Saturday, April 30, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 01/5/1952

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[1].

Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952.

Sau 4 năm phát động, từ năm 1948 đến năm 1952, phong trào thi đua ái quốc đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Để tiếp tục cổ vũ, tuyên dương và mở rộng phong trào thi đua, từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 06 tháng 5 năm 1952, tại Việt Bắc, Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu đã được tổ chức. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khởi xướng phong trào thi đua ái quốc đến dự và phát biểu; Bác đặc biệt nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.  

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, đem hết sức mình tham gia kháng chiến và kiến quốc thành công. Từ đó phong trào thi đua đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng qua các thời kỳ, trong các tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang, với nhiều nội dung phong phú và hình thức sinh động, góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện lời Bác dạy, phong trào thi đua yêu nước đã được cụ thể hoá thành phong trào thi đua Quyết thắng trong quân đội cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân hưởng ứng góp phần thực hiện tốt các khâu đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, khơi dậy ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Toàn quân xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực công tác, trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.



LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 30/4/1966

“Đồng bào, cán bộ và quân đội ta quyết không được vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch. Cần phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác và chí khí chiến đấu”[1].

Là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư khen quân và dân miền bắc bắn rơi 1.000 máy bay Mỹ được Bác viết ngày 30 tháng 4 năm 1966 và đăng trên Báo Nhân dân số 4408, ngày 1 tháng 5 năm 1966.

Đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh Đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã bị quân và dân ta đánh bại. Song, đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh Cục bộ”, tăng cường quân Mỹ vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng sức mạnh không quân và hải quân, hòng buộc phía Việt Nam phải ngồi vào đàm phán theo các điều kiện ép buộc do Mỹ soạn thảo. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh, quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, phát huy vai trò hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng hai nước Lào và Campuchia. Với chiến công bắn hạ 1.000 máy bay Mỹ đã làm thất bại quyết tâm chiến lược của đế quốc Mỹ, không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh của quân và dân miền Bắc, cùng với quân và dân miền Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà.

Lời Bác căn dặn, được quân và dân miền Bắc khắc ghi và thực hiện nghiêm, trở thành sức mạnh để tiếp tục đánh bại chiến dịch đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ lần thứ 2, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972 - đòn đánh quyết định cuối cùng, buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân viễn chinh và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, mở ra thời cơ chiến lược lớn để quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông đất nước về một mối.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn xây tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thành thục kỹ, chiến thuật tác chiến, làm chủ các loại vũ khí, trang bị. Nâng cao cảnh giác cánh mạng, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, quyết không để bị động, bất ngờ. Kiên quyết đấu tranh với các luận điệu chống phá, xuyên tạc chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong thời bình và những nhận thức giản đơn, coi nhẹ nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng - an ninh, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ tranh nhân dân./.

Thursday, April 28, 2022

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 29/4/1963 “Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ. Làm mọi việc phải đi sâu, đi sát, phải tránh chủ quan, phải có kế hoạch chu đáo, phải có quyết tâm bền bỉ”[1].

Trích trong bài nói chuyện của Bác tại Hội nghị cán bộ ngành Công an năm 1963.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện Công an nhân dân thành một lực lượng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Người luôn nhắc nhở rằng, người chiến sĩ công an sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu là người lính có lý tưởng cao cả, kiên quyết hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Thực tế lịch sử đã chứng minh, dưới lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, lực lượng công an luôn dũng cảm trong chiến đấu, giữ vững bản chất cách mạng, ý chí chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong cuộc chiến giữ gìn an ninh nội bộ và xây dựng thế trận an ninh nhân dân.

