Ngày 20 tháng 9
“Cán bộ cần hoan nghênh ý kiến và những lời phê bình của dân, để sửa chữa sai lầm”
Là lời căn dặn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh trích trong thư thăm hỏi các đại biểu và tất cả các cán bộ và
nhân viên mậu dịch, Người viết ngày 20 tháng 9 năm 1951.
Đây là thời điểm nền kinh
tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh kéo dài, hàng hoá, nhu yếu
phẩm rất khan hiếm và được phân phối cho cán bộ và nhân dân theo chế độ tem
phiếu thông qua hệ thống các cửa hàng mậu dịch Nhà nước. Do vậy, đã nẩy sinh rất
nhiều bất cập, khó khăn cho cả phía cán bộ, nhân viên mậu dịch và nhân dân. Để
khắc phục những hạn chế, yếu kém trên Bác Hồ đã gửi thư và căn dặn cán bộ, nhân
viên ngành mậu dịch, theo Bác việc tự phê bình và tiếp thu phê bình đối với
người cán bộ, đảng viên như việc rửa mặt hằng ngày. Cấp trên phê bình, chưa đủ.
Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa,
thì sự phê bình mới hoàn toàn.
Bởi lẽ, nhân dân là chủ,
nhân dân làm chủ là bản chất của Đảng và Nhà nước ta, cùng cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân
làm chủ” luôn được quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện. Nhân dân cũng là
lực lượng đông đảo, rộng khắp, họ thấy rõ, thấy đầy đủ những thiếu sót cần phải
phê bình, góp ý cụ thể cho cán bộ, đảng viên. Trong cuộc đấu tranh chống các
nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước hiện nay, một vũ khí
không thể thiếu đó là công luận và tiếng nói của nhân dân. Học tập và làm theo
Bác, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị
- xã hội đã tạo môi trường, có các chủ trương, chính sách, cơ chế, pháp luật để
nhân dân tham gia giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên. Những ý kiến đóng góp
của nhân dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ “có chức, có quyền” là kênh thông tin
quan trọng để họ vươn lên tự hoàn thiện bản thân, có trách nhiệm với công việc,
là cơ sở đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn với lợi
ích của đất nước và phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Thấu triệt lời Bác Hồ
dạy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong Quân đội luôn đề cao và duy trì nền nếp,
không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tự phê bình và phê bình
của cán bộ, đảng viên. Định kỳ sáu tháng, một
năm, tổ chức đảng tổ chức để mỗi cán bộ,
đảng viên trên cương vị, chức trách nhiệm vụ được giao thực hiện việc tự phê
bình trước chi bộ, lấy ý kiến phê bình của các tổ chức quần chúng trong đơn vị;
ý kiến nhận xét của cấp uỷ, chi bộ nơi cư trú theo đúng Quy định 76-QĐ/TW
của Bộ Chính trị khóa VIII về việc đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối
liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi
cư trú. Nội dung phê bình toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, việc chấp
hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; việc
thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối
sống, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết
quân dân và các quy định của địa phương, nơi cư trú. Tôn trọng ý kiến đóng góp
của quần chúng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tiếp thu, nhận khuyết điểm, định
rõ thời gian, biện pháp khắc phục sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phấn
đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
No comments:
Post a Comment