QĐND - “Báo cáo không trung thực” là biểu hiện cụ thể của tình trạng suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng các hiện tượng “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận diện rất rõ
tệ nạn này và điểm mặt, chỉ tên như “giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm”,
“kê khai tài sản không trung thực”, “mắc bệnh thành tích”, “chạy thành tích”,
"chạy danh hiệu”, “quan liêu, xa rời quần chúng”... Nếu xem nhẹ những biểu
hiện trên sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Những
bài học đau xót
Thực trạng
của tệ “báo cáo không trung thực” hiện đang diễn biến ra sao? Sự
tác động của nó đến bản chất và sự tồn vong của chế độ như thế nào? Đó là
vấn đề cấp thiết đặt ra khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang triển khai
thực hiện các nhóm giải pháp chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” theo Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng.
Để nhận rõ
tác hại ghê gớm của tình trạng “báo cáo không trung thực”, chúng ta thử nhìn
lại tệ nạn này đã hoành hành ở Liên Xô trong suốt giai đoạn
1960-1991. Một tài liệu chuyên khảo khoa học của Ban Tuyên giáo Trung
ương cho thấy: Đến giữa những năm 70 của thế kỷ 20, Liên Xô đã có
những bước phát triển mạnh mẽ khiến cả thế giới nể phục, những thế
lực đối trọng rất lo lắng. Nhưng rồi tệ “báo cáo không trung
thực" đã góp phần dần dần hủy hoại Liên Xô hùng cường và vĩ đại.
Những sai lầm trước, trong và sau cải tổ đã làm Liên Xô tan rã. Một
nguyên nhân được khẳng định là ở giai đoạn cuối của Xô viết, Đảng
Cộng sản Liên Xô đã bị quan liêu hóa, đường lối không còn
sát thực tiễn, trở thành những văn bản “trên trời” nên mọi nỗ lực kêu
gọi cải tổ đều bị người dân và chính đảng viên của Đảng thờ ơ, cho qua.
Tệ “báo cáo không trung thực” đã trở
nên phổ biến trong Đảng và toàn xã hội Liên Xô. Báo Tin Tức (Liên Xô)
ra ngày 27-12-1986, đăng tin Cục trưởng Cục Thống kê một tỉnh bị bắt vì
“báo cáo láo” theo chỉ thị của Tỉnh ủy đã trả lời: “Nếu tôi không làm thế thì
sẽ có một cục trưởng khác ngồi ở đây”. Còn Báo Ngọn lửa nhỏ, số 46 năm
1988, khẳng định: “Thông tin chính xác về kinh tế thì ngay Bộ Chính trị cũng
không có”. Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ngày 22-8-1973 đã phải ban
hành một nghị định ngăn chặn tệ “báo cáo láo” khi quy định phạt 7% giá trị
hàng hóa, nếu phát hiện các nông trang và cửa hàng “bắt tay nhau” để
dối trá về số lượng bơ sản xuất được.
Đến
nay, chúng ta đã có đủ cơ sở để khẳng định, tệ “báo cáo không trung
thực” là tác nhân quan trọng làm quan liêu hóa bộ máy Đảng và Nhà nước
Liên Xô, là một trong những nguyên nhân khiến nhà nước công nông đầu tiên
trên thế giới phải sụp đổ. Điều đó hoàn toàn logic với lời cảnh báo của
Lênin về bệnh phô trương “thành tích ảo”, thói xu nịnh cấp
trên có hệ thống ở nhiều cấp, nhiều ngành để lâu dần
thành “thói quen nguy hiểm” ở Liên Xô.
Thực
trạng ở nước ta, theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tình
trạng “báo cáo không trung thực” kéo dài cũng đã và đang
khiến nhiều cán bộ, đảng viên dường như quên đi những
lời cảnh báo của Lênin và thực tiễn đã xảy ra ở Liên Xô. Nhiều cấp
ủy, chính quyền ở một số địa phương dường
như đang chấp nhận điều đó như một phần của quá trình phát
triển, không hề nghĩ rằng đó là thứ “giặc nội xâm”, bệnh “tự diễn biến”,
"tự chuyển hóa" đe dọa sự tồn vong của chế độ XHCN.
