Ngày 13 tháng 11
“Học hành là vô
cùng. Học càng nhiều biết càng nhiều càng tốt...”[1].
Đây là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi đồng bào xã Duyên Trang, huyện Tiên
Hưng, tỉnh Thái Bình”, ngày 13 tháng 11 năm 1947.
Sau hơn hai năm
Trung ương Đảng và Chính phủ phát động toàn dân thực hiện phong trào diệt giặc
dốt, phong trào đã đạt được những kết quả quan trọng, hàng triệu người dân Việt
Nam đã biết đọc, biết viết. Bác Hồ rất vui mừng khi nhận được báo cáo về kết
quả kỳ thi ngày 06 tháng 9 năm 1947, toàn dân xã Duyên Trang từ 8 tuổi trở lên
đều thoát nạn mù chữ. Bác đã thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi đến đồng bào
toàn xã, nhất là cảm ơn các phụ lão, thân hào đã ra sức giúp đỡ, các cán bộ
bình dân học vụ đã cố gắng dạy dỗ bà con nhân dân trong xã.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Người không những là vị lãnh
tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân
văn hóa thế giới, mà còn là một nhà giáo dục, một tấm gương “suốt đời tự học”
để trưởng thành, để đi lên, để tiến bộ. Theo Người, muốn trở thành người có
đức, có tài để phục vụ và cống hiến nhiều cho Đảng, cho nhân dân thì “suốt đời
phải học tập”. Chỉ có học tập, con người mới nâng cao sự hiểu biết về mọi mặt
và phục vụ cho quê hương, đất nước nhiều hơn, tốt hơn.
Thực hiện lời
căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào diệt giặc dốt đã được toàn dân
đồng lòng, đồng sức triển khai với quyết tâm cao, toàn dân, toàn quân ra sức
học tập, lao động sản xuất để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giành thắng lợi
trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng
và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế tri thức, khoa học
- công nghệ phát triển mạnh mẽ, công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước đang đi vào chiều sâu, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của
nước nhà. Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu;
đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi
trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để thực
hiện được mục tiêu đó, mỗi người dân
Việt Nam cần nêu cao tinh thần tự học, tự rèn, tích cực “học tập suốt đời” theo gương Bác để
phục vụ tốt hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đối với Quân đội ta, thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán
bộ, chiến sĩ cần nhận thức sâu sắc việc học tập, rèn
luyện vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm, là vinh dự
của mỗi quân nhân; phải coi việc học tập là một nhu cầu tự thân, nó thấm sâu vào mỗi quân nhân, trở
thành cách nghĩ và hành động trong cuộc sống của mỗi người. Cần chủ động khắc phục mọi khó khăn, sử dụng mọi thời gian,
tranh thủ mọi điều kiện để học tập, rèn luyện với tinh thần bền bỉ, kiên trì,
cầu tiến bộ.
No comments:
Post a Comment