Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ, miền Nam “đi trước về sau” là nơi hội tụ nhiều cán bộ, chiến sĩ
từ mọi miền đất nước về chiến đấu. Từ chiến trường này, không ít người trưởng
thành, trở thành tướng lĩnh, cán bộ quân sự cao cấp trong Quân đội nhân dân
Việt Nam. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là một người như thế. Trong màu áo quân phục,
bước chân của Ông trải nhiều chiến trường khắp cả nước, sang cả chiến trường
nước bạn. Và trên bước đường ấy, Ông có đến 10 năm chiến đấu ở chiến trường Nam
Bộ trong tổng cộng 35 năm quân ngũ. 10 năm không phải là tất cả, nhưng không
phải là ngắn trong lịch sử chiến đấu một đời người. 10 năm đủ để Ông gắn bó, hệ
lụy, và giao biến một phần phẩm cách của mình trong cái phẩm cách đặc thù của
đồng bào Nam Bộ.
Mùa thu năm 1949, Chính ủy Trung đoàn Sông Lô Hoàng
Thế Thiện có mặt trong phái đoàn quân sự Trung ương vào tăng cường cho chiến
trường Nam Bộ. Xuyên dọc vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh, Nam – Ngãi – Bình –
Phú, Liên khu 5, qua Đông Nam Bộ, Ông về đến chiến khu Đồng Tháp Mười trong lúc
chiến trường Nam Bộ đang bước vào giai đoạn hết sức khó khăn. Thực dân Pháp,
thực hiện kế hoạch của Ri-vơ (Revers) – tổng tham mưu trưởng lục quân Pháp,
thành lập chính phủ ngụy quyền tay sai Bảo Đại, phát triển ngụy quân, đẩy mạnh
bình định Nam Bộ với chiến thuật ô vuông “de la tuor” nhằm dồn quân ra chiến
trường chính Bắc Bộ. Đó cũng là thời điểm Xứ ủy Nam Bộ vừa kết thúc hội nghị
triển khai nhiệm vụ “tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công”. Hoàng Thế Thiện
được cử làm Phái viên kiểm tra thuộc Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Với kinh nghiệm nhiều
năm làm công tác Mặt trận Việt Minh ở địa phương và công tác chính trị trong
lực lượng vũ trang, Ông đến từng đơn vị quân đội, tìm hiểu và đề xuất nhiều ý
kiến với Bộ Tư lệnh và Xứ ủy Nam Bộ về xây dựng lực lượng vũ trang tập trung
mạnh nhằm thực hiện những đòn tấn công lớn làm chuyển biến cục diện chiến
trường.
Trong đà phát triển thuận lợi của cuộc kháng chiến từ
năm 1950, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về “gấp rút hoàn thành nhiệm vụ
chuyển mạnh sang tổng phản công”, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định giải thể các
liên trung đoàn địa phương, thiết lập các trung đoàn chủ lực, tiến hành hàng
loạt chiến dịch lớn nhằm phối hợp có hiệu quả với chiến trường Bắc Bộ, Trung Bộ
và Tây Nguyên. Cuối năm 1950, Hoàng Thế Thiện về thay Nguyễn Văn Sa làm Chính
ủy Trung đoàn Tây Đô (thành lập ngày 18 tháng 5 năm 1950) do Huỳnh Thủ làm
Trung đoàn trưởng. Cùng với việc củng cố, xây dựng trung đoàn chủ lực đầu tiên
ở Tây Nam Bộ, Ông tham gia chỉ huy các chiến dịch Long Châu Hà II, Sóc Trăng II
ở Châu Thành, Châu Phú A (tỉnh Long Châu Hà), Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Long Phú,
Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng). Cùng với lực lượng vũ trang địa phương, Trung đoàn
Tây Đô đã diệt hàng trăm tên địch, phá hủy, bức rút hàng chục đồn bót, tháp
canh, thu nhiều phương tiện chiến tranh, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du
kích ở địa phương, gây ảnh hưởng chính trị lớn đối với đồng bào tín đồ Hòa Hảo
và đồng bào Khơme vùng sau lưng địch.
