Thursday, January 3, 2019

QUÂN ĐOÀN 4 HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM CỦA TỔ QUỐC VÀ LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ CAO CẢ TẠI ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP


       
      Ngày 17/4/1975, sau khi lật đổ quân đội Lon-Nol do Mỹ ủng hộ giành chính quyền, tập đoàn Pôn Pốt đã thực thi bước “đại nhảy vọt” bằng sự diệt chủng chưa từng có trong lịch sử đất nước Campuchia. Ngày 20/5/1975, Thường vụ Trung ương “Đảng Cộng sản Campuchia” đã quyết định 3 chủ trương cực kỳ phản động: (1) Làm sạch nội bộ nhân dân; (2) Xác định Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp; (3) Xây dựng xã hội mới mô phỏng cực đoan kiểu “Công xã”, mà thực chất là một dạng trại tập trung trá hình như thời Đức Quốc Xã.
        Với giấc mộng về một đế quốc Ăng-Co vĩ đại trong lịch sử, cùng sự kích động, hà hơi, tiếp sức của các thế lực bên ngoài, tập đoàn Pôn Pốt đã thực thi chính sách thù địch, xuyên tạc lịch sử, phá hủy quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa ba nước Đông Dương, tiến hành xâm lấn biên giới, giết hại dân thường, phá hoại nhà cửa, mùa màng và phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1975, khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất, Pôn Pốt đã cho quân đánh chiếm các đảo, biên giới Tây Nam nước ta. Ngày 3/5/1975, quân Pôn Pốt đánh chiếm đảo Phú Quốc; ngày 10/5 đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hơn 500 dân thường. Năm 1976, chúng gây ra 280 vụ xung đột trên 21 điểm biên giới, từ Kiên Giang, An Giang tới Tây Nguyên. Ngày 30/4/1977, quân Pôn Pốt đánh vào 14/16 xã biên giới thuộc tỉnh An Giang, tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát dã man dân thường. Ngày 25/9, Pôn Pốt tập trung 9 sư đoàn mở đợt tiến công lớn đánh vào địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh; riêng 3 xã thuộc các huyện Tân Biên, Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh), quân Pôn Pốt đã đốt phá 471 ngôi nhà, tàn sát trên 1.000 dân thường.
        Trước diễn biến mới của cuộc chiến tranh Bộ Tổng Tham mưu quyết định sử dụng Quân đoàn 4 phối hợp với lực lượng vũ trang Quân 5, 7,9 Quân đoàn 3 tiến công truy kích quân Pôn Pốt sâu vào đất Campuchia 20 - 30 km; đánh thiệt hại 5 sư đoàn, làm thất bại ý đồ tác chiến của địch. Ngày 31/12/1977, sợ ta đánh sâu vào nội địa, tập đoàn Pôn Pốt đưa chiến tranh biên giới ra trước dư luận thế giới, vu khống Quân đội Việt Nam “xâm lược Campuchia dân chủ”. Cũng trong ngày, ta đã ra tuyên bố vạch trần bộ mặt thật của chính quyền Pôn Pốt và đưa ra đề nghị 3 điểm: (1) Chấm dứt mọi hoạt động quân sự, rút lực lượng vũ trang cách biên giới 5km; (2) Hội đàm tiến tới kí hiệp ước hữu nghị và không xâm lược, kí hiệp ước về biên giới; (3) Thoả thuận về một hình thức thích hợp bảo đảm thông lệ quốc tế và giám sát quốc tế. Tinh thần và thái độ thiện chí của Việt Nam đã được chính phủ và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình, công lý, cũng như dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ.
        Ngày 01/02/1978, Pôn Pốt thành lập mới 15 sư đoàn, với khẩu hiệu “chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”, chúng tập trung 13 trong số 19 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15 - 20 km, gây nhiều tội ác. Điển hình là vụ thảm sát Ba Chúc tháng 4/1978 với 3.157 dân thường bị giết hạiNgày 13/12/1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, Pôn Pốt đã huy động 10 trong 19 sư đoàn (khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam: 3 sư đoàn đánh vào Bến Sỏi chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh Bảy Núi (An Giang), 3 sư đoàn đánh Trà TiếnTrà Phô (Kiên Giang), Hà Tiên. 
