Ngày 18 tháng 9
“Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm
khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình
và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình”[1].
Nguyễn Ái Quốc viết bài “Người cách mạng mẫu mực”, đăng trên báo Thanh Niên, số 61, năm 1926. Bài viết
nêu 12 điều đòi hỏi ở một người cách mạng, bao quát các mặt về lý tưởng, về
tinh thần hy sinh, về phẩm chất đạo đức, về phương pháp công tác. Người nhấn
mạnh: Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người
hay một nhà làm mà tốt được. Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải
phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên làm cách mạng thế giới, sẽ giải phóng toàn
nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt
Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng
viên - những người cách mạng suốt đời phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Bác, người cách mạng mẫu mực trước hết phải là người có đạo
đức cách mạng. Bởi “không có đạo đức thì
dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, có đạo đức cách mạng
thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước.
Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài
người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần,
thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất
rõ rệt, cao quý của đạo đức cách mạng.
Thấm nhuần tư tưởng về vị trí, vai trò
của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, đảng viên của
Đảng đã luôn phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu, trong các cuộc kháng chiến
chống ngoại xâm, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, đã có rất nhiều cán
bộ, đảng viên bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng hy sinh thân mình vì
độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện
nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng tiếp tục phát huy tính tiền phong gương
mẫu trên mọi lĩnh vực công tác đã góp phần làm nên những thành tựu bước đầu rất
quan trọng của công cuộc đổi mới.
Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng và
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn
luôn khắc ghi lời dạy của Người về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng
viên, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào
cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng,
Nhà nước và nhân dân, với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ
Hồ”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân
phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh mới trở thành người quân nhân kiểu mẫu, thật sự
xứng đáng là người quân nhân cách mạng của một Quân đội anh hùng.
LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
Ngày 19 tháng 9
“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu
ta phải cùng nhau giữ lấy nước”[2].
Đây là lời của Chủ tịch
Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong
(Sư đoàn 308/ Quân đoàn 1) chuẩn bị
về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Sau
thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ với Trung
ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ
đô gió ngàn” Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà
Nội do chính quyền Pháp bàn giao theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) về đình chiến
ở Đông Dương. Sáng ngày 19 tháng 9 năm 1954, sau khi tham
quan khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ,
chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô tại Đền Giếng trong khu
di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh,
xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ); Bác giảng giải nhiều điều và
Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy
nước”.
Làm theo lời Bác, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình
của Đảng, cách mạng Việt Nam đã vượt qua bảo thử thách, cam go, giành hết thắng
lợi này đến thắng lợi khác, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước
và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, đất nước ta đang trên đà đổi mới và không
ngừng phát triển; tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu, thủ
đoạn chống phá cách mạng nước ta. Khắc ghi lời Bác dạy năm xưa, toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam và xây dựng thành
công chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh.
Học tập và làm theo lời
Bác Hồ dạy, trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo,
giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt
Nam không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng là lực
lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong sự
nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu
trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân
làm theo lời Bác dạy với quyết tâm và trách nhiệm chính trị cao, với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, ý chí tự
lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ
nghĩa... như lời Bác căn dặn năm xưa.
LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY
NĂM XƯA
Ngày 20 tháng 9
“Cán bộ cần hoan nghênh ý kiến và những lời
phê bình của dân, để sửa chữa sai lầm”[3].
Là lời căn dặn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh trích trong thư thăm hỏi các đại biểu và tất cả các cán bộ và nhân
viên mậu dịch, Người viết ngày 20 tháng 9 năm 1951.
Đây là thời điểm nền kinh
tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh kéo dài, hàng hoá, nhu yếu
phẩm rất khan hiếm và được phân phối cho cán bộ và nhân dân theo chế độ tem
phiếu thông qua hệ thống các cửa hàng mậu dịch Nhà nước. Do vậy, đã nẩy sinh
rất nhiều bất cập, khó khăn cho cả phía cán bộ, nhân viên mậu dịch và nhân dân.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên Bác Hồ đã gửi thư và căn dặn cán bộ,
nhân viên ngành mậu dịch, theo Bác việc tự phê bình và tiếp thu phê bình đối
với người cán bộ, đảng viên như việc rửa mặt hằng ngày. Cấp trên phê bình, chưa
đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình
nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn.
Bởi lẽ, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ là bản chất của
Đảng và Nhà nước ta, cùng cơ chế: “Đảng
lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” luôn được quan tâm xây dựng,
bổ sung, hoàn thiện. Nhân dân cũng là lực lượng đông đảo, rộng khắp, họ thấy
rõ, thấy đầy đủ những thiếu sót cần phải phê bình, góp ý cụ thể cho cán bộ,
đảng viên. Trong cuộc đấu tranh chống các nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng
của Đảng, của đất nước hiện nay, một vũ khí không thể thiếu đó là công luận và
tiếng nói của nhân dân. Học tập và làm theo Bác, những năm qua, Đảng, Nhà nước,
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tạo môi trường, có các
chủ trương, chính sách, cơ chế, pháp luật để nhân dân tham gia giám sát, phê
bình cán bộ, đảng viên. Những ý kiến đóng góp của nhân dân đối với tổ chức đảng
và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ “có
chức, có quyền” là kênh thông tin quan trọng để họ vươn lên tự hoàn thiện
bản thân, có trách nhiệm với công việc, là cơ sở đề ra chủ trương, đường lối,
chính sách, pháp luật đúng đắn với lợi ích của đất nước và phù hợp với tâm tư,
nguyện vọng của nhân dân.
Thấu triệt lời Bác Hồ dạy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong
Quân đội luôn đề cao và duy trì nền nếp, không ngừng đổi mới, nâng cao chất
lượng, hiệu quả việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Định kỳ sáu tháng, một năm, tổ chức đảng tổ chức để mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị, chức
trách nhiệm vụ được giao thực hiện việc tự phê bình trước chi bộ, lấy ý kiến
phê bình của các tổ chức quần chúng trong đơn vị; ý kiến nhận xét của cấp uỷ,
chi bộ nơi cư trú theo đúng Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII
về việc đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng
ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Nội dung phê bình
toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, việc chấp hành đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm
vụ được giao; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham
nhũng, tiêu cực; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và các quy định của
địa phương, nơi cư trú. Tôn trọng ý kiến đóng góp của quần chúng, cán bộ, đảng
viên phải nghiêm túc tiếp thu, nhận khuyết điểm, định rõ thời gian, biện pháp khắc
phục sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm
vụ được giao.
No comments:
Post a Comment