Giữa năm 1951, chiến trường Nam Bộ được tổ chức lại,
giải thể các Khu để thành lập Phân Liên khu (miền Đông, miền Tây) và Đặc khu
(Sài Gòn – Chợ Lớn). Lực lượng vũ trang được sắp xếp lại. Bộ Tư lệnh Nam Bộ
giải thể các trung đoàn chủ lực để thành lập các tiểu đoàn chủ lực thuộc Phân
Liên khu và các tiểu đoàn tập trung thuộc các tỉnh mới. Trung đoàn Tây Đô giải
thể, Phân Liên khu miền Tây thành lập lại Trung đoàn Cửu Long. Hoàng Thế Thiện
về làm Chính ủy Trung đoàn và khi Trung đoàn này giải thể, Ông về giữ chức vụ
Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây. Ở cương
vị mới, Ông cùng cơ quan chính trị Bộ Tư lệnh Phân Liên khu đẩy mạnh công tác
đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang, tổ chức chỉnh huấn,
chỉnh Đảng, góp phần cùng quân và dân Tây Nam Bộ đấu tranh giằng co quyết liệt
với địch, giữ vững phong trào kháng chiến, thực hiện công tác tôn giáo vận
trong đồng bào theo đạo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, thực
hiện tạm cấp ruộng đất và bảo vệ nhân dân sản xuất, phát triển văn hoá, giáo
dục, y tế, xã hội ở các địa phương vùng giải phóng – căn cứ địa. Trong giai
đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ông đã nỗ lực cùng hệ thống
chính trị trong Phân Liên khu vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào du kích
chiến tranh, phát triển tăng gia sản xuất, tiến hành chiến dịch địch – ngụy
vận, xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng, tuyên truyền thắng lợi của chiến
dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ, tổ chức lực lượng ở lại và tập kết
ra miền Bắc.
Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mới đi một nửa chặng
đường. Mùa thu cách 15 năm về trước, khi lần đầu tiên vào Nam trong phái đoàn
quân sự Trung ương, Hoàng Thế Thiện trở lại chiến trường Nam Bộ. Cách mạng miền
Nam đang trong giai đoạn cuối của chiến lược chiến tranh đặc biệt. Lực lượng vũ
trang cách mạng ở vào thời điểm tiền thành lập những “quả đấm” chủ lực mạnh.
Thượng tá Hoàng Thế Thiện về chiến trường miền Trung Nam Bộ, đảm trách nhiệm vụ
Phó Chính ủy Quân khu 8. Giữa năm 1965, Nhà Trắng buộc phải thay đổi chiến lược
chiến tranh, trực tiếp đưa quân viễn chinh chiến đấu vào Nam Việt Nam. Cần phải
có những đơn vị chủ lực mạnh hầu đối phó thắng lợi trong tình thế cường độ cuộc
chiến tranh được địch đẩy lên cao chưa từng thấy. Trên chiến trường Đông Nam
Bộ, lần lượt, các sư đoàn Quân giải phóng ra đời. Và Hoàng Thế Thiện được cử về
làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên Sư đoàn 9, Sư đoàn mà Bộ Chỉ
huy gồm những cán bộ quân sự xuất sắc như Hoàng Cầm, Lê Văn Tưởng, Nguyễn Thế
Bôn. Đối tượng tác chiến của Sư đoàn, ngoài các sắc lính ngụy, là những đơn vị
chiến đấu sừng sỏ và có truyền thống lâu đời vào loại bậc nhất của quân đội Mỹ.
