Tuesday, May 31, 2022

 

NHẶT ĐƯỢC CỦA RƠI TRẢ NGƯỜI ĐÁNH MẤT

                                                  Thiếu úy Trần Thiện,

CTVp, c6,d3, Lữ đoàn 22

 

Khoảng 17 giờ ngày 27/03/2022, chiến sĩ mới Nguyễn Thế Lực, Trung đội 8, Đại đội 6, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 22, Quân đoàn 4 trong giờ thể thao, tăng gia sản xuất, thấy một chiếc ví của ai đó đánh rơi ở ven đường công viên đơn vị.

Không chút do dự, Lực đã nhanh chóng mang chiếc ví đến báo cáo với chỉ huy đơn vị. Qua kiểm tra trong ví có số tiền 2.730.000đ (hai triệu bảy trăm ba mươi nghìn đồng) và các loại giấy tờ khác: Căn cước công dân, Giấy phép lái xe mang tên Võ Văn Hiếu là đồng đội vừa nhập ngũ huấn luyện chiến sĩ mới cùng Lực.

Nhận lại chiếc ví, Võ Văn Hiếu xúc động cho biết: “Khi biết bị mất ví, trong đó có giấy tờ tùy thân, tôi rất lo bởi làm lại các loại giấy tờ này mất nhiều thời gian, mà tôi lại mới nhập ngũ. Vì thế, khi được đồng chí Lực nhặt được và trả lại, tôi rất mừng. Tôi cảm ơn đồng chí Lực rất nhiều”.

Phát biểu cảm nghĩ về hành động của mình, Lực cười nói: “Hồi còn nhỏ, tôi được bố mẹ và thầy cô dạy, không được lấy của ai vật gì và nếu có nhặt được thì cũng tìm cách trả lại cho người bị mất. Bây giờ, vừa mới nhập ngũ được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, được học tập và công tác trong Lữ đoàn tăng thiết giáp 22 anh hùng, tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với gia đình, quân đội và đất nước. Vì vậy, khi nhặt được của rơi, tôi đã nghĩ ngay đến việc tìm và trả cho người đã đánh mất. Đó là việc nên làm và tôi nghĩ, ai trong trường hợp này cũng sẽ làm như vậy”.

Trò chuyện với đồng chí đại úy Phạm Kim Thành, chính trị viên đại đội 6 được biết: Đơn vị vừa mới tiếp nhận chiến sĩ mới, Binh nhì Nguyễn Thế Lực đã thể hiện được tinh thần tương thân, tương ái, không tham của rơi, cần được nhân rộng và phát huy. Hành động “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” của Binh nhì Nguyễn Thế Lực là tấm gương sáng đã góp phần lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ”.

 

 

TIỂU ĐOÀN 8, TRUNG ĐOÀN 31, SƯ ĐOÀN 309

THỰC HIỆN TỐT MÔ HÌNH ĐƠN VỊ BA NHẤT

Trung úy Lê Văn Nhật Đức

Chính trị viên c5, d8, Trung đoàn 31

Trong không gian thoáng mát, rợp bóng cây trên thao trường huấn luyện chiến thuật của đơn vị; hiệu lệnh còi nghỉ giải lao của đồng chí trực ban đại đội vang lên, các CSM lại quây quần, tham gia vui chơi giải trí, đọc sách báo lồng ghép với phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật trên thao trường, bãi tập. Hôm nay, đồng chí Chính trị viên Đại đội lại khéo léo nêu các tình huống có thể dẫn đến vi phạm kỷ luật trong huấn luyện, SSCĐ và công tác hằng ngày bằng câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu để cán bộ, chiến sĩ tham gia. Binh nhì Nguyễn Hữu Phát, chiến sĩ mới Trung đội 2, Đại đội 5 cho rằng: “Cách trao đổi như vậy giúp chúng tôi vừa thư giãn sau giờ tập, vừa củng cố kiến thức và tự tin chấp hành nghiêm kỷ luật”.

