Ngày 19 tháng 12
"… Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân
nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng
quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không
chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ …"[1].
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ
ta, ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cuối năm 1946, sau những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Việt
Nam dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp bị thất bại; quan hệ Việt - Pháp ngày
càng căng thẳng và có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Với dã tâm thống trị Việt Nam
của thực dân Pháp, từ ngày 16 đến 18/12/1946, tại nhiều nơi trên đất nước ta,
quân đội thực dân Pháp đã gây ra nhiều vụ tàn sát đối với đồng bào ta; gửi hậu
thư đòi yêu sách… và đe dọa hành động chiến tranh. Trước tình hình đó, Ngày 18 và 19/12/1946 tại làng
Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng quyết định phát động
toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố vào tối ngày
19/12/1946, trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với
ý chí quyết tâm "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất
định không chịu làm nô lệ" của cả dân tộc đã giúp cho Đảng, Chính phủ vững
vàng chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thành công.
Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến viết cách đây hơn 70 năm được xem là một lời hịch của non
sông - lời hiệu triệu lịch sử, là một văn kiện có tính chất cương lĩnh chính trị,
quân sự có giá trị thời đại sâu sắc. Trong tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân ta, tiếp tục nêu cao tinh thần giác ngộ cách mạng, phát huy sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua đóng góp công sức, trí tuệ cho sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với Quân đội ta, để thực sự
là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc,
phải thường xuyên quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước
ta về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về
"Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; tập trung xây dựng nền
quốc phòng toàn dân vững mạnh; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, chất lượng
tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, ứng phó thắng lợi với mọi tình huống; kiên quyết, kiên trì đấu
tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo
vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
No comments:
Post a Comment