Ngày 11 tháng 9
“Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”[1].
Đây là
lời phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại “Hội nghị cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, đại đoàn tham gia Chiến dịch
Biên giới”, ngày 11 tháng 9 năm 1950.
Kỷ luật
của Quân đội nhân dân Việt Nam thực chất là sự cụ thể hóa đường lối, chủ
trương, điều lệ của Đảng; hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc
điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của quân đội. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn đặc biệt nhấn mạnh: Bên cạnh lý tưởng chiến đấu, kỷ luật quân đội
là điểm mấu chốt tạo nên sự thống nhất cao độ trong nhận thức và hành động của
cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là trên chiến trường; do vậy, kỷ luật là động lực vô
cùng quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội. Người luôn yêu cầu mọi
cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải chấp hành kỷ luật một cách tự giác và
nghiêm minh; đối với mệnh lệnh cấp trên ban xuống thì phải tuyệt đối phục tùng
và triệt để thi hành; báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng và
thiết thực; là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng đa
số; địa phương phục tùng Trung ương… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý, kỷ luật
phải được thi hành bình đẳng, nhất quán, triệt để từ trên xuống dưới, không
phân biệt đối xử.
Lịch sử
hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta cho thấy, quan
điểm “Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh
của bộ đội” của Bác thực sự là một di sản tư tưởng, lý luận quý báu; một
nguyên tắc đặc biệt quan trọng góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ
một đội quân du kích lúc ban đầu trở thành một quân đội có ý thức tổ chức kỷ
luật cao, luôn kiên định trước mọi khó khăn, thử thách; cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, bản lĩnh, đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong sự
nghiệp xây dựng quân đội hiện nay, để duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, cùng với
việc chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ
quan chức năng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần phải làm
tốt công tác giáo dục, tăng cường quản lý, duy trì kỷ luật trong đơn vị, tiến
hành xử lý nghiêm minh, triệt để mọi vụ việc vi phạm kỷ luật theo đúng quy
định. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ
chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải là những cán bộ luôn gương mẫu,
tận tụy trong công tác, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội
làm tấm gương sáng cho bộ đội học tập, noi theo. Có như vậy, kỷ luật của quân
đội ta mới thật sự là nghiêm minh, tự giác, tạo nền móng xây dựng sự đoàn kết,
nhất trí xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.
No comments:
Post a Comment