Năm 2022, Tiểu đoàn 8 tiếp nhận, quản lí và huấn luyện chiến sĩ mới thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ trên, Đảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhất là trong quản lí, huấn luyện chiến sĩ mới.

Triển khai thực hiện Quyết nghị của Đảng ủy Sư đoàn về việc thực hiện mô hình “Đơn vị ba nhất” (Chính trị tư tưởng tốt nhất; SSCĐ, huấn luyện tốt nhất; Chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn nghiêm nhất), Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều biện pháp đồng bộ, cụ thể. Lấy cấp đại đội làm đơn vị trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch thực hiện đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đơn vị, kết hợp tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ,  pano, bảng tin...

Các đơn vị trong Tiểu đoàn chú trọng tới việc xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, nhất là đối tượng chiến sĩ mới. Thông qua giáo dục đã bồi đắp cho các chiến sĩ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quân đội, tạo ra khí thế quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” đơn vị đã tuyên truyền về những tấm gương nghị lực, cá nhân có hành động đẹp, tập thể có cách làm hay, từ đó lan tỏa về những hình mẫu tích cực để cán bộ, chiến sĩ noi theo.

Song song với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đơn vị đã duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, tổ chức tuần tra, canh gác, kiểm soát quân sự chặt chẽ, nghiêm túc, đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tổ chức huấn luyện với phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” lấy thực hành làm chính, huấn luyện từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, kết hợp huấn luyện với rèn luyện bộ đội. Duy trì và thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, sắp đặt nhà ở, doanh trại, kho tàng gọn gàng, ngăn nắp. Cảnh quan môi trường được đầu tư, chăm sóc khang trang sạch đẹp; cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nếp sống văn hóa, lành mạnh đoàn kết, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Theo đồng chí Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Tiểu đoàn khẳng định: người cán bộ phải có nhiều biện pháp, phương pháp giáo dục, tạo hứng thú cho bộ đội trong những nội dung học tập, huấn luyện. Đây là một trong những biện pháp để thực hiện tốt mô hình “Đơn vị ba nhất”. Thực tế, 4 tháng đầu năm 2022, đơn vị luôn an toàn, cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Trung đoàn.

Có thể khẳng định, thực hiện mô hình “Đơn vị Ba nhất” với cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình đơn vị, Tiểu đoàn 8 đã tạo được hiệu ứng tốt, động viên và nâng cao kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, góp phần giữ vững bản lĩnh chính trị của người quân nhân cách mạng, nâng cao kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đơn vị an toàn tuyệt đối, thông qua đó, phong trào thi đua Quyết thắng được triển khai và thực hiện hiệu quả, sôi nổi trong toàn đoàn vị.

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 01/6/1946

“Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”[1].

Là chân lý thiêng liêng, cao cả của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, đăng trên Báo Cứu quốc, số 255 ngày 01 tháng 6 năm 1946.

Đầu năm 1946, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là nguy cơ thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu tâm trạng lo lắng và nguyện vọng thiết tha được độc lập, thống nhất Nam - Bắc một nhà của đồng bào miền Nam. Trước khi lên đường sang Paris để mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp, Người đã gửi thư bày tỏ sự đồng cảm và khơi dậy niềm tin của đồng bào Nam bộ vào thắng lợi tất yếu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thực tiễn sau 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chân lý trên đã trở thành hiện thực: Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, đan xen giữa thời cơ và thách thức; song Đảng ta luôn nhất quán với tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Thấm nhuần lời Bác dạy, Quân đội ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, trung thành tuyệt đối và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới; vào sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội trong tình hình mới. Quan tâm lãnh đạo tốt việc xây dựng mối đoàn kết, gắn bó cán bộ, chiến sĩ giữa các vùng miền, giữa người kinh với người dân tộc thiểu số; chăm lo bồi dưỡng nâng cao chất lượng huấn luyện đối với bộ đội là con em dân tộc ít người, vùng sâu, vùng sa; thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, làm tốt công tác dân vận góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch gây chia rẽ giữa các dân tộc anh em, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, t. 4, tr. 280.

Monday, May 30, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 31/5/1956

“Tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ của cách mạng, của dân tộc”[1].