Nguyên Tổng
Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhấn mạnh: “Lãnh đạo mà thiếu thông tin,
không có căn cứ thực tiễn, thì khó tránh được những quyết định sai lệch”.
Trong thực tế, Đảng ta đã có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đề cập
đến việc khắc phục vấn đề này nhưng tình trạng “báo cáo không trung
thực” ở một số địa phương, ban, ngành chưa có dấu hiệu giảm, mà còn
có những sự kiện, hiện tượng phức tạp hơn. Cụ thể như vụ việc ở
Thái Bình cách đây hai mươi năm, tình hình ở cơ sở vô cùng phức tạp,
mất dân chủ trở nên phổ biến nhưng Tỉnh ủy lúc đó vẫn báo cáo
không đúng, không đủ với Trung ương. Thậm chí, nhiều đoàn kiểm tra của Trung
ương về, địa phương vẫn tìm cách giấu giếm thực tế khiến sự việc thêm trầm
trọng. Hay một số tổ chức đảng ở các tập đoàn kinh tế như Vinashin,
Vinalines… không chỉ giấu giếm chuyện làm ăn thua lỗ mà còn giấu nhẹm cả chuyện
nội bộ bất đồng, mất dân chủ, khiến cấp ủy cấp trên vẫn đánh giá đó là những
đảng bộ trong sạch, vững mạnh (TSVM) cho đến khi sự thật bị phơi
bày ra công luận. Người viết bài này từng được phân công điều tra, viết bài
về vụ tiêu cực ở PMU18 (Bộ Giao thông vận tải) năm 2006, qua tìm
hiểu cho thấy tổ chức đảng ở đó mất sức chiến đấu, thành “bức bình phong”
cho Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng thao túng cơ quan nhưng vẫn được đánh
giá là TSVM cho đến khi mọi việc được làm sáng tỏ. Hay như tình
trạng “mì tôm cứu trợ đi nhầm vào nhà cán bộ”, kê khai tài sản thiếu trung thực
của một số cán bộ cấp cao thời gian gần đây đã gây bức xúc trong dư luận.
"Bệnh
thành tích" là nguyên nhân chính
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, trong các buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội
đã bày tỏ sự lo lắng, sốt ruột trước thực trạng “nhìn đâu cũng thấy tiêu
cực, thanh tra ở đâu cũng có sai phạm”. Tiêu cực rất phổ biến nhưng trong các
bản báo cáo, đánh giá cuối năm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và
các ban, ngành thì hầu như không thấy đề cập. Tương tự như vậy, đến
nay, công tác tự phê bình và phê bình đảng viên cuối năm, chưa có
mấy chi bộ, tổ chức cơ sở đảng chỉ ra khuyết điểm, sai phạm của cán
bộ, đảng viên về kê khai tài sản. Nhưng hễ có vụ việc nào do nhân dân tố
giác hoặc báo chí phản ánh, thì tiến hành thanh tra đều chỉ ra sai phạm. Điều
này cho thấy, tình trạng “thiếu trung thực” thực sự đã trở nên cấp bách, cần
được khắc phục ngay.
Bài học
thành công của sự nghiệp đổi mới, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần
thứ VI, xét đến cùng cũng là bài học về sự trung thực. Đó là tinh
thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Nhưng sau 30 năm đổi mới, những
thành công bước đầu khiến cấp ủy, chính quyền nhiều nơi sinh ra chủ quan,
cùng với tác động từ những mặt trái của cơ chế thị trường
khiến tệ “báo cáo không trung thực” lại trỗi dậy và tìm
thấy nhiều “đất sống”.
