Ngày 06 tháng 10
“Muốn cho danh chính, lợi chính, thì Danh,
làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được
lợi với thế giới”[1].
Là
lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Nói
chuyện với đại biểu các báo chí về nội trị, ngoại giao nước nhà trong những
ngày vừa qua”, Người nói ngày 06 tháng 10 năm 1945; đăng trên Báo Cứu quốc,
số 61, ngày 08 tháng 10 năm 1945.
Nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa ra đời - một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ
nước của dân tộc ta. Tuy nhiên, những năm tháng đầu sau ngày độc lập, chúng ta gặp
phải muôn vàn khó khăn, thách thức, cùng lúc phải đối phó với giặc đói, giặc dốt,
giặc ngoại xâm; chính quyền mới được thành lập chưa được củng cố, lực lượng vũ
trang còn non yếu và những tàn dư của xã hội cũ còn sót lại trên các lĩnh vực của
đời sống xã hội; trong đó, có hiện tượng một số ít cán bộ ham muốn danh, lợi
nên chưa thật sự tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã có nhiều bài viết, bài nói giải thích về Danh và Lợi cho cán bộ, đảng
viên các cấp, các ngành để họ nắm rõ, hiểu đúng và hành động đúng. Theo Bác,
Danh - nghĩa là phải làm tròn bất kỳ nhiệm vụ nào nhân dân giao phó thì đều là
danh dự, là vẻ vang, là anh hùng, nếu phải hy sinh tính mạng thì tiếng thơm lưu
truyền mãi mãi. Về Lợi, Hồ Chí Minh
thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên đối với công việc hằng ngày “Việc gì có lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ
được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh” và việc gì dù lợi
cho mình, phải xem xét có lợi cho nước hay không? Nếu không có lợi mà có hại
cho nước thì quyết không làm. Khi phải cân nhắc, chọn lấy một, giữa lợi ích
riêng và lợi ích chung, thì phải chọn lợi ích chung, phải hy sinh lợi ích riêng
cho lợi ích chung, vì lợi ích cho nước tức là lợi ích cho mình, lợi ích chung của
đất nước của dân tộc có thắng lợi thì lợi ích riêng của gia đình thắng lợi. Hồ Chí
Minh từng chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân - căn bệnh luôn đặt lợi ích riêng của mình,
của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc, chính là cha đẻ
của tư tưởng danh lợi chỉ muốn làm ông này, ông khác, bà này, bà khác. Tư tưởng
danh lợi lại đẻ ra trăm thứ bệnh.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, các thế hệ cán bộ, đảng
viên của Đảng đã luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và nhân dân lên trên,
lên trước, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội,
luôn đồng cam, cộng khổ với quần chúng nhân dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thực sự là hạt nhân lãnh đạo,
đoàn kết đã cùng với toàn dân, toàn quân làm nên những thắng lợi vĩ đại của
cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong
đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp,
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân
ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi…. làm giảm sút lòng tin đối của
nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò
lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ, cần phải kiên quyết đấu tranh, xử
lý nghiêm.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội là hạt nhân lãnh
đạo, đoàn kết ở đơn vị, say mê, gắn bó hết mình với công việc, chức trách, nhiệm
vụ được giao; có ý thức tiết kiệm của công, không tham nhũng, lãng phí; công
minh, chính trực, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực; không quản
hy sinh, gian khổ; luôn chấp hành và gương mẫu đi đầu trong mọi công việc; sẵn
sàng đến những nơi khó khăn vất vả, từ biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;
có lối sống trung thực, giản dị, gần gũi, thương yêu đồng chí, đồng đội; có
tinh thần đoàn kết, bao dung, độ lượng, vị tha. Gương mẫu trong mọi lúc, mọi
nơi, luôn đi đầu gương mẫu trong thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội,
là chỗ dựa tin cậy của bộ đội.
No comments:
Post a Comment