Ngày 06/6/1955
“Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau,
người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người
cao thượng”[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong tác phẩm: “Đạo đức cách mạng”, với bút
danh C.B; đăng trên báo Nhân dân, số 460, ngày 06 tháng 6 năm 1955. Sau thắng lợi của cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp, đất nước bước vào thời kỳ kiến thiết, xây dựng chế
độ xã hội mới - chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa đặt ra rất nhiều khó khăn, thử
thách, đặc biệt là việc xây dựng đạo đức mới - đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc, vừa nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của
đạo đức cách mạng trong sự nghiệp cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới và
nhưng phải giữ được thuần phong, mỹ tục; đây cũng là tư tưởng chỉ đạo trong xây
dựng đạo đức mới. Đồng thời, khẳng định giá trị đạo đức ẩn chứa trong mỗi công
việc, gắn liền với phẩm chất năng lực của mỗi con người; nhắc nhở mỗi người
phải luôn giữ gìn đạo đức trong sáng dù trong hoàn cảnh nào, làm bất cứ công
việc gì, mới là là người cao thượng. Đạo đức là
gốc, là nền tảng của người cách mạng, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng
mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Hưởng ứng lời dạy của Bác, toàn Đảng, toàn
dân và toàn quân ta đã ra sức học tập, lao động, công tác, tu dưỡng đạo đức
cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh thi đua ái quốc, kiến
thiết nước nhà, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải
phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội trên
nền tảng vững chắc của đạo đức mới - đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay,
trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, lời Bác dạy vẫn
giữ nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta ra sức xây dựng
một xã hội học tập, xây dựng chuẩn mực đạo đức mới, con người mới; đẩy mạnh học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng,
đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc
của đời sống xã hội, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu
cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, vinh dự, tự hào
với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”,
mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn phải không ngừng học tập nâng cao trình độ
lý luận, trình độ quân sự, chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ vũ khí trang bị;
thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”,
sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực
lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong
tình hình mới.
No comments:
Post a Comment