         Trước hành động tiến công của quân Pôn Pốt trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta và theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, từ ngày 06 và 07/12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm tổng phản công - tiến công chiến lược giải phóng Campuchia.
        Trong hai ngày 30 và 31 tháng 12 năm 1978 Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 họp tại sở chỉ huy ở Bos Môn, nam ngã tư Nhà Thương. Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn đến dự họp. Hội nghị tổ chức quán triệt quyết tâm của Bộ, tập trung bàn sâu, kỹ về vinh dự, tự hào và trách nhiệm được Bộ giao nhiệm vụ phối hợp cùng bạn tiến công giải phóng Phnôm Pênh từ hướng đông nam (hướng chủ yếu). Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh được phổ biến nhanh chóng đến các đơn vị. Cán bộ, chiến sỹ tràn đầy khí thế sẵn sàng. Công tác chuẩn bị được khẩn trương xúc tiến để bước vào chiến dịch.
        Ngày 1 tháng 1 năm 1979, ta thực hiện quyết tâm của Bộ, các đơn vị đã phối hợp với các đơn vị bạn đồng loạt nổ súng. Sau bảy ngày chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đến 7 giờ ngày 7 tháng 1 năm 1979 đội hình tiến vào Phnôm Pênh của Quân đoàn lần lượt xuất phát. Trung đoàn 141, Trung đoàn 209 và Trung đoàn 165 phối hợp với Binh đoàn 1 của bạn tổ chức vượt sông Mê Kông qua bến phà Nek Lương. Vào lúc 10 giờ, Liên quân chiếm được cầu Mô Ni Vông. Sư đoàn 260 của địch chốt giữ ở đây chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy về hướng tây. 11 giờ Liên quân tiến vào thành phố Phnôm Pênh. Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 141) chiếm Khu Sứ quán, Tiểu đoàn 1 chiếm Cơ quan Trung ương địch, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 209) chiếm đài phát thanh, Tiểu đoàn 9 phát triển về phía tây. Đúng 12 giờ ngày 07 tháng 01 năm 1979 các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và Binh đoàn 1 của bạn đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Phnôm Pênh.
        Như vậy chỉ trong một thời gian rất ngắn kể từ lúc nhận nhiệm vụ đảm nhiệm hướng chủ yếu giúp bạn giải phóng Phnôm Pênh, được sự giúp đỡ và phối hợp chiến đấu của nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến dịch: tiêu diệt sinh lực địch, đập tan bộ máy chính quyền phản động, chiếm giữ các vị trí trọng yếu và làm chủ thành phố trước thời hạn một ngày, giải phóng nhân dân, thực hiện tốt chính sách dân vận, chính sách đối với tù hàng binh và công tác quần chúng. Trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, chưa hiểu biết nhiều về phong tục tập quán của nhân dân bạn, kẻ địch vẫn ngoan cố tìm mọi cách chống trả quyết liệt, những chiến công và thành tích của Quân đoàn càng mang tầm vóc và ý nghĩa lớn lao, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến lược của toàn mặt trận, các đơn vị và các cán bộ, chiến sỹ đều lập công xuất sắc, chấp hành tốt công tác chính sách và trong quy định quan hệ với nhân dân nước bạn, được nhân dân tin yêu, nhiệt tình giúp đỡ.
       Với tinh thần quốc tế cao cả, Quân đoàn 4 phối hợp với lực lượng cách mạng của Campuchia và quân Chính phủ của Cộng hòa Nhân dân Campuchia mở các chiến dịch triệt hạ các căn cứ của quân Pôn Pốt. Đặc biệt là mùa khô năm 1984 - 1985, Quân đoàn ta đã mở chiến dịch lớn chưa từng có tại Phnôm Ma-lai giành thắng lợi vang dội.
         Năm 1989, Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã đủ mạnh để tự xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày 30 tháng 6 năm 1988, Lễ tiễn trọng thể Bộ Tư lệnh, các cơ quan của Bộ Tư lệnh và chuyên gia quân sự Việt Nam, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc./.
                                                  Nguyễn Minh Châu

No comments:

Post a Comment