Nội dung, ý nghĩa trong lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành riêng cho lực lượng công an, mà còn dành cho các cấp, các ngành, các lực lượng; trong đó có Quân đội nhân dân. Sức mạnh chiến đấu của quân đội phải được bắt đầu từ sức mạnh đoàn kết nội bộ. Nội bộ thống nhất, chặt chẽ mới có thể đưa mọi việc được triển khai đồng bộ; phải nghiên cứu kỹ mọi việc, lập kế hoạch sâu sát, tỉ mỉ trước khi thi hành để đảm bảo chắc chắn thành công. Nghiên cứu công việc kỹ lưỡng chưa đủ, khi thực thi còn phải thận trọng và không được chủ quan mới có thể đi đến đích thắng lợi. Suy rộng ra, đoàn kết nội bộ ở đây cũng có nghĩa là đoàn kết nội bộ Đảng, đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Muốn làm được điều đó mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, mà trước tiên là cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp phải tiền phong gương mẫu chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, giữ gìn đoàn kết nội bộ tốt, có tác phong lãnh đạo dân chủ, quần chúng, sâu sát, cụ thể, tới nơi, tới chốn và thực hành nêu gương trước cấp dưới và quần chúng. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, chủ nghĩa kinh nghiệm, độc đoán, gia trưởng, xa rời, lãnh cảm với cấp dưới và quần chúng…



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 14, tr.72.

Wednesday, April 27, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

  


Ngày 28/04/1962

“Trước hết, quân đội nhất định phải có anh hùng. Lúc kháng kháng chiến có anh hùng, sao nay lại không có anh hùng? Khi kháng chiến anh hùng cách khác… Có phải không có chiến tranh thì quân đội không có anh hùng?”[1]

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề chuẩn bị Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua năm 1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự thiếu sót trong việc phong danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua, Người khẳng định một yêu cầu tất yếu là trong quân đội phải có anh hùng, anh hùng không chỉ trong thời chiến mà nay trong thời bình cũng phải có, đó có thể là những người tham gia xây dựng quân đội vững mạnh, là những chiến sĩ không ngừng học tập, thao luyện, sản xuất. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta còn làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, xây dựng Quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỷ cương; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, làm chủ các loại vũ khí, khí tài hiện đại, trình độ chỉ huy, tác chiến, nghệ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và chiến thắng trong điều kiện tác chiến địch có sử dụng vũ khí công nghệ cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Toàn quân phải đẩy mạnh phòng trào thi đua Quyết thắng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, giành thành tích cao nhất, để ngày càng có nhiều gương anh hùng, điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực công tác, mới xứng đáng với tình cảm và mong muốn Bác giành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Tuesday, April 26, 2022

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 27/4/1948

“Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong Quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thì mỗi chiến sĩ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”[1].

Trong tư tưởng quân sự của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức một cách sâu sắc rằng người chiến sĩ chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Người chiến sĩ quân đội mới phải có bản lĩnh chính trị, tri thức về quân sự, trình độ văn hoá và sức khoẻ dồi dào, là những con người dám “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lời dạy trên được Bác viết trong Thư gửi Quân sự Tập san năm 1948.

Việc học, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải quán triệt quan điểm “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”. Bác nói về mục đích của học tập: “Học để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học”. Người cũng chỉ ra phương pháp học tập: “Học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học nhân dân”. Quá trình lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm và đúc kết kiến thức từ thực tiễn.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện trong quân đội được đổi mới theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, cũng như yêu cầu tác chiến trong điều kiện sử dụng vũ khí công nghệ cao; chú trọng diễn tập hiệp đồng quân - binh chủng, diễn tập cơ động và diễn tập khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới, nhất là tác chiến trên biển, đảo. Xây dựng Quân đội nhân dân từng bước hiện đại, đòi hỏi phải đồng bộ cả con người và vũ khí, trang bị. Trước hết phải nâng cao chất lượng tuyển quân và chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện, để mỗi quân nhân, nhất là đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ kỹ, chiến thuật tốt, có tư duy đổi mới, nhạy bén, sáng tạo; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khoa học - công nghệ, ngoại ngữ, tin học ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ và ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, khoa học kỹ thuật, vững về bản lĩnh, giỏi về chuyên môn, phải thường xuyên học tập, học suốt đời, kiên quyết đấu tranh với bệnh tự mãn, lười học tập, rèn luyện.

 



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr.511.

Monday, April 25, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 26/4/1951

Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”.[1]

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18 năm 1951: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”

Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của một quân đội cách mạng, vừa là một trong những cơ sở tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Người đã chỉ rõ cho đội ngũ cán bộ quân đội phải luôn chăm lo đến đơn vị, sống tran hòa, đồng cam cộng khổ với bộ đội thì bộ đội nhất định tin và nghe theo: “Đối với binh sĩ, thì lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh”. Và Người khẳng định: “Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”.

