Ngày 07/5/1958
“Lý luận kết
hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động”.[1]
Đó là lời dạy
của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II, năm 1958.
Lời dạy của
Người đối với sinh viên Việt Nam diễn ra trong bối cảnh miền Bắc đang thực hiện
Kế hoạch 3 năm lần thứ hai (1958- 1960). Cùng với các lĩnh vực khác, trên lĩnh
vực văn hóa, giáo dục, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp
phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tuy
nhiên, cũng có những vấn đề mới trong thực tiễn đặt ra, đòi hỏi phải kịp thời chấn chỉnh, định hướng; Bác đã chỉ rõ: “Lao động trí óc mà không lao
động chân tay, chỉ biết lý luận mà không thực hành thì cũng là tri thức có một
nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực
hành”. Lời dạy của Người chỉ ra phương châm giáo dục đào tạo
bao hàm cả lý luận và thực tiễn, lý thuyết với thực hành, Người xác định lao
động là quyền, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân đối với
Tổ quốc. Ai cũng phải tùy khả năng của mình mà tự nguyện, tự giác tham
gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà. Mỗi người phải nhận rõ: Lao động là vinh quang, lao động chân tay hay lao động trí óc đều là vẻ vang, đáng quý. Do vậy, học tập phải kết
hợp với lao động, sản xuất...
Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn
luyện, đào tạo trong quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp
ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm
túc với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác
huấn luyện, công tác giáo dục đào tạo và được cụ thể hóa thành 3 quan điểm, 8
nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện; trong đó, xác định lý luận liên hệ
với thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành, lấy thực hành làm chính. Kết hợp
chặt chẽ giữa huấn luyện, kiểm tra và diễn tập các cấp có bắn đạn thật để không
ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm
vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết quả công tác huấn luyện, đào tạo được xác định là một tiêu chí quan trọng, là thước đo để đánh giá năng lực lãnh
đạo, chỉ huy của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Bên cạnh việc thực hiện tốt chức
năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, quân đội luôn coi trọng và tiến hành có
hiệu quả chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trong tình
hình mới.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, tr 400.
No comments:
Post a Comment