Câu nói trên trích trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại hội chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 05 tháng 6 năm 1956, tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 354 đại biểu là chiến sĩ thi đua và đại diện cho các đơn vị tiên tiến thuộc ngành thương nghiệp cả nước.

Lời của Bác, khẳng định lợi ích của dân tộc phải được đặt lên trước lợi ích của cá nhân. Thực tiễn đã chứng minh, nước độc lập thì ai cũng được tự do; nếu mất nước thì ai cũng làm nô lệ. Cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi, không chỉ dân tộc được giải phóng mà các giai cấp, tầng lớp trong xã hội cũng được giải phóng. Quan điểm đó đã góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân và cả cộng đồng đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Quan điểm trên của Người, tiếp tục được Đảng ta vận dụng vào đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam; toàn bộ hoạt động của Đảng đều xuất phát và phục vụ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức, phai nhạt lý tưởng cách mạng, quá coi trọng đến lợi ích cá nhân, đã và đang làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, thì việc nắm vững những quan điểm của Người về đặt lợi ích chung của dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân có giá trị thực tiễn sâu sắc; là nội dung, phương hướng rèn luyện đạo đức của mỗi người theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Quân đội ta là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”, cán b, chiến sĩ trong toàn quân luôn thấm nhuần lời dạy của Bác về việc phải biết đặt lợi ích của đất nước lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân, kiên định với mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn; quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; luôn chủ động tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến  bình" của các thế lực thù địch; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

 

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, t. 10, tr. 334.

Sunday, May 29, 2022

 

NGƯỜI CÁN BỘ MẪU MỰC

Đại uý Hồ Huy Đức

Trợ lý Trinh sát d3, Lữ đoàn 434

Năng nổ, nhiệt tình, tận tụy trong công việc, sâu sát trong huấn luyện và quản lý bộ đội là những từ ngữ rất đúng để kể về anh: người Trung đội trưởng mẫu mực, “người thổi lửa” cho cả Trung đội.

Tôi gặp Lê Văn Hoàng, trung đội trưởng Trung đội 2 - Đại đội 7 trong buổi nắng tháng 4 gay gắt, cái nắng của mùa huấn luyện chiến sĩ mới. Thật khó có thời gian rảnh rỗi để trò chuyện cùng anh. Những hạt mồ hôi lấm tấm vất vả của buổi huấn luyện không làm mất đi sự vui vẻ và chân tình luôn hiện hữu trên khuôn mặt của anh.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất cố đô, một vùng đất đã đi vào lịch sử dân tộc, giàu lòng yêu nước và sục sôi khí thế quật khởi của những năm tháng kháng chiến hào hùng. Với truyền thống quý báu đó đã hun đúc cho người thanh niên trẻ tuổi những phẩm chất quý giá. Cũng như bao cậu bé khác cùng trang lứa. Ngay từ lúc biết đọc, biết viết, hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ, khoác trên mình bộ quân phục màu xanh, giữ chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biên cương của tổ quốc, gìn giữ từng tấc đất của quê hương đã trở thành niềm ước mơ cháy bỏng của Hoàng.

Hoàng tâm sự “ông nội mình và cả bố mình nữa đều là những người lính bộ đội Cụ Hồ. Ngay từ bé, dưới cánh võng trong những đêm trăng, ông đã kể cho mình nghe những câu chuyện về cuộc đời quân ngũ của ông, những câu chuyện vô cùng cảm động, thấm đẫm nước mắt nhưng chứa chan tình yêu thương, tình đồng chí đồng đội và sự dũng cảm của lớp cha ông đi trước. Kể từ ngày đó mình hiểu hơn về quân ngũ và nuôi dưỡng ước mơ lớn lên mình cũng sẽ là một người lính, cùng với thời gian niềm ước mơ đó lớn dần lên.

