Tuesday, September 3, 2019


“Xưng hô, chào hỏi” nét đẹp văn hóa quân nhân ở Sư đoàn 7

Võ Bá Tý
Sư đoàn 7
Việc xưng hô, chào hỏi tuy là việc nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng. Nó không chỉ là phép lịch sự trong giao tiếp mà còn phản ánh truyền thống, thuần phong mỹ tục "tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam. Động tác chào, lời chào trong Quân đội thể hiện nếp sống văn minh, lễ phép, tôn trọng lẫn nhau một cách nghiêm túc, dứt khoát của quân nhân. Vì vậy điều lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quy định "Khi gặp nhau quân nhân phải chào nhau, cấp dưới phải chào cấp trên trước và cấp trên phải chào đáp lễ", "Quân nhân gọi nhau bằng đồng chí và xưng tôi".
Đối với Sư đoàn 7 nói chung và các trung đoàn trực thuộc hàng năm đảm nhiệm quản lý, huấn luyện chiến sỹ mới và lực lượng dự bị động viên, việc giáo dục các mối quan hệ, giao tiếp cho bộ đội là nhiệm vụ được lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm và được xác định trong kế hoạch huấn luyện, giáo dục; trong các nội dung, chương trình hành động, phát động thi đua, tuyên truyền. Thực trạng ở đơn vị cơ sở hiện nay, nhất là đội ngũ cán bộ cơ bản thuộc các tỉnh miền Bắc, miền Trung trong khi chiến sỹ thuộc các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ và có cả chiến sỹ thuộc các dân tộc thiểu số. Do vậy cách giao tiếp, xưng hô chào hỏi mỗi nơi mỗi khác theo phong tục tập quán.
Nắm được đặc thù trên lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở Sư đoàn 7 đã có nhiều biện pháp giáo dục, phổ biến ngay từ ngày đầu bộ đội về đơn vị, theo các phương châm giáo dục từ thấp đến cao, từ đơn giản đến nâng cao; phát huy tốt vai trò nêu gương của đội ngũ để bộ đội học và làm theo, nhất là phát huy và áp dụng tốt giải pháp "Tiểu đội cùng tiến" vào giáo dục lễ tiết tác phong quân nhân. Đồng thời trong rút kinh nghiệm tuần, tháng đầu huấn luyện, sơ kết thi đua, sinh hoạt tập thể quân nhân và đoàn thanh niên, sinh hoạt hội phụ nữ... Người chỉ huy đều quan tâm làm cho cán bộ, chiến sỹ hiểu rõ thực hiện tốt xưng hô, chào hỏi theo quy định của Điều lệnh quản lý bộ đội, vừa thể hiện phong cách tác phong quân nhân, vừa đánh giá kết quả xây dựng nền nếp chính quy từng cơ quan, đơn vị; trong đó duy trì nghiêm quy định quân nhân khi gặp nhau trong giờ hành chính xưng hô "đồng chí", chào nhau bằng động tác điều lệnh khi mang mặc quân phục. Khi gặp nhau trong giờ nghỉ, không mặc quân phục có thể xưng hô theo tuổi tác, phù hợp với phong cách quân nhân, truyền thống dân tộc; người được chào cũng phải chào đáp lễ theo đúng quy định.
Rõ nét nhất ở Sư đoàn 7 đó là cùng với việc nêu gương, làm mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp và tinh thần cầu thị học hỏi của bộ đội, nhất là đối với chiến sỹ mới đã nhanh chóng tiếp thu và thực hiện có hiệu quả việc xưng hô, chào hỏi theo điều lệnh. Sau 03 tháng đầu quân ngũ, bài học về xưng hô, chào hỏi đã giúp chiến sỹ trẻ có bước chuyển mình, trưởng thành về nhân cách... góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng tình đoàn kết cán binh, đoàn kết nội bộ góp phần thúc đẩy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong chuyến thăm và kiểm tra Sư đoàn của Tổng Cục Chính trị cuối tháng 3/2019, khi tiếp xúc với cán bộ, chiến sỹ bộ đội đã bình tĩnh, tự tin xưng hô, chào hỏi "chững chạc", dứt khoát, rõ ràng được Thủ trưởng Tổng Cục Chính trị đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện nay hiện tại cần phê phán một số hiện tượng đó là: Số ít cán bộ chưa thực sự gương mẫu, có lời nói, hành động và động tác chào chưa thực sự là tấm gương cho cấp dưới và chiến sỹ làm theo như xưng hô, chào hỏi chưa đúng động tác được quy định trong điều lệnh quản lý bộ đội và quy định chung của đơn vị. Ví dụ như mặc quân phục không chào bằng động tác, chào nhưng động tác sai, có cán bộ gặp cấp trên nhưng lại ngồi chào; thậm chí có đồng chí lại chào sai chức danh của cán bộ như: "Chào phó ban" (trong khi họ là trợ lý) hoặc "Chào chủ nhiệm" (trong khi họ là phó chủ nhiệm), "Chào trung tá", "Chào thủ trưởng" (trong khi họ đồng cấp)...những lời chào đó không đúng, không làm gương cho bộ đội mà còn gây phản cảm với những người xung quanh và ngay cả đối tượng được chào...
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng đã biết hầu hết điều lệnh của quân đội trên thế giới đều quy định quân nhân phải thực hiện động tác chào khi gặp cấp trên, gặp nhau hoặc đón tiếp khách và các nghi lễ khác. Đây được coi là động tác thể hiện sự uy nghiêm và tính kỷ luật của lực lượng vũ trang mỗi nước.
Mong rằng lãnh đạo, chỉ huy các cấp tiếp tục phát huy những việc đã làm được trong huấn luyện, giáo dục quân nhân về xưng hô, chào hỏi và quan tâm chấn chỉnh, phê bình, phê phán với những lời chào, động tác chưa đúng, chưa chuẩn mực để xưng hô, chào hỏi luôn là cầu nối giao tiếp giữa các quân nhân, thể hiện nền nếp chính quy, nếp sống văn hóa của đơn vị quân đội đồng thời tăng thêm tinh thần đoàn kết, giúp thu hẹp khoảng cách giữa chỉ huy với cấp dưới, cán bộ với chiến sỹ./.

No comments:

Post a Comment