Friday, July 14, 2017

LỜI TRI ÂN
                                                                   Nhất Năm
                                                               Phòng Tuyên huấn

“Giọt máu rơi anh đâu có quản ngại
Quyết tử thân mình, Tổ Quốc quyết sinh
Để hôm nay chúng em đón bình minh
Tâm luôn nhớ ngày thương binh, liệt sỹ”
(Nhớ ngày thương binh liệt sỹ, Cẩm Chi Châu)
                 Những dòng thơ cứ đọng mãi trong tôi về một thời bom đạn khốc liệt. Không sinh ra trong thời chiến, không chứng kiến những đau thương mất mát của chiến tranh, chỉ biết đến qua sách vở và những thước phim. Nhưng thế hệ trẻ chúng tôi phần nào cũng hiểu được những tháng ngày đấu tranh gian khổ mà anh dũng của ông cha bảo vệ giang sơn đất nước, để thế hệ sau này được sống trong thái bình. Chúng tôi lại càng trân trọng và biết ơn công lao to lớn của các anh hùng thương binh, liệt sỹ.
                Trong những ngày mùa thu lịch sử này, khi tháng 7 đang tới gần, khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S, những người dân Việt Nam lại chờ đón một ngày rất đặc biệt - ngày thương binh, liệt sỹ 27/7. Hằng năm cứ đến ngày này, cả nước lại có nhiều nghĩa cử cao đẹp, những chương trình hành động  thiết thực, để thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với những người ưu tú của của dân tộc. Họ là những người con của Tổ quốc Việt Nam, dám hi sinh cả tuổi thanh xuân, đánh đổi xương máu của mình cho nền độc lập, tự do, hạnh phúc.
                  Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Nó để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân của mỗi thương binh, liệt sỹ. Không chỉ là nỗi đau về thể xác mà đó còn là nỗi đau về tinh thần. Những người vợ mất chồng, những con mất cha, những người mẹ mất con. Những tấm bia không tên tuổi khắc trên mình một cái tên chung  liệt sĩ vô danh. Không chỉ là những mất mát hi sinh mà các anh đã vĩnh viễn mất đi ở chiến trường thì vẫn còn đó những di chứng, thương tật mà các anh còn để lại trên cơ thể mình cũng như để lại cho thế hệ con cháu về sau. Đó là nạn nhân của chất độc màu da cam, đó là những đứa trẻ bị di chứng chiến tranh do bố mẹ tham gia chiến trường… Những nỗi đau đó vẫn còn mãi với thời gian, chưa thể nguôi ngoai trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Chúng ta lại càng cảm thông và chia sẻ hơn nữa cho những hoàn cảnh khó khăn đó.
                   Trước những mất mát hi sinh của thương binh, liệt sỹ cho dân tộc Việt Nam, trong suốt thời gian qua Đảng và Nhà nước ta nói chung và Quân đội nói riêng đã có nhiều chính sách, chương trình hành động để hỗ trợ các thương bệnh binh.
                   Quân đội ta đã có những chính sách đối với thương binh, liệt sỹ. Đó là  đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với sự cống hiến, hi sinh xương máu và những đóng góp to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội” tặng các đối tượng chính sách; Chương trình “Áo ấm” tặng thương binh, bệnh binh nặng, “Áo lụa tặng Mẹ” tặng các bà mẹ Việt Nam anh hùng; đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Hoạt động tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ lãnh đạo cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; gặp mặt tặng quà các thương binh và thân nhân liệt sỹ đang công tác. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với thân nhân liệt sỹ đang công tác, gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con để thương binh, liệt sĩ đang được nuôi dưỡng, điều dưỡng tại các trung tâm trên địa bàn. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn.
                    Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, chúng ta những người dân Việt Nam nói chung và những người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng bằng tình cảm và trách nhiệm của mình quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/2/1947 – 27/7/2017). Đó là việc làm thiết thực để tri ân các anh hùng liệt sỹ, các gia đình có công với đất nước.  

No comments:

Post a Comment