Không được may mắn như những bạn bè khác, hoàn cảnh kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, ngay từ bé Hoàng đã phải vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình. Thời gian học của Hoàng chỉ là vào lúc tối khuya, nhưng với lực học khá cộng với tinh thần ham học hỏi và sự phấn đấu miệt mài. Tốt nghiệp Trung học phổ thông, cậu học trò với dáng người nhỏ bé đã dăng ký dự thi vào trường Sĩ quan Pháo Binh, ngôi trường với cái tên mang hình ảnh hoàn toàn trái ngược với hình dáng nhỏ bé của Hoàng. Suốt 12 năm đèn sách đã không phụ lòng người học trò ham học hỏi. Hoàng đậu vào trường Sĩ quan Pháo Binh ngay từ lần thi đầu tiên với số điểm cao.

Trong suốt 4 năm học Hoàng là học viên có học lực luôn xếp vào tốp đầu của lớp. các môn học đều đạt kết quả cao, được đồng chí đồng đội và thầy cô giáo tin tưởng, nể phục. Hoàng tâm sự: “ngay từ bé mình biết hoàn cảnh gia đình mình, điều kiện kinh tế còn khó khăn, thi vào  trường quân đội là ước mơ nhưng cũng một phần để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, bản thân mình chưa thể nuôi dưỡng ba, mẹ nhưng cũng làm thế nào đó để ba, mẹ không phải lo lắng quá nhiều về mình”. Sau 4 năm học tập và rèn luyện tại trường sĩ quan Pháo Binh, bù lại sự hiếu thảo, miệt mài, chăm chỉ của Hoàng là tấm Bằng tốt nghiệp loại khá và Hoàng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Tốt nghiệp ra trường, Hoàng được phân công về công tác tại Đại đội 7 - Tiểu đoàn 3 - Lữ đoàn Pháo Binh 434, Quân đoàn 4. Với kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường đã giúp cho Hoàng nhanh chóng bắt nhịp với điều kiện huấn luyện, công tác mới. Anh tâm sự: thời gian đầu về đơn vị còn rất nhiều điều bỡ ngỡ, xa quê hương, xa người thân cộng với nét khác biệt giữa hai miền Nam Bắc là những điều khó khăn nhất đối với những sĩ quan trẻ mới ra trường như anh, và một điều khó lúc bấy giờ là phải vận dụng tìm tòi làm sao để những kiến thức được học trên ghế nhà trường phù hợp với tình hình thực tiễn ở đơn vị mình công tác, phù hợp với điều kiện huấn luyện và quản lý chiến sĩ mới. Với nhiệm vụ huấn luyện chuyên ngành pháo binh đã khó, nhưng còn khó khăn hơn khi anh vừa trên cương vị là người chỉ huy, người anh, người bạn của chiến sĩ mới. Hàng ngày thực hiện chế độ: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng chia sẻ” với bộ đội anh mới hiểu hết nỗi vất vả cực nhọc của từng chiến sĩ, nhiều chiến sĩ còn xem Hoàng như là người anh trai, tâm sự cùng anh những vất vả và buồn vui trong cuộc sống hàng ngày.

Kết thúc từng mùa huấn luyện lại đúc rút cho Hoàng thêm nhiều kinh nghiệm mới quý báu. Gặp Hoàng trong một buổi huấn luyện bắn súng AK tại thao trường, cái nắng tháng tư oi bức và gay gắt làm khuôn mặt Hoàng ướt đẫm mồ hôi, nhưng anh vẫn say sưa truyền dạy những động tác kỹ năng cho từng chiến sĩ. Đối với anh, quản lý và huấn luyện không phải là khó, mà gian nan nhất là việc nắm bắt được tâm tư, tình cảm của từng chiến sĩ để có cách động viên và đưa nội dung huấn luyện cho phù hợp.

Kết thúc kiểm tra công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2022, Hoàng là một trong số ít Trung đội trưởng nhận được sự khen ngợi của lãnh đạo, chỉ huy tiểu đoàn và lữ đoàn. Trong mùa huấn luyện chiến sĩ mới năm 2022, trung đội của Hoàng là đơn vị dẫn đầu trong đại đội trong thực hiện nhiệm vụ trên các mặt công tác. Qua đợt tham gia bắn tập AK bài 1 tư thế nằm trung đội của Hoàng là trung đội duy nhất đạt kết quả khá trong toàn đại đội .

