Tuesday, September 3, 2019



MẤY VẤN ĐỀ RÚT RA SAU HỘI THI CÁN BỘ
GIẢNG DẠY CHÍNH TRỊ NĂM 2019

                                                                     Phan Thanh Tuyển
Cục Chính trị

Thực hiện Quy chế công tác giáo dục chính trị tại đơn vị cơ sở trong Quân đội. Vừa qua, các cơ quan, đơn vị trong Quân đoàn đã tổ chức Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2019. Hội thi lần này được tổ chức cấp cơ sở và cấp trực thuộc Quân đoàn, gồm 226 đồng chí là cán bộ chính trị đại đội, tiểu đoàn, trợ lý cơ quan chính trị trung, lữ, sư đoàn và nhà trường. Đây là dịp để đánh giá thực chất kiến thức, năng lực và phương pháp sư phạm của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị ở đơn vị cơ sở và kết quả công tác giáo dục chính trị của các cơ quan, đơn vị trong 2 năm qua.
Nội dung gồm 4 phần thi: Chuẩn bị một bài giảng chính trị theo đối tượng quản lý; thiết kế giáo án chính trị điện tử; thực hành giảng bài bằng giáo án điện tử và thi nhận thức. Điểm mới của hội thi lần này là cán bộ tham gia phải tiến hành thi nội dung thực hành thiết kế một bài giáo án chính trị điện tử; đối với phần thi nhận thức, các thi sinh phải trả lời 100 câu hỏi với kiến thức tổng hợp, bằng hình thức trắc nghiệm và viết một bài tự luận.
Với phương châm đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện, Hội thi đã lựa chọn được 45 đồng chí đạt giải cao trong Hội thi cấp trực thuộc Quân đoàn. Đây là những hạt nhân tiêu biểu để các cơ quan, đơn vị nhân rộng mô hình giảng bài chính trị hay, cách làm mới, hiệu quả; đồng thời qua đó giúp cho cấp uỷ, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị trong thời gian tới. Hội thi lần này được tổ chức trong thời điểm Quân đoàn diễn ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, song có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp nên Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị các cấp trong Quân đoàn đã diễn ra đúng kế hoạch, bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực;
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số đồng chí chưa đầu tư đúng mức cho các nội dung dự thi, việc chuẩn bị bài giảng chủ yếu còn sao chép nội dung chính trong tài liệu, cập nhật những kiến thức mới còn ít, chưa nắm vững kiến thức lý luận, phân tích nội dung chưa làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đặt ra; định hướng nhận thức và hướng dẫn hành động chưa sát với đối tượng; thực hành thiết kế giáo án chính trị điện tử có nhiều nội dung chưa phù hợp. Từ kết quả Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2019, rút ra một số vấn đề sau:
Một là, muốn có một bài giảng tốt, cán bộ trực tiếp tiến hành giảng bài chính trị phải chuẩn bị bài giảng thật chu đáo, tất cả những nội dung giảng bài nhất thiết phải thể hiện đầy đủ trong giáo án, trong từng nội dung bài giảng phải nắm vững phần lý luận, lựa chọn đúng từng “điểm”, “ý” để phân tích; khi phân tích các nguyên lý, quan điểm phải lấy ví dụ để chứng minh làm sáng tỏ vấn đề lý luận đặt ra; tránh sự trùng lặp khi lấy ví dụ dẫn chứng hoặc đơn điệu khi phân tích liên hệ thực tiễn không phù hợp với những vấn đề lý luận định làm sáng tỏ. Do vậy, đòi hỏi người cán bộ chuẩn bị bài giảng chính trị phải nắm vững kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú của từng mục, phần và toàn bộ nội dung bài giảng.
Hai là, trong từng nội dung bài giảng, phải gắn sát lý luận với thực tiễn của nhiệm vụ cách mạng, tình hình nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, nhiệm vụ của quân đội, đơn vị để chứng minh, luận giải làm sáng rõ lý luận. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ giảng bài chính trị phải sử dụng nhiều kênh thông tin khác nhau để thu thập thông tin về tình hình thế giới, khu vực, trong nước, bằng nhãn quan chính trị của mình để phân tích, nhận định tác động của nó đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình, qua đó định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động cho HSQ, CS. Việc nắm bắt thông tin có thể qua sách báo, tạp chí, bản tin nội bộ, học tập chính trị, thông báo thời sự, qua quán triệt các chỉ thị nghị quyết của đơn vị… Ngoài ra, mỗi cán bộ chính trị còn phải tự giác nghiên cứu các tài liệu chính thống, nhất là các Văn kiện, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quân đội… Đây là kiến thức có độ tin cậy cao, vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát. Thông qua các kênh thông tin đó để có kiến thức thực tiễn đa chiều, rộng lớn đã được chọn lọc, phân tích để đưa vào từng nội dung bài giảng cho phù hợp với phần lý luận đặt ra.
Ba là, trong khi giảng bài, cán bộ chính trị phải căn cứ vào đối tượng lên lớp để lựa chọn kiến thức cho phù hợp với mức độ nhận thức và hiểu biết xã hội để đạt tới mục đích định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động. Cùng một chuyên đề, cùng một nội dung bài giảng nhưng giảng dạy cho đối tượng khác nhau thì sử dụng các kiến thức thực tiễn khác nhau để chứng minh cho lý luận trong bài giảng. Đối với HSQ, CS xuất thân ở vùng nông thôn sẽ khác so với thành thị, CSM khác với chiến sĩ năm thứ hai; Hạ sĩ quan, binh sĩ khác với quân nhân chuyên nghiệp, đối tượng Đảng, đảng viên mới… Nắm được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác khía cạnh nào trong cùng một sự kiện cho phù hợp với đối tượng. Các ví dụ chứng minh phải có tính đảng, tính giáo dục và tính chiến đấu cao. Muốn vậy, cán bộ giảng bài chính trị phải biết chọn lọc, xử lý thông tin một cách khéo léo, tinh tế mới đáp ứng được nhu cầu kiến thức và định hướng hành động cho bộ đội.
Bốn là, đối với phần thiết kế bài giảng Powerpoint: Trong mỗi file Powerpoint, tùy theo nội dung để chọn định dạng cho phù hợp (văn bản, chia cột, chia bảng, biểu đồ…). Nội dung các slide được thiết kế, trình bày sao cho thể hiện nổi bật kiến thức cơ bản, đảm bảo tính hệ thống, thẩm mỹ, phù hợp với đối tượng giúp người học tập trung chú ý. Nếu tất cả các slide một kiểu sẽ gây nhàm chán, nếu quá nhiều sẽ gây mất tập trung của người học. Nội dung kiến thức trình bày trong các slide phải bảo đảm độ chính xác, tính cô đọngkhái quát cao. Trong mỗi slide chứa đựng một lượng thông tin vừa phải, không có đoạn văn bản quá dài (không cắt nguyên đoạn văn bản word để đưa vào slide). Trong powerpoint không cần thể hiện đầy đủ câu mà chỉ cần lượng chữ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, nêu bật nội dung cốt lõi cần chuyển tải. Nên sử dụng các font chữ không chân, tròn đơn giản (Arial); cỡ chữ nên dùng cỡ (size) từ 18 trở lên, riêng phần tựa đề, cỡ chữ từ 36 đến 40. Sử dụng hình ảnh, biểu đồ và biểu tượng minh họa có mục đích rõ ràng. Không nên sử dụng quá nhiều màu sắc trong một slide, màu nền và màu chữ phải là các màu có độ tương phản rõ nét, để làm nổi bật nội dung cần thuyết trình./.

No comments:

Post a Comment