Ngày 01
tháng 10
“Cái gì không có lợi cho địch là
có lợi cho ta”[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài “Mười khó khăn của Pháp” bút danh C.B,
đăng trên Báo Nhân dân, số 27, ngày 01 tháng 10 năm 1951.
Chiến dịch Biên Giới năm 1950 kết thúc, ta giành thắng lợi lớn, diệt
trên 8.000 quân địch thu nhiều vũ khí, trang bị, giải phóng vùng biên giới rộng
lớn từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn)
mở rộng giao lưu quốc tế, làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành quyền chủ
động chiến lược đẩy mạnh tiến công và phản công. Thực dân Pháp gặp nhiều khó
khăn ở chính quốc và trên chiến trường Đông Dương; nhưng vẫn tập trung tăng
quân, thay tướng, xin thêm viện trợ của Mỹ, xây dựng hệ thống cứ điểm vững chắc
hòng duy trì sự đô hộ lâu dài trên đất nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá đúng tình hình quốc tế, nội
tình nước Pháp và cục diện chiến trường Việt Nam một cách khách quan, toàn
diện, biện chứng, khoa học và chỉ ra mười khó khăn mà Pháp phải đối diện; từ đó
Bác có những chỉ đạo chiến lược xác đáng nhằm giành thế chủ động tiến công liên
tục trên chiến trường, quyết đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng đất nước khỏi
ách đô hộ.
Thực hiện chỉ đạo của Người, quân và dân ta đã đoàn kết, hợp đồng, phát
huy thế mạnh của ta, khoét sâu điểm yếu của địch với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã anh dũng chiến đấu và chiến
thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của đế quốc, thực
dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thấu triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong phân tích, đánh giá tình
hình địch, ta để lựa chọn hình thức tác chiến phù hợp luôn được cấp ủy, chỉ huy
các cấp trong toàn quân đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt
nhằm phát huy mọi ưu thế, sức mạnh tổng hợp, tranh thủ thời cơ để quyết chiến,
quyết thắng với kẻ thù, hạn chế thấp nhất thương vong cho bộ đội, cùng toàn
Đảng, toàn dân giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, thống nhất đất
nước.
Trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm lãnh
đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tốt
diễn tập với tinh thần thi đua “Thao
trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, nâng cao chất lượng tổng hợp,
sức mạnh chiến đấu của quân đội, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu,
không để Tổ quốc bị động bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập
dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… xứng đáng là lực lượng
chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà
nước và nhân dân.