Ngày 29 tháng 12
“Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều
quan trọng phải luôn luôn nhớ:
- Không sợ thiếu, chỉ
sợ không công bằng,
- Không sợ nghèo, chỉ
sợ lòng dân không theo”[1].
Ngày 29 tháng 12 năm 1966, tại phiên họp cuối năm của Hội đồng chính phủ,
khi đề cập đến khuyết điểm của công tác lưu thông phân phối Bác đã căn dặn
những điều trên. Ở đây, Bác đề cập đến “không sợ thiếu”, “không sợ nghèo” không
phải là cam tâm chịu nghèo, chịu thiếu. Cách mạng là để cuộc sống con người
giàu có hơn, sung sướng hơn. Nhưng trước cái thiếu, cái nghèo còn đang hiện hữu
thì phải làm sao thiếu mà được công bằng, nghèo mà lòng dân vẫn yên. Sợ sự
không công bằng và sợ lòng dân không
theo là biểu thị thái độ, trách nhiệm của người quản lý. Trước đó, năm 1947 để
giữ nghiêm pháp luật và kỷ luật Bác đã phải thức trắng đêm để suy nghĩ và đi
đến quyết định bác đơn xin ân xá của Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục
Quân nhu vì những vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức, quản lý không tốt, bớt
xén của bộ đội để dùng vào việc riêng.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Người, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công
tác phân phối hàng hóa trong hệ thống phân phối của nhà nước đã đề cao trách
nhiệm, tận tâm, tận lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là giai đoạn đất nước còn
trong chiến tranh và thực hiện cơ chế bao cấp, góp phần vào thắng lợi của cách
mạng Việt Nam.
Trong Quân đội, mọi chế độ, tiêu chuẩn, chính sách của cán bộ, chiến sĩ
được quy định cụ thể trong các văn bản, được phổ biến và niêm yết công khai
theo quy định ở từng cấp để mọi quân nhân biết, thực hiện. Hằng tháng, các cơ
quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp Ngày Chính trị văn hóa tinh thần để bộ đội
được dân chủ tham gia góp ý trên mọi mặt công tác; qua đó tạo bầu không khí dân
chủ, tin cậy đã trực tiếp xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành
mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY
NĂM XƯA
Ngày 30 tháng 12
“Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng
phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết[2]”.
Chủ tịch Hồ Chỉ minh viết trong bài “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí
học tập số 12 tháng 12 năm 1958.
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, xuất hiện tương đối sớm và có vai
trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Hồ Chí Minh là người bàn nhiều
về đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng; theo Bác, đạo đức không chỉ là “gốc”, là nền tảng, là sức mạnh và nhân
tố chủ chốt của người cách mạng, mà còn là thước đo của lòng cao thượng của con
người, là gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Đối với người đảng viên Đảng
Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công
nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, thì điều đầu tiên và vô luận trong
mọi hoàn cảnh phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Ở đây, chính
là việc người đảng viên thực hiện trọng vẹn lời hứa tại Lễ kết nạp đảng viên và
giải quyết tốt ba mối quan hệ cơ bản của mỗi con người (với mình, với người và với việc).
Người đảng viên có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất
bại tạm thời... cũng không rụt rè lùi bước, khi gặp thuận lợi và thành công,
vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, khiêm tốn, chất phác, không công thần, địa vị,
kèn cựa hưởng thụ, thật sự trở thành người “lo
trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Người đảng viên thật sự có đức thì bao
giờ cũng luôn cố gắng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện năng lực để hoàn
thành mọi nhiệm vụ được giao.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, lớp lớp đội ngũ cán bộ, đảng viên trong
quân đội luôn không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trở thành hạt nhân
lãnh đạo, trung tâm đoàn kết và là tấm gương sáng về tinh thần sẵn sàng chiến
đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào
cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua; thuyết phục, chinh phục cán bộ,
chiến sĩ thuộc quyền bằng chính đạo đức cách mạng, năng lực, trách nhiệm, tinh
thần chịu đựng, vượt qua khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực, phấn đấu hoàn
thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng Quân đội cách mạng, chính qui, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; luôn giữ vững
và không ngừng phát huy tốt phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” đặt ra yêu cầu
ngày càng cao đối với việc xây dựng, rèn luyện và phát huy tính tiền phong
gương mẫu, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội; nhất là đối
với đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp.
LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY
NĂM XƯA
Ngày 31 tháng 12
“Cá nhân chủ nghĩa đẻ ra hàng trăm tính xấu như siêng ăn, biếng làm, kèn
cựa, nghĩ đến mình không nghĩ đến đồng bào, tham danh lợi, địa vị.v.v...”[3].
Là lời dạy của Chủ
tịch Hồ Chí minh tại buổi nói chuyện với giáo viên và học sinh Trường Phổ thông
cấp III Chu Văn An - Hà Nội ngày 31 tháng 12 năm 1958.
Chủ nghĩa cá nhân
được Hồ Chí Minh ví như “giặc nội xâm”,
“giặc trong lòng” và nó như một thứ vi trùng độc hại, là rác rưởi làm tha
hóa các mối quan hệ vốn có của mỗi cán bộ,
đảng viên. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng. Tóm lại, do cá
nhân chủ nghĩa mà cán bộ, đảng viên phạm nhiều sai lầm, cần phải kiên quyết đấu
tranh, sửa chữa, quét sạch.
Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XI của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra tội ác của chủ nghĩa cá nhân; đó là: Sống ích kỷ, sống thực
dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất
đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Từ sự
suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, muốn quét sạch chủ nghĩa
cá nhân, đòi
hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn học tập để nâng cao và thấm nhuần đạo đức
cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận; nâng cao
dân trí, thực hiện và phát huy quyền dân chủ thực sự và rộng rãi, tăng cường
mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ giữa Đảng với quần chúng nhân dân; nâng cao
chất lượng sinh hoạt đảng, đề cao tự phê bình và phê bình và tích cực xây dựng
cái đúng, cái tốt, cái đẹp, để dẹp cái xấu, lấy xây là chính... Quan niệm và những
chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả về lý luận và thực tiễn, nhằm phòng tránh,
đấu tranh hiệu quả chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng có giá trị lâu dài và tính
thời sự cấp thiết.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh
sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân
công tác, đội quân lao động sản xuất; đặt ra yêu cầu cao về tính tập thể, về mối
quan hệ gắn bó đồng chí, đồng đội, quan hệ quân - dân... đã trở thành lời thề
danh dự của người quân nhân, tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân
đội ta, được nhân dân yêu mến, tin tưởng tặng cho danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”./.
No comments:
Post a Comment