Gặp gỡ một số chiến sĩ ở trung đội Hoàng, các em đã không hết lòng để kể về người anh mà các chiến sĩ vô cùng nể phục và yêu quý. Hà Gia Minh chiến sĩ trung đội 2 tâm sự “ngay từ hôm đầu vào nhập ngũ ai cũng lo lắng và đầy bỡ ngỡ, đầu tiên là những buổi thức dậy sớm, việc gấp xếp nội vụ vệ sinh sao cho vuông và đẹp, nỗi nhớ nhà khi lần đầu tiên phải xa ba mẹ… nhưng anh Hoàng luôn gặp gỡ động viên, tâm sự với chúng em như một người anh trai. Từ đó chúng em đã phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, quen dần với cuộc sống và môi trường quân đội. Trong từng buổi học anh luôn nắm bắt tâm lý từng người, ân cần hướng dẫn uốn nắn sửa sai. Được sự động viên, giúp đỡ kịp thời của anh, em và các đồng chí khác thêm tự tin thuần thục hơn trong mỗi động tác. Có nhiều chuyện em xem anh Hoàng như là anh trai, anh Hoàng như là một người giữ lửa cho cả trung đội…” nhiều và nhiều hơn thế nữa những tình cảm mà các chiến sĩ đã dành cho anh, người trung đội trưởng mẫu mực.

Trong thời gian tới còn nhiều nhiệm vụ vô cùng vất vả và khó khăn. Nhưng tôi tin với kiến thức Hoàng đang có cộng với tấm lòng của một người chỉ huy, một người anh, người bạn đối với chiến sĩ anh sẽ vượt qua tất cả. Chúc cho anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn là “người thổi lửa” cho cả trung đội, và anh sẽ ngày càng vững bước thành công trên con đường binh nghiệp mà mình đã chọn.

 

 

KINH NGHIỆM TRONG SỬ DỤNG HỆ THỐNG BẾP SỬ DỤNG

NHIÊN LIỆU DẦU DIEZEN 150K20 TẠI TIỂU ĐOÀN 2, LỮ ĐOÀN 434

                               Đại uý Nguyễn Tâm Châu

                 Chính trị viên c4, d2, Lữ đoàn 434

Hệ thống bếp sử dụng nhiên liệu dầu DIEZEN 150K20 thay thế hệ thống bếp hơi cũ tại Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 434 sau một thời gian sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội.

 Hệ thống được lắp đặt vào tháng 4/2021 thay thế hệ thống bếp hơi đốt bằng củi. Sau 1 năm lắp đặt và đi vào sử dụng Hệ thống bếp sử dụng nhiên liệu dầu DIEZEN 150K20 đã khẳng định được tính ưu việt hơn hẳn so với hệ thống bếp hơi cũ. Theo đồng chí Thiếu uý Trần Ngọc Nhật - Trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 434 cho biết “Nhiệt lượng hao phí giảm đáng kể nên chi phí tiêu hao nhiên liệu hàng tháng khi sử dụng đối với hệ thống bếp cũ giảm khoảng 10 % chi phí,  thời gian nấu giảm nhưng chất lượng cơm nấu và thức ăn ngon hơn so với hệ thống bếp cũ, bảo đảm an toàn hơn với hệ thống van xả và hệ thống còi báo tự động, quy trình vận hành đơn giản.  Bên cạnh đó giảm được số lượng nhân công phục vụ, nhà bếp gọn, sạch sẽ; hạn chế khói bụi độc hại, ô nhiễm môi trường... góp phần cải thiện điều kiện làm việc nuôi quân, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quy nhà ăn, nhà bếp”.

