Monday, June 27, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 28/6/1966

 Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn[1].

Là nội dung huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục, họp tháng 6 năm 1957.

Theo Bác, trong giáo dục cần làm cho học sinh biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ cho học sinh luôn được vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, trẻ trung của tuổi thơ, được hưởng quyền dân chủ, được vui chơi và học hành tiến bộ, mang lại cho trẻ em niềm hạnh phúc khi được sống cùng cha mẹ. Để làm được điều đó, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của gia đình, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững của đất nước, luôn xác định gia đình là tế bào của xã hội. Ngày 28 tháng 6 năm 2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28 tháng 6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ngày Gia đình Việt Nam là dấu mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.

Hoạt động của Quân đội là loại hình lao động đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ cơ bản sống xa gia đình, gắn bó với đơn vị; do vậy, với mỗi người lính gia đình luôn có vị trí đặc biệt trong tâm tư, tình cảm và trách nhiệm của mỗi người. Để xây dựng được tinh thần đoàn kết đồng chí, đồng đội, gắn bó giữa bộ đội với cơ quan, đơn vị, các mô hình: “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”, “Đảo là nhà, tàu là nhà, biển cả là quê hương”, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”…đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực đã góp phần quan trọng xây dựng tinh thần đoàn kết đồng chí, đồng đội, đoàn kết quân dân và sự gắn bó của bộ đội với cơ quan, đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

No comments:

Post a Comment