Thursday, November 5, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 06 tháng 11

… Khen, chê phải đúng mức. Khen nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục...[1].

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi họp của Bộ Chính trị tiếp tục cho ý kiến về nội dung Đại hội Văn nghệ, ngày 06 tháng 11 năm 1962, đăng trên Báo Nhân dân, số 3148, ra ngày 07 tháng 11 năm 1962.

Sáng ngày 06 tháng 11 năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị để cho ý kiến về nội dung Đại hội Văn nghệ. Khi bàn về chủ trương tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi một đợt thực tế dài hạn ở nông thôn, Người đã tán thành chủ trương này và có những lời căn dặn quý báu đối với các văn nghệ sĩ đi thực hiện nhiệm vụ này. Đây là sự nhắc nhở sâu sắc, có giá trị định hướng về nhận thức, tư tưởng đối với mỗi văn nghệ sĩ cần nêu cao ý thức trách nhiệm, bám sát thực tiễn, khen, chê phải đúng mức; nói cách khác, Người yêu cầu các văn nghệ sĩ phải phản ánh trung thực và khách quan cuộc sống lao động, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân ở vùng nông thôn.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, các thế hệ văn nghệ sĩ nước nhà đã thường xuyên bám sát đời sống nông thôn, lăn lộn trên đồng ruộng, gò đồi, cũng như trên các chiến trường đầy khói lửa; hòa mình vào cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, tích cực cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, đồng thời phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn… góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Ngày nay, trước bối cảnh phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, lời căn dặn của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là bài học sâu sắc định hướng nhận thức, tư tưởng, phương châm hành động của các văn nghệ sĩ; bồi dưỡng cái tâm và cái tài, cổ vũ động viên các văn nghệ sĩ bám sát cơ sở, đi sâu khám phá cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, qua đó sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hay và tốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đối với Quân đội ta, thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội đã thường xuyên bám sát các đơn vị cơ sở, nhất là những đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; lăn lộn cùng với bộ đội trên các thao trường, bãi tập, nơi bộ đội làm công tác dân vận, tham gia phòng, chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... để phản ánh trung thực cuộc sống học tập, công tác và sinh hoạt của bộ đội. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm định hướng nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền, cổ vũ động viên kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, đồng thời phê phán những cái xấu, cái tiêu cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh, để mỗi đơn vị quân đội thực sự là cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, nhân cách quân nhân, bồi đắp phẩm chất ”Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.



[1] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.8, tr.304.


No comments:

Post a Comment