Tuy nhiên trong quá trình vận hành hệ thống bếp hơi sử dụng nhiên liệu dầu cần chú ý một số điểm như sau:

Cần nắm chắc quy trình vận hành của hệ thống bếp sử dụng nhiên liệu dầu DDIEZE, cần tập huấn cách vận hành, xử trí các tình huống, các sự cố trong quá trình sử dụng đối với nhân viên nấu ăn, và bộ phận phục vụ. Trước khi nấu ăn phải cấp nước đầy đủ cho (cụm bếp, bình nước tận dụng nhiệt, bình đun sôi nước). Trong quá trình nấu phải quan sát mức nước trong bình đựng nước của cụm bếp. Thấy cạn đến mức thấp hoặc còi báo phải nhanh chóng cấp nước, vì nếu không cấp nước kịp thời thì sau 5 phút gây quá nhiệt hệ thống sẽ tự ngắt điện làm ảnh hưởng đến quá trình nấu. Nghiêm cấm việc nấu ăn không có nước trong bình nước hoặc nấu chảo không.

Thường xuyên kiểm tra các hệ thống, thiết bị cảnh báo thiếu nước, xem có làm việc bình thường không, khi thấy các thiết bị cảnh báo không hoạt động cần kịp thời kiểm tra, bảo dưỡng, bảo đảm cho việc vận hành tin cậy. Đối với các hệ thống điện và đầu đốt không được dùng vòi nước để rửa, chỉ được sử dụng khăn ẩm để lau tránh bị chập điện.

Nhiên liệu sử dụng cần phải để gọn gàng đúng nơi quy định, kiểm tra  thường xuyên trước khi vận hành bếp đồng thời kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ ít nhất mỗi tháng một lần

Hệ thống bếp sử dụng nhiên liệu dầu DIEZEN 150K20 thay thế hệ thống bếp hơi cũ trong nhà ăn là bước phát triển mới của ngành hậu cần, là khâu đột phá quan trọng làm thay đổi đáng kể diện mạo nhà ăn, nhà bếp, mang lại hiệu quả, an toàn khi sử dụng, góp phần xây dựng nhà ăn, nhà bếp ngày càng chính quy, hiện đại, thiết thực nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội.

 

KINH NGHIỆM RÚT RA TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN

PHONG TRÀO THI ĐUA QUYẾT THẮNG Ở ĐOÀN BÌNH GIÃ ANH HÙNG

Thiếu tá Đinh Trần Đông

Trợ lý Tuyên huấn, Trung đoàn 1

Những năm qua, phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) của Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 luôn đổi mới toàn diện, phát triển mạnh mẽ, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phong trào TĐQT đã gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chỉ thị 05-CT/BCT của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh "học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới... Từ đó, Trung đoàn đã đột phá, khắc phục khâu yếu, việc khó; kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi đua với công tác khen thưởng, kịp thời động viên, thúc đẩy các tập thê, cá nhân phấn đấu vươn lên, khẳng định những thành tích và đỉnh cao mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị luôn bám sát chủ trương, biện pháp lãnh đạo của Đảng ủy Trung đoàn, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ có hiệu quả phong trào TĐQT và công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT); đội ngũ cán bộ gương mẫu trong lời nói, việc làm, thực sự là tấm gương tiêu biểu cổ vũ phong trào thi đua của đơn vị. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào TĐQT, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác TĐKT và phong trào TĐQT. Coi trọng xây dựng động cơ thi đua đúng đắn, khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Nội dung giáo dục cơ bản, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác TĐKT và phong trào TĐQT. Đặc biệt, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nắm vững các nội dung, chỉ tiêu thi đua, các biện pháp tổ chức thực hiện phong trào sát với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống “Đoàn Bình Giã” - Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ. Hình thức tuyên truyền, giáo dục phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng và được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn công tác tuyên truyền, giáo dục với triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu thi đua, hướng trọng tâm vào xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Việc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện phải gắn với tổ chức, nuôi dưỡng phong trào, tránh phô trương, hình thức.

