Friday, July 14, 2017



VAI TRÒ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TIỂU ĐỘI TRƯỞNG 
TRONG HUẤN LUYỆN CHIẾN SĨ MỚI
Phạm Anh Đức
Trung đoàn 3
         
          Tiểu đội trưởng là cán bộ thấp nhất trong hệ thống biên chế chức danh cán bộ của Quân đội, đồng thời là cánh tay phải đắc lực của Trung đội trưởng; là người “đứng mũi, chịu sào” và trực tiếp tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao cho. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn bộ đội trong sinh hoạt, học tập, công tác cũng như duy trì Tiểu đội thực hiện các chế độ nền nếp chính quy trong ngày, trong tuần. Do vậy, mọi hoạt động của tiểu đội từ việc sắp đặt nội vụ đến luyện tập các nội dung trong huấn luyện đều do Tiểu đội trưởng trực tiếp tổ chức thực hiện và hướng dẫn, sửa sai cho bộ đội. Mặt khác, Tiểu đội trưởng còn là người anh cả trong Tiểu đội, nên mọi tâm tư tình cảm của bộ đội thường được Tiểu đội trưởng nắm bắt và giải quyết kịp thời. Chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới phụ thuộc ít nhiều vào phương pháp làm việc, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Tiểu đội trưởng. Để phát huy tốt vai trò trách nhiệm của Tiểu đội trưởng trong huấn luyện chiến sĩ mới, theo tôi cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
          Trước hết, cấp ủy chỉ huy các đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Quán triệt nhiệm vụ trước khi bước vào huấn luyện làm cho Tiểu đội trưởng nắm được kế hoạch chung của đơn vị, nắm chắc nhiệm vụ của bản thân, phân công rõ nhiệm vụ cho từng người. Trên cơ sở đó xây dựng cho Tiểu đội trưởng có tinh thần tự giác, thái độ trách nhiệm cao với đơn vị; có động cơ đúng đắn trong cả suy nghĩ và trong việc làm; luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ: dám nghĩ, dám làm, dũng cảm đấu tranh với những cái sai, cái xấu trong đơn vị. Đồng thời, xây dựng cho họ có niềm tin, ý chí quyết tâm cao sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là tấm gương sáng cho chiến sĩ mới noi theo.
          Hai là, tin tưởng và tạo điều kiện để Tiểu đội trưởng được khẳng định bản thân mình trước đơn vị và trước chiến sĩ mới. Đây là nội dung mang tính quyết định đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của Tiểu đội trưởng. Được làm việc để khẳng định mình và được cấp trên tin tưởng là nguyện vọng chung của mọi người. Song được khẳng định bản lĩnh, thể hiện sự trải nghiệm của người “Làm anh” đối với chiến sĩ mới là niềm vinh dự và sự kiêu hãnh của Tiểu đội trưởng ở đơn vị. Khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ thì họ luôn vô tư và thoái mái thể hiện vai trò trách nhiệm của người anh cả trong Tiểu đội với quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Do đó đội ngũ cán bộ các cấp, mà trực tiếp là cán bộ Trung đội trưởng phải luôn tin tưởng và giao nhiệm vụ cụ thể cho Tiểu đội trưởng trong việc quản lý, chỉ huy và hướng dẫn chiến sĩ mới thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Như vậy sẽ tạo ra được sức mạnh tổng hợp, toàn diện góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
          Ba là, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết kịp thời các vấn đề tư tưởng nảy sinh. Là người anh cả trong Tiểu đội, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của Tiểu đội trong học tập, công tác cũng như mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày của Tiểu đội. Do đó họ cũng phải chịu áp lực công việc và cũng ít nhiều có biểu hiện nảy sinh tư tưởng. Nếu như chỉ huy các cấp không quan tâm và giải quyết không kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ dễ dẫn đến tình trạng Tiểu đội trưởng buông lỏng việc duy trì các chế độ nền nếp chính quy trong ngày hoặc thờ ơ với công việc và nhiệm vụ được giao. Là những cán bộ còn trẻ, kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều nên Tiểu đội trưởng cũng rất dễ bị tác động bởi các điều kiện hoàn cảnh bên ngoài, đặc biệt trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Do vậy, cấp trên phải luôn là chỗ dựa tin cậy để họ chia sẻ những khó khăn, vưỡng mắc trong cuộc sống, cùng trao đổi những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong học tập, công tác, trên cơ sở đó tạo sự đoàn kết, gắn bó thân thiết và gần gũi để họ luôn yên tâm công tác và cống hiến hết mình cho việc hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị.
          Bốn là, quản lý duy trì nghiêm kỷ luật trong đơn vị, đặc biệt là phải xử lý nghiêm những Tiểu đội trưởng vi phạm kỷ luật để làm gương cho chiến sĩ mới. Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội, đồng thời đó là điều kiện cơ sở để thống nhất mọi hành động trong toàn quân. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải nghiêm chỉnh và tự giác chấp hành một cách triệt để. Với đặc thù huấn luyện chiến sĩ mới: Quân số đông, nhiều nhiệm vụ đan xen, phức tạp, cường độ huấn luyện cao. Do đó việc quản lý duy trì kỷ luật và vấn đề quan trọng phải đặt lên hàng đầu, đòi hỏi Tiểu đội trưởng phải là người gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật Quân đội, duy trì chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc các nền nếp chế độ quy định trong đơn vị. Đồng thời phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các biểu hiện vi phạm kỷ luật ở đội ngũ Tiểu đội trưởng để làm gương cho chiến sĩ, tránh sự so bì của chiến sĩ mới dẫn đến phản ứng “dây chuyền” trong đơn vị làm giảm đi tính nghiêm minh của kỷ luật Quân đội.
          Năm là, quan tâm chăm lo đến nhu cầu đi phép, tranh thủ và bảo đảm tốt quyền lợi cho đội ngũ Tiểu đội trưởng. Đây là một vấn đề rất quan trọng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp đối với đội ngũ cán bộ Tiểu đội trưởng. Đồng thời là sự khích lệ, động viên kịp thời đối với họ. Chỉ huy các cấp cũng cần tạo điều kiện hơn trong việc giải quyết phép tranh thủ cho Tiểu đội trưởng sau mỗi đợt huấn luyện chiến sĩ mới để họ thực sự yên tâm và gắn bó, trách nhiệm với đơn vị nhiều hơn./.

No comments:

Post a Comment