“Nếu chính quyền biết lãnh đạo
và khuyến khích, khen cái nên khen, thưởng việc nên thưởng, thì không những người
lớn mà các trẻ em cũng hăng làm việc có lợi”[1].
Đây là 1/5 việc nhỏ, ý
nghĩa to trong bài viết “Việc nhỏ, ý nghĩa to” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
đăng báo Nhân dân, số 272, ngày 24 tháng 11 năm 1954, với bút danh “C.B”.
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao
là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp đưa đến
việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông
Dương. Tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi mới;
trong đó vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc đoàn kết, tập hợp
quần chúng nhân dân chung sức, đồng lòng, tận tâm, tận lực phấn đấu vì sự nghiệp
chung có ý nghĩa rất quan trọng. Để làm được điều đó, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền
các cấp, nhất là cấp cơ sở phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, có
phương pháp vận động, khích lệ quần chúng bằng những chính sách, nhiệm vụ cụ thể,
thiết thực và biết làm tốt công tác khen thưởng, xử phạt đúng như những chỉ dẫn
trong bài viết “Việc nhỏ, ý
nghĩa to”
của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể khẳng định rằng, những thành tựu to lớn của sự nghiệp
đấu tranh giải phóng dân tộc, của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa luôn gắn liền với vai trò của cấp ủy,
chính quyền, nhất là của đội ngũ cán bộ, trong đó phải nói tới phong cách lãnh
đạo, phong cách làm việc và rèn luyện phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc
mới theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh. Phần đông cấp ủy, chính quyền các cấp
và đội ngũ cán bộ có phong cách lãnh đạo ngày càng sâu sát cơ sở, làm việc một
cách khoa học, dựa trên trình độ học vấn ngày càng cao và chuyên sâu công việc,
năng động sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều cán bộ đã thực hành tốt
nói đi đôi với làm và nêu gương trước cấp dưới, được quần
chúng khen ngợi. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo vẫn bộc lộ
nhiều hạn chế, bất cập trong phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc. Đáng lưu
ý là có một số ít cán bộ có chức, có quyền cao còn biểu hiện quan liêu, chuyên
quyền, độc đoán, hách dịch, xa dân. Một số cán bộ coi thường tính đảng, tính
nguyên tắc trong công việc, lấy yêu cầu năng động, sáng tạo để che đậy cho những
việc làm sai trái; một số cán bộ đã biến lối làm việc tập thể, cá nhân phụ
trách thành "cá nhân phụ trách, tập
thể chịu trách nhiệm" khi có sai phạm xảy ra, gây bức xức trong dư luận
cần phải sớm khắc phục.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội luôn đề cao và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ Quân đội, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, điều hành, quản lý của chỉ huy các cấp; thường xuyên làm tốt công tác thi đua, khen thưởng và giữ nghiêm kỷ luật tự giác, nghiêm minh… đã động viên được cán bộ, chiến sĩ từ người sĩ quan cấp tướng đến chiến sĩ binh nhì đều nêu cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực, đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
No comments:
Post a Comment