Hai là, hướng các hoạt động phong trào TĐQT vào nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn giao thông. Để tạo đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nhiều đợt thi đua cao điểm, đột kích và mang lại hiệu quả thiết thực như: thi đua “Mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân Quyết thắng”, Phong trào thi đua “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, an toàn quyết thắng”, “Vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện rèn”, “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” kết hợp với thực hiện các mô hình “Chiến sĩ vượt khó trong tháng”, “Tuần học thanh niên, giờ học thanh niên tự quản”… Thông qua phong trào TĐQT cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn nhiệm vụ, có nỗ lực quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm trong tổ chức phong trào thi đua. Xác định chủ đề, nội dung, chỉ tiêu thi đua phải thiết thực, bám sát nhiệm vụ của đơn vị; kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua thường xuyên với các đợt thi đua đột kích để tạo đột phá vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Tổ chức nhiều hình thức thi đua phong phú, đa dạng, tránh trùng lặp, chung chung gây nhàm chán. Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua, phải duy trì thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót, lệch lạc. Kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức các phong trào thi đua với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Chú trọng đầu tư, chỉ đạo xây dựng điểm, kịp thời phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến trong đơn vị. Kế hoạch xây dựng điểm phải cụ thể, có lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc. Quá trình xây dựng phải kiên trì, tạo được điển hình, bồi dưỡng điển hình, làm cơ sở đúc rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó, tránh tình trạng “có phát nhưng không động” hoặc cầu toàn, chờ đợi. Thông qua phong trào thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng truyền thanh nội bộ Trung đoàn, Sư đoàn, Bản tin nội bộ Quân đoàn, kịp thời biểu dương gương “người tốt”, “việc tốt”; nhân rộng mô hình “ngôi nhà 100 đồng”, “Chiến sĩ vượt khó”, “Đơn vị huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”.

Bốn là, phát huy vai trò hội đồng TĐKT, tổ thi đua ở các cấp và vai trò của cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị đối với công tác TĐKT và phong trào TĐQT. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần xác định tổ chức thực hiện phong trào thi đua là một trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo hằng tháng, quý, năm. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; trên cơ sở đó, đưa công tác TĐKT và phong trào TĐQT phát triển đúng hướng. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần linh hoạt, sáng tạo, kết hợp giữa lãnh đạo công tác TĐKT và phong trào TĐQT với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Đồng thời phải đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức hoạt động và đánh giá kết quả của hội đồng (tổ) thi đua.

Năm là, kết hợp chặt chẽ phong trào TĐQT với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thực hiện Kết luận số 01/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các đợt thi đua đột kích trong huấn luyện, SSCĐ. Có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng biện pháp nêu gương, đề cao tình thương, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì. Tập trung rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tiêu chí “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên với kết quả tu dưỡng và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Gắn công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Xây dựng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ; gắn tiêu chuẩn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” với chức trách nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cán bộ mẫu mực trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, chế độ công tác”, “Mọi quân nhân gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn”. Đề cao trách nhiệm cấp trên làm gương mẫu mực, cấp dưới tích cực noi theo./.

 

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 30/5/1949

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”[1].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết: Thế nào là Cần, ký bút danh Lê Quyết Thắng, đăng trên báo Cứu quốc, số 1255, ra ngày 30 tháng 5 năm 1949. Bác đã đúc kết đức: cần, kiệm, liêm, chính là những phẩm chất cần phải có của mỗi con người, giống như quy luật tất yếu của tự nhiên. Mỗi người, nhất là những người có vị trí ảnh hưởng đối với xã hội, đối với cộng đồng phải luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành theo 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính; thiếu một đức tính cũng không thành người. Những lời dạy của Hồ Chí Minh về vai trò của cần, kiệm, liêm, chính đối với sự phát triển toàn diện con người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là những cơ sở khoa học, cách mạng để Đảng ta vận dụng trong chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài, vượt qua mọi cám dỗ, khó khăn, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra ngày càng nặng nề, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác về vai trò của các đức cần, kiệm, liêm, chính đối với sự hình thành phẩm chất, nhân cách của mỗi người; kiên định, vững vàng về lập trường, quan điểm; tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; quan tâm xây dựng đơn vị, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội; luôn nêu gương, đi đầu trong sinh hoạt, học tập, công tác, cổ vũ bộ đội phấn đấu học tập, noi theo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.