Ngày 25 tháng 9
“Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em
trong nhà”[1].
Là lời dạy của Bác Hồ trong
buổi nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái, ngày 25 tháng 9 năm 1958, Báo Yên
Bái đăng số 240, ngày 10 tháng 10 năm 1958. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần
duy nhất cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái được đón Bác Hồ về thăm và
nói chuyện. Đây là giai đoạn Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng
thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở
miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa vững chắc của cả nước. Hai là,
tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược
và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tư
tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là tài sản tinh thần vô
giá của toàn Đảng, toàn dân, là một trong những nhân tố quyết định thắng
lợi của cách mạng Việt Nam. Khi đề cập đến vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân
tộc, Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản,
nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó
là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to
lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân.
Để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân giải phóng dân tộc, giải phóng giai
cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ,
cách mạng muốn thành công và “thành công
đến nơi”, phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn
kết dân tộc bền vững. Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng cách mạng,
muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đoàn kết.
Thấu triệt quan điểm, tư
tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được Đảng ta xác định là mục
tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, phải được quán triệt trong tất cả các lĩnh vực, từ
đường lối, chủ trương, chính sách đến hoạt động thực tiễn. Đại hội XII chỉ rõ:
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình
đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân
tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu
số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải
miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn
nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số,
người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc.
Học tập và làm theo lời
Bác dạy, quán triệt và thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, cán bộ, chiến sĩ
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau như
ruột thịt, trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, nghĩa đồng đội và trở
thành lời thề danh dự của mỗi quân nhân nhân, trở thành sức mạnh để Quân đội ta
chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ quân
đội luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để
bảo vệ dân, giúp đỡ dân, được dân tin, dân yêu và trìu mến trao tặng danh hiệu
cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” - một biểu
tượng cao đẹp của người quân nhân cách mạng, một nét độc đáo, đặc sắc của Quân
đội nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.
No comments:
Post a Comment