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, mối quan hệ cán - binh được xây dựng trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, đồng đội, được tôi luyện, thiết lập vững chắc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một biểu tượng cao đẹp của người quân nhân cách mạng.

Thấu triệt lời Bác dạy, đội ngũ cán bộ các cấp trong quân đội nghiêm túc tự phê bình và phê bình, nêu cao tinh thần cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, gương mẫu để bộ đội học tập, noi theo; xây dựng tinh thần tự giác trong bộ đội, trở thành lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng: Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”.

Trong giai đoạn hiện nay, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội hằng ngày một cách chu đáo, không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, sự nêu gương của người cán bộ đối với bộ đội. Đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân với tay” thì cấp dưới sẽ kính trọng, coi lãnh đạo, chỉ huy của mình “như đầu, như óc”, như người thân trong gia đình; từ đó, bộ đội sẽ mang hết khả năng để thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh một cách tự giác và có hiệu quả cao nhất. Bởi vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội phải luôn là hạt nhân đoàn kết, thống nhất; kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm… thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc của quân đội trong thời đại Hồ Chí Minh.

Sunday, April 24, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 25/4/1961

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công”[1].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Bài nói chuyện tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II năm 1961. Người muốn gửi đến quốc dân đồng bào thông điệp về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thực sự. Thấy rõ vai trò quan trọng của đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Theo Bác, để giải phóng một dân tộc cũng như để xây dựng một chế độ mới đều cần huy động sức mạnh toàn dân. Đoàn kết toàn dân vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng và là mục tiêu đấu tranh trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang bản sắc riêng nhưng đều nằm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vì vậy Người kêu gọi đồng bào các dân tộc không phân biệt Kinh hay Thổ, Mường hay Mán,…phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để cùng xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc. Với các tôn giáo, Người nhắc nhở phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân tộc. Phải đoàn kết giữa đời và đạo, giữa yêu nước và phụng đạo. Dù là lương hay giáo, đồng bào cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc. Người nhắn nhủ:  đoàn kết thì thành công và đại đoàn kết thì sẽ đại thành công.

Thực hiện lời Bác dạy về sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn đề cao thực hành và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó và đã trở thành lời thề danh dự của người quân nhân. Tinh thần hệ đoàn kết trong quân đội, nhất là đoàn kết trong cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì ngày càng vững chắc; cán bộ, chiến sĩ thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Toàn quân đoàn kết, thống nhất một lòng trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, phấn đấu thực hiện mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thực hiện chức năng đội quân công tác và tiếp tục phát huy tốt mối quan hệ đoàn kết quân dân, thực hiện quân với dân một ý chí, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải luôn sát cánh cùng nhân dân, kính trọng dân, giúp đỡ dân và bảo vệ dân. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn xung kích đi đầu trong giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, chung sức xây dựng nông thôn mới… góp phần quan trọng vào việc xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.


Saturday, April 23, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 24/4/1965

“Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng...”[1].