Đó là lữ đoàn 173 không vận với sức cơ động nhanh chưa từng có trong chiến
tranh Việt Nam, sư đoàn bộ binh 1 “Anh cả đỏ” với biểu tượng chiếc mộc chắn
thời trung cổ, sư đoàn bộ binh cơ giới 25 “Tia chớp nhiệt đới” với nhiều bội
tinh từ cuộc Thế chiến thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Hoàng Thế Thiện đã
cùng Đảng ủy Sư đoàn lãnh đạo, xây dựng đơn vị đoàn kết, vững chắc về chính
trị, giỏi về kỹ thuật, chiến thuật đánh vận động, đánh công kiên, xác định
quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trước khi về nhận nhiệm vụ mới ở Mặt trận Tây
Nguyên, Ông đã cùng Sư đoàn tổ chức thắng lợi nhiều trận đánh ở Lai Khê, Đất
Cuốc, Bàu Bàng, Đồng Sở, Dầu Tiếng, Long Nguyên, cống hiến những kinh ngiệm quý
báu ban đầu về cách đánh quân viễn chinh Mỹ.
Sau thắng lợi của chiến dịch Đường 14 – Phước Long
tháng giêng năm 1975, Cách mạng miền Nam đứng trước tình thế một cuộc Tổng tiến
công chiến lược cuối cùng. Thiếu tướng Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn Hoàng Thế
Thiện, một lần nữa, được về lại chiến trường Nam Bộ, giữ trách nhiệm Chính ủy
đầu tiên Quân đoàn 4. Trong nhịp điệu hết sức khẩn trương những ngày đầu năm
1975, Quân đoàn 4 triển khai tiến công địch trên hai hướng: quốc lộ 13 và quốc
lộ 20. Trực tiếp chỉ huy lực lượng đánh địch trên hướng Dầu Tiếng – Chơn Thành,
Chính ủy Quân đoàn Hoàng Thế Thiện đã cùng các đơn vị bộ đội giải phóng quận lỵ
Dầu Tiếng, tiến công địch ở An Lộc – Chơn Thành, rồi lật cánh, cùng lực lượng
toàn Quân đoàn thực hành trận đánh 12 ngày đêm ở Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa
thép” phòng ngự phía đông của địch, phát triển đánh chiếm Trảng Bom, sân bay
quân sự, căn cứ quân khu 3, quân đoàn 3 ngụy ở thị xã Biên Hòa; từ đó tiến về
dinh Độc Lập, giải phóng thành phố Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch
sử. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ông cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 lãnh đạo,
chỉ huy bộ đội thực hành tiếp quản, quân quản thành phố Sài Gòn, cải huấn ngụy
quân, truy quét tàn quân địch và trấn áp lực lượng phản động, xây dựng bảo vệ
chính quyền cách mạng, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm trong thành phố, khắc
phục hậu quả chiến tranh, giải quyết chính sách thời hậu chiến, tham gia xây
dựng kinh tế, tổ chức lại đơn vị và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong điều
kiện lịch sử mới.
Có thể nói rằng, chặng đường chiến đấu của Thiếu tướng
Hoàng Thế Thiện ở Nam Bộ gắn liền với các đơn vị chủ lực, với quá trình xây
dựng, chiến đấu và công tác của lực lượng vũ trang chủ lực ở Nam Bộ, từ trung
đoàn đến cấp quân đoàn, quân khu. Ông có mặt hầu khắp chiến trường Nam Bộ, từ
miền Tây, miền Trung lên miền Đông và thành phố Sài Gòn, từ cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp cho đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ và những ngày tháng
sôi động sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Những gì Ông để lại cho lực
lượng vũ trang Nam Bộ là hình ảnh một cán bộ chính trị – quân sự kiên trung,
tận tuỵ, sâu sắc, mực thước và dung hậu. Với tư cách một người lính cầm súng,
trên dọc đường hành quân đánh giặc, Nam Bộ là nơi Ông dừng chân nhiều nhất,
cũng là nơi Ông dừng lại sau cùng.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ HỒ SƠN ĐÀI
Nguyên Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ và Môi
trường, Quân khu 7
No comments:
Post a Comment