, trấn áp tàn quân Khmer Đỏ và giúp nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần cho đất nước Campuchia từng bước được hồi sinh, phát triển.

Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước, Quân đoàn thực hiện chức năng của một Binh đoàn chủ lực cơ động của Bộ trên địa bàn chiến lược trọng điểm phía Nam của đất nước; Quân đoàn vừa ổn định nơi ăn, chốn ở, giải quyết chính sách cán bộ và hậu phương quân đội, vừa tập trung huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý rèn luyện kỷ luật, nâng cao bản lĩnh chính trị cho bộ đội, tham gia lao động phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Thực hiện đường lối đổi mới, trước yêu cầu xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn tiếp tục thực hiện có chất lượng và hiệu quả phương châm, tư tưởng chỉ đạo:Một tập trung, hai thường xuyên, ba khâu đột phá, bốn cùng bộ đội và xây dựng đảng viên năm tốt”; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh “Tiêu biểu”, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”; từng bước xây dựng, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và củng cố doanh trại ngày càng “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”.

Ra đời, trưởng thành và lớn mạnh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, với nòng cốt là các đơn vị chủ lực Miền đã kinh qua và có bề dày truyền thống. Quân đoàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; càng chiến đấu càng trưởng thành, càng chiến đấu càng chiến thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những thành tích xuất xắc đã đạt được trong 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 4 vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăng - co. Tất cả các sư đoàn của Quân đoàn đều được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó các sư đoàn 7, 9, 341 được tuyên dương hai lần. 78 đơn vị cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội và 51 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Những công lao của cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4 được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, tôn vinh là thành quả của bao lớp cán bộ, chiến sỹ của Quân đoàn đúc rút kinh nghiệm xương máu, cho những bài học quý báu, không những giá trị cho hôm nay mà còn mãi mãi về sau.

Đó là bài học, nâng cao nhận thức làm yếu tố quyết định giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chỉ huy các cấp, phát huy cao độ nhân tố chính trị - tinh thần, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong điều kiện hết sức khó khăn, nhất là Quân đoàn đảm nhiệm tiến công cả trên hai hướng, đội hình phân tán, thời gian chuẩn bị gấp, quân số, vũ khí, trang bị chưa kịp bổ sung, trong khi các mục tiêu đảm nhiệm đều có sức kháng cự cao, nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới bản lĩnh, ý chí quyết tâm và tư tưởng của bộ đội. Để hoàn thành nhiệm vụ, Quân đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quán triệt, giáo dục nhiệm vụ; đề cao vai trò tiền phong gương mẫu, đi đầu trước những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm của cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, 100% cán bộ, chiến sỹ đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không ngại khó khăn, nguy hiểm, nhiều đồng chí đã ngã xuống trước ngày chiến thắng.

Đó là bài học, tập trung rèn luyện làm yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng cơ động, trình độ tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Thực tế sau mỗi trận đánh, Quân đoàn đều tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về cách đánh, hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, sự phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Nhiều vấn đề tổng kết được kịp thời bổ sung vào chương trình huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện cán bộ. Vì vậy, hiệu suất chiến đấu của Quân đoàn rất cao, tỷ lệ thương vong, tổn thất thấp. Một trong những yếu tố tạo nên thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đó là Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh đã xây dựng được các đơn vị chủ lực cơ động mạnh, tạo được sức chiến đấu cao, khả năng đột kích mạnh “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng”.

Bài học đó là, không ngừng củng cố, tăng cường mối đoàn kết, nhất là mối đoàn kết máu thịt Quân - dân. Đây là một bài học về đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự đặc sắc của Đảng ta đã được thể hiện một cách rõ nét, sinh động nhất. Trong các chiến dịch, nhân dân địa phương đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh cho Quân đoàn và các đơn vị tham gia chiến dịch; bộ đội địa phương, dân quân, du kích dẫn đường, chỉ mục tiêu, đánh chiếm làm chủ các đầu cầu, khống chế sân bay, trận địa pháo binh địch, v.v. Có thể nói, Quân đoàn không thể hoàn thành nhiệm vụ khi không có sự giúp đỡ, đùm bọc, che chở, phối hợp chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương.

Năm 2024, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đoàn (20/7/1974 - 20/7/2024), là năm hoàn thành triển khai thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 230/NQ-QU của Quân ủy Trung ương, kế hoạch số 1228/KH-BQP của Bộ Quốc phòng và Nghị quyết số 280-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân đoàn về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Theo kế hoạch, lộ trình cụ thể trong quý II và quý III hoàn thành việc giải thể sáp nhập Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và thành lập Quân đoàn 34. Theo đó các cơ quan, đơn vị của Quân đoàn 4 một số được điều chuyển về các đơn vị của Bộ, một số được điều về Quân khu 7, số còn lại về Quân đoàn 34.

Để bảo đảm cho Quân đoàn vừa làm tốt hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Quân đoàn, vừa thực hiện tốt công tác sáp nhập, giải thể, điều chuyển bảo đảm chặt chẽ, an toàn, chu đáo, 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm tư tưởng, cả trước, trong và sau sáp nhập, giải thể. Thực hiện Nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cấp ra Nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, sát đặc điểm, tình hình nhiệm vụ đơn vị; tổ chức quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ đặc biệt là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, nhận thức sâu sắc, nhất trí cao với đường lối, chủ trương của Đảng, xác định tốt tư tưởng, trách nhiệm, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng những dấu ấn lịch sử đặc biệt và truyền thống của Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng” vẫn còn trường tồn với Đảng Cộng sản Việt Nam, Dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

No comments:

Post a Comment