Trích trong Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng Hội Nhà báo Á-Phi, năm 1965. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm báo, trước hết là chiến sĩ cách mạng - người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phải đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ công tác quan trọng Đảng, Nhà nước giao cho. Hơn nữa, người làm báo nắm trong tay công cụ, phương tiện thông tin đại chúng cực kỳ quan trọng đối với đời sống xã hội hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng nước ta. Người căn dặn những người làm báo Việt Nam “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Là một bộ phận của báo chí cách mạng Việt Nam, là thành tố quan 
trọng trong hoạt động CTĐ, CTCT, báo chí quân đội có vai trò 
quan trọng đối với việc giữ vững phương hướng chính trị của Đảng, bảo đảm 
cho đường lối quân sự của Đảng được quán triệt sâu sắc, được tuyên truyền 
sâu rộng và thực hiện sáng tạo, hiệu quả trong quân đội. Báo chí quân đội còn 
có vai trò quan trọng cung cấp thông tin định hướng dư luận, tuyên truyền 
giáo dục nhằm không ngừng nâng cao giác ngộ chính trị, củng cố niềm tin, 
tăng cường sự nhất trí về chính trị tư tưởng, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ thành 
người quân nhân cách mạng, góp phần vào xây dựng lực lượng vũ trang nhân 
dân vững mạnh về chính trị, xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh 
nhuệ, từng bước hiện đại. Hiện nay, đội ngũ phóng viên báo chí quân đội đã có 
chuyển biến trên nhiều mặt được đào tạo cơ bản với trên 85% trình độ đại học 
và trên đại học, được rèn luyện trưởng thành trong thực tế, đại bộ phận báo 
chí trong quân đội đều khẳng định được vị trí và phát huy tốt vai trò của 
mình, uy tín tốt, thực sự là diễn đàn tin cậy của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.  Cùng với đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, lực lượng cộng tác viên cũng có vai trò rất quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền để kịp thời phản ánh tình hình của các cơ quan, đơn vị; đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch… của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đến với bộ đội. Do đó, đối với mỗi phóng viên, mỗi cộng tác viên của các cơ quan báo chí quân đội phải luôn trau dồi phẩm chất chính trị vững vàng, có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng; tăng cường kỷ luật kỷ cương; phải luôn coi mình là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh chống lại các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động thông tin bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, định hướng dư luận xã hội, hướng quân và dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Friday, April 22, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 



Ngày 23/4/1952

“Chính sách của chúng ta vốn là chính sách thực hiện hòa bình và ủng hộ hòa bình. Song hòa bình ắt phải ra sức tranh lấy, phải dùng lực lượng tranh lấy, phải do kháng chiến thắng lợi mà tranh lấy. Quyết không nên ảo tưởng không ngồi chờ nó đến”[1].

Trích trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II tháng 4 năm 1952 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hoà bình và luôn tôn trọng mối quan hệ với các dân tộc anh em, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại diện tiêu biểu cho lẽ sống đó. Khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua mong muốn giải quyết xung đột giữa các dân tộc bằng con đường đàm phán hòa bình, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng khi hoàn toàn không còn khả năng đàm phán. Không chỉ vậy, ngay cả khi chiến tranh đã bùng nổ, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục kiếm tìm giải pháp thương lượng hòa bình với điều kiện tiên quyết là kẻ thù phải thực sự tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Tư tưởng hòa hiếu, khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ khi kẻ thù sa lầy và muốn xuống thang chiến tranh thì sẵn sàng đàm phán để kẻ thù rút lui. Hồ Chí Minh cho rằng, đánh giặc không phải là tiêu diệt hết lực lượng của đội quân xâm lược, mà chủ yếu là đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Thiết tha yêu chuộng hòa bình, cố gắng giải quyết mọi xung đột bằng con đường đàm phán hòa bình, kể cả phải chấp nhận một sự nhân nhượng có nguyên tắc, nhưng cũng kiên quyết chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược với ý chí và quyết tâm dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập; chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ  để bảo vệ hòa bình một cách thực sự.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, Đảng, Nhà nước tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển". Song, chúng ta cũng luôn nêu cao cảnh giác, không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Muốn vậy, phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả nước. Đó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao; khi đất nước xảy ra chiến tranh thì “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; trong đó quân đội luôn là lực lượng nòng cốt.

Cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo lời Bác dạy, được thể hiện sâu đậm ở bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; luôn nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, sớm phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá chế độ chính trị, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, giữ vững hòa bình, ổn định, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. 


Thursday, April 21, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 22/4/1952

“Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi”[1].

Trích trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, tháng 4 năm 1952 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định giai cấp công nhân là giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất, là hạt nhân của khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức; bởi họ là giai cấp kiên quyết, triệt để, có tổ chức, có kỷ luật, đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ. Do đó, khi phân tích đặc điểm của các giai cấp trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chỉ có giai cấp công nhân mới gánh vác được sứ mệnh lãnh đạo toàn dân đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc để xây dựng một xã hội mới. Để hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang đó, giai cấp công nhân phải có chính Đảng cách mạng với chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt.

Giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân và là đội quân chủ lực của cách mạng. Tuy vậy, họ không thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng vì họ không gắn liền với một phương thức sản xuất mới và không có hệ tư tưởng độc lập, họ cũng không có khả năng tự xây dựng một chế độ xã hội mới. Đánh giá đúng vị trí, vai trò của từng giai cấp và các tầng lớp trong xã hội Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, phát triển những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và thành công trong việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam - một nước thuộc địa, nửa phong kiến với việc bổ sung phong trào yêu nước cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Người đã nhận rõ sức mạnh to lớn từ phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà lực lượng đông đảo, nòng cốt là giai cấp nông dân.

Trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định rõ: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Tuy thành phần xuất thân, thành phần giai cấp của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đa dạng, song cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác giáo dục, xây dựng bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, thực hiện toàn quân một ý chí; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

 



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 7, tr.392.

Wednesday, April 20, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 21/4/1942

“Biết đồng sức,

Biết đồng lòng,

Việc gì khó,

Cũng làm xong”[1].

Là những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài thơ Hòn Đá, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 123, ra ngày 21 tháng 4 năm 1942.

Bài thơ “Hòn đá” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người sáng tác trong thời kỳ vận động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ bởi các thế lực thực dân, phong kiến cấu kết với nhau hòng ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Người đã dùng hòn đá làm nên một hình tượng văn học rất gần gũi, giản dị khiến mọi người, từ già đến trẻ ai cũng hiểu “Hòn đá” ấy là những thế lực nào; bọn chúng dù có xảo quyệt, ngoan cố và tàn bạo đến đâu thì với sự đoàn kết, nhất trí, triệu người như một, đồng lòng hiệp lực nhất định cuối cùng nhân dân ta cũng sẽ giành được thắng lợi.

Đoàn kết luôn là yếu tố hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh; vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn quân và đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Thực tế lịch sử đã chứng minh, nhờ đoàn kết, chung sức, chung lòng, nhân dân Việt Nam đã luôn chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược, dù đó là kẻ địch lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Do đó, trong bài thơ “Hòn đá”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định hòn đá dù to và nặng thế nào nhưng nếu nhiều người đoàn kết lại sẽ nhấc được nó một cách dễ dàng. Ngược lại, nếu không đoàn kết, chỉ thực hiện một cách đơn lẻ thì sẽ không bao giờ thực hiện được. Suy rộng ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói rằng, nếu chúng ta biết đoàn kết thì kẻ thù lớn như hòn đá nặng kia, sớm muộn cũng sẽ bị tiêu diệt. Đoàn kết chiến thắng giặc ngoại xâm, đồng thời đoàn kết cũng là cội nguồn thắng lợi của mọi việc.

Đoàn kết thống nhất là một vấn đề thuộc về truyền thống, bản chất và nguyên tắc xây dựng của Quân đội ta. Vì vậy, việc quán triệt và vận dụng những quan điểm về đoàn kết, thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là một nhiệm vụ thường xuyên, là nền tảng quan trọng làm nên bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của quân đội, là lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng; là nguồn cội tạo nên sức mạnh để Quân đội ta “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Thực tế đã chỉ rõ, thành công trong xây dựng và thắng lợi trong chiến đấu là bắt nguồn từ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa nhân dân và bộ đội, tiền tuyến và hậu phương, cán bộ và chiến sĩ. Quân đội ta là một quân đội cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta là những người cùng lý tưởng, bình đẳng về chính trị, thống nhất về mục tiêu và nhiệm vụ chiến đấu. Mối quan hệ trên dưới, quan hệ cán bộ và chiến sĩ trong quân đội ta được xây dựng trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí giữa những người bạn chiến đấu chung một lý tưởng. Vì vậy, trong quan hệ hằng ngày đối với đồng chí, đồng đội thì phải thực sự thương yêu, lấy tập thể làm gia đình, lấy đồng chí, đồng đội làm anh em, đơn vị là nhà; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, đồng cam cộng khổ, tin tưởng lẫn nhau, quan tâm giúp đỡ để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh với bệnh thờ ơ, vô cảm, quân phiệt… làm ảnh hưởng đến truyền thống đoàn kết tốt đẹp trong cán bộ, chiến sĩ, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

 



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 3, tr.270.