Saturday, May 6, 2023

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 06/5/1950

“Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”[1]

Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập năm 1950. 

Trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng chế độ xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác huấn luyện và học tập. Từ việc xác định mục đích của việc học tập, Người đề ra yêu cầu, địa chỉ rõ ràng để mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên phấn đấu học tập, rèn luyện thường xuyên, hướng tới mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Lời dạy của Người có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, xác định rõ tầm quan trọng của việc học tập, nhất là học ở nhân dân, đó là môi trường học tập rộng lớn nhất, toàn diện nhất và hiệu quả nhất. Nhân dân không chỉ là đối tượng lãnh đạo, mà còn là người thầy lớn, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tiếp cận những kiến thức bổ ích, thiết thực trên mọi phương diện công tác và trong cuộc sống, vì “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, khi mọi tri thức đều có thể được số hóa, được cập nhật qua các phương tiện truyền thông hiện đại một cách nhanh chóng, phong phú, đa dạng, thì lời Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị đối với việc học tập, nhất là học ở nhân dân. Trong xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những ý kiến và trí tuệ của nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng, gợi mở ra nhiều điều mới mẻ, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân ủng hộ, dân giúp đỡ”.

Quân đội nhân dân Việt Nam, một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, càng thấm nhuần hơn nữa lời dạy của Người trong nhiệm vụ học tập, nâng cao trình độ tư duy lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, phương tiện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân càng phải gần gũi nhân dân, giúp đỡ nhân dân, dựa vào nhân dân và học hỏi nhân dân, để xứng đáng với tình cảm, sự quý trọng của nhân dân giành cho “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải luôn gương mẫu đi đầu trong tự học, tự rèn, học tập suốt đời; gần gũi với cấp dưới, với bộ đội, khiêm tốn, chân thành học hỏi cấp dưới, học hỏi nhân dân, nhất là những điều còn thiếu; thật sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết, xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.



[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr 361

No comments:

Post a Comment