Ngày 28 tháng 9
“Ngụy binh cũng là
con dân nước Việt, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn
sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến”[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi các ngụy binh”, đăng trên Báo Cứu
quốc, số 1915, ra ngày 28 tháng 9 năm 1951.
Lời của Bác thể hiện rõ tấm lòng khoan dung, độ lượng của
Đảng, Chính phủ đối với tất cả mọi đối tượng, trong đó có những người lầm đường,
lạc lối nay mong muốn trở về. Tư tưởng, phẩm chất khoan dung, nhân ái Hồ Chí
Minh biểu hiện ở lòng yêu thương sâu sắc đối với con người, ở cái nhìn rộng lượng
đối với những giá trị khác biệt với mình, ở sự tôn trọng niềm tin của người
khác, không độc tôn chân lý, không áp đặt ý kiến của mình lên người khác, xa lạ
với mọi thái độ kỳ thị, cuồng tín, giáo điều. Đây là sự biểu hiện niềm tin của
Người vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, dù nhất thời họ có lầm
lạc, nhỏ nhen, thấp kém... Hồ Chí Minh luôn tin rằng với sức mạnh cảm hoá của
cách mạng và của giáo dục, những con người nhất thời lầm lạc vẫn có thể cải tạo,
vươn lên, trở thành có ích cho xã hội, bởi theo Bác: Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ phần nhiều do giáo dục mà nên.
Thực hiện lời dạy của Bác,
cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn thực hiện nghiêm chính sách nhân đạo của Đảng,
Nhà nước đối với tù hàng binh, với lòng nhân ái, vị tha, khoan hồng, giáo dục họ,
phóng thích và trả về đoàn tụ cùng gia đình, kể cả binh lính Pháp, Mỹ, cũng như
lính chư hầu các nước, góp phần giảm tổn thất trong các cuộc chiến tranh, làm dịu
đi mối hận thù giữa hai dân tộc, hai quốc gia đối địch trong chiến tranh, thể
hiện truyền thống nhân đạo, nhân ái của dân tộc Việt Nam, phẩm chất nhân văn,
cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
No comments:
Post a Comment