Dư
địa để tệ “báo cáo không trung thực” đang “sống khỏe” hiện
nay có nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn là nguyên nhân do người
nhận báo cáo và người báo cáo, tức là giữa cấp trên và cấp
dưới. Nguyên nhân trước tiên là do cấp trên quan liêu, xa
dân, thích thành tích nên đã chấp nhận, bao che hoặc làm ngơ rồi dẫn đến mặc
nhiên công nhận những bản báo cáo sai sự thực. Ví dụ, báo cáo tổng kết năm
của hầu hết các địa phương đều khẳng định rằng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của
địa phương (GRDP) ở mức 9-10%, thậm chí có địa phương nhiều năm liền giữ tỷ lệ
tăng trưởng kinh tế hai con số. Thế nhưng tổng hợp chung, GDP của đất nước
nhiều năm gần đây chưa được 7%. Sự vô lý này đã kéo dài, nhưng vì nghị quyết
của cấp ủy các địa phương đã định ra mục tiêu tăng trưởng khiến ngành thống kê
địa phương phải “chạy theo”.
Nguyên nhân
thứ hai dẫn tới tình trạng “báo cáo không trung thực” đến từ cấp
dưới. Cấp dưới mắc “bệnh thành tích” nên cố tình che giấu khuyết
điểm, thổi phồng, tô vẽ thành tích để qua mặt cấp trên; hoặc là cấp dưới biết
cấp trên quan liêu, thích “thành tích” nên cố tình “nặn” ra những báo cáo
gian dối.
Làm
gì để khắc phục tình trạng “báo cáo không trung thực”?
Làm thế nào
để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “báo cáo không trung thực”, không cho các thế
lực thù địch lợi dụng những bản báo cáo này nhằm xuyên tạc, bịa đặt, “nhồi sọ”,
“ám thị” quần chúng, nhân dân? Cách làm cơ bản nhất là tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”
viết từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Kiểm soát khéo
bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm
nhất định bớt đi”.
Song muốn
thanh tra, kiểm tra có kết quả tốt, nhất định người đứng đầu cấp ủy, chính
quyền phải làm được hai việc: Một là thanh tra, kiểm tra phải có hệ thống,
phải là nhiệm vụ được tiến hành thường xuyên, kết hợp tốt giữa định kỳ và đột
xuất, khi thấy dấu hiệu không trung thực. Hai là đội ngũ những người thanh tra,
kiểm tra phải là những người vừa có năng lực chuyên môn, vừa là những con người
trung thực. Thanh tra, kiểm tra có hai cách: Một là từ trên xuống, nghĩa là cấp
trên phải trực tiếp đi tận nơi, xem xét vấn đề tại chỗ, từ đó đối chiếu với
những điều mà cấp dưới đã báo cáo, xem đúng-sai như thế nào; ưu,
khuyết điểm của cấp dưới cũng như tính thực tiễn trong các mục tiêu, chỉ thị do
mình ban ra. Hai là, thanh tra, kiểm tra phải dựa vào quần
chúng, vào cấp dưới và dựa vào nhân dân; nhờ nhân dân giám sát cán bộ, đảng
viên và cơ quan cấp trên; từ thông tin của quần chúng, nhân dân mà tổ chức kiểm
tra, thanh tra những nơi “làm thì láo, báo cáo thì hay”; từ những góp ý của
nhân dân mà thấy sự quan liêu, thiếu thực tế của bản thân mình.
Đối với Đảng
Cộng sản Việt Nam, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)
về xây dựng Đảng chính là cơ hội để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “báo cáo
không trung thực”. Khi tình trạng này trong các tổ chức đảng được bài trừ, nhất
định sẽ lan tỏa sang các tổ chức khác thuộc hệ thống chính trị và từ đó trở
thành phong trào chung của toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã yêu cầu: “Mỗi tổ chức,
mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá mình cho thật khách
quan. Tập trung kiểm điểm trên các vấn đề trách nhiệm đối với công việc, đối
với đơn vị; phẩm chất cá nhân của mình về các mặt: nhận thức, tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng... Thấy
rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, coi trọng sự giáo dục,
sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, "trị
bệnh cứu người". Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành
khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích
đáng”.
NGUYỄN HỒNG HẢI
No comments:
Post a Comment