KINH NGHIỆM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG “TỔ TƯ VẤN TÂM LÝ, PHÁP LÝ” Ở TRUNG ĐOÀN
3, SƯ ĐOÀN 9
Đại úy Nguyễn Văn Hiếu
TLTH,Trung đoàn 3
Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn
3, Sư đoàn 9 đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, trong đó,
việc thành lập và tổ chức hoạt động của “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” là hình
thức, biện pháp hiệu quả nhất, giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm
chắc tình hình tư tưởng, nhận thức pháp luật, kỷ luật, kỹ năng
sống của bộ đội... từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh
đạo, chỉ đạo có hiệu quả, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động,
giảm thiểu vi phạm kỷ luật, giữ vững ổn định đơn vị.
Là đơn
vị đủ quân, làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nên Đảng ủy, chỉ huy Trung
đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác định nội dung hoạt động của “Tổ tư vấn tâm
lý - pháp lý” phải khoa học, thiết thực, vừa phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ,
vừa đáp ứng nhu cầu tâm, sinh lý của bộ đội. Nội
dung hoạt động của Tổ tư vấn phải giúp cho bộ đội hiểu rõ
những vấn đề cơ bản của pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ Quân đội; quyền
và nghĩa vụ quân nhân trong quan hệ pháp luật cụ thể, nảy sinh trong hoạt động
quân sự và trong đời sống xã hội; giải đáp những vấn đề về sức khỏe, hạnh phúc
gia đình, tuổi trẻ, tình yêu và cuộc sống… Đây chính là cơ sở để định hướng tư
tưởng, hành vi ứng xử của các quân nhân theo khuôn khổ pháp luật, điều lệnh,
điều lệ Quân đội và quy tắc đạo đức; đồng thời, giúp hòa giải và giải quyết các
mâu thuẫn nảy sinh trong đơn vị, xây dựng môi trường tập thể lành mạnh, đoàn
kết, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để mô hình hoạt động có hiệu quả, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã ban hành quy chế hoạt động; quy định hình thức, tổ chức, phương pháp hoạt động và hướng dẫn đăng ký hệ thống văn bản, sổ sách... Gắn hoạt động của “Tổ tư vấn tâm lý, pháp
lý” với công tác
giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, duy trì nghiêm các chế độ, nâng cao
hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng.
Đến nay, Trung đoàn đã thành lập 27 “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” ở các cấp và đi vào hoạt động có nền nếp; hằng năm tổ chức tư vấn cho hàng trăm lượt CB,CS trong
đơn vị với những nội dung thiết thực, hiệu quả. Qua quá trình thực hiện, Tổ tư
vấn đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp nắm vững tình hình
tư tưởng và chấp hành kỷ luật của bộ đội, kịp thời động viên những trường hợp
có biểu hiện không an tâm công tác, giúp đỡ những quân nhân có hoàn cảnh khó
khăn; đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CB,CS về kinh tế – xã
hội, quân sự, quốc phòng… Vì thế, những năm qua, tình hình tư tưởng, kỷ luật
của bộ đội có chuyển biến tích cực; nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất, quan hệ
cán bộ với chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới, quân với dân được giải quyết hài
hòa; những biểu hiện không đúng được phát hiện và khắc phục triệt để.
Tuy nhiên, trong tổ chức hoạt động của “Tổ tư vấn tâm lý,
pháp lý” vẫn còn tồn tại một số hạn chế khuyết điểm đó là: Nội dung tư vấn thiếu trọng tâm, trọng điểm; hình thức, phương pháp tư vấn chưa phong phú, đa dạng dẫn tới
chất lượng tư vấn không cao. Việc cập nhật, đăng ký, duy trì nền
nếp hoạt động của tổ tư vấn có thời điểm
còn hạn chế. Trình độ, kiến thức, năng lực, kỹ
năng tư vấn của một số thành viên tổ tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số cán bộ, chiến sĩ thiếu
hiểu biết về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị dẫn tới
vi phạm phải xử lý.
Nguyên nhân của những hạn chế,
khuyết điểm trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ
chức hoạt động của tổ tư vấn tâm lý,
pháp lý có thời điểm chưa được chú trọng; kiểm tra
chưa thường xuyên, thiếu sâu sát;
chấn chỉnh chưa kiên quyết, kịp thời. Nhận thức của một số cấp ủy, chi bộ, chỉ huy, cán bộ chủ trì về vị trí, ý
nghĩa, vai trò của hoạt động tổ tư vấn có thời điểm
còn hạn chế. Hình thức tư vấn chưa thực sự đa dạng, lôi cuốn cán
bộ, chiến sĩ; đôi lúc còn rập khuôn, cứng nhắc. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tổ tư
vấn của cơ quan đối với đơn vị chưa thường xuyên, kiên quyết. Một số cán bộ, chiến sĩ sống khép kín, ngại trình bày tâm
tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc với chỉ huy đơn vị và thành viên tổ tư vấn,
dẫn tới hoạt động tư vấn diễn ra thụ động, chưa kịp thời, kém hiệu quả.
Từ kết quả tổ chức
hoạt động của “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” ở Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 thời gian qua, rút
ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải nhận thức đúng
tầm quan trọng của “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” trong định hướng tư tưởng,
nâng cao hiệu quả quản lý kỷ luật. Theo đó, phải coi hoạt động của Tổ tư
vấn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, nội dung lãnh
đạo của cấp ủy, kế hoạch công tác của người chỉ huy và các tổ chức quần chúng.
Mặt khác, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ cơ cấu, tổ chức, quy
chế và nội dung, phương pháp hoạt động; chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao
kỹ năng tư vấn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong
công tác của cán bộ tư vấn; thường xuyên cung cấp thông tin cũng như tạo mọi
điều kiện thuận lợi để Tổ tư vấn thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình hoạt động,
cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, nắm vững thực trạng và
hiệu quả hoạt động; chấn chỉnh những biểu hiện không đúng, hiệu quả thấp, bảo
đảm cho Tổ tư vấn thật sự có uy tín, là chỗ dựa tinh thần để CB,CS thổ lộ tâm
tư, tình cảm, từ đó đưa ra các giải pháp khắc
phục, không để những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục
để các thành viên Tổ tư vấn phát huy vai
trò, trách nhiệm trong quá trình hoạt động. Đây là việc làm rất quan trọng để
các thành viên của Tổ tư vấn nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa của công tác tư vấn;
đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt,
nhất là kiến thức pháp luật, kỷ luật, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, dân
tộc, tôn giáo. Đồng thời,
phải nâng cao kỹ năng tư vấn, đặc biệt là kiến thức về tâm lý học, giáo dục
học, biết kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của người được tư vấn một cách chân thành;
khắc phục biểu hiện mệnh lệnh, hành chính cứng nhắc, thiếu sự mềm dẻo, linh
hoạt. Cán bộ làm nhiệm vụ tư vấn pháp lý phải tôn trọng và giữ bí mật thông tin
nếu người được tư vấn yêu cầu và cũng phải biết phản hồi để hiểu chính xác
thông tin, từ đó có hướng tư vấn và giúp đỡ người được tư vấn. Trong quá trình
hoạt động, thành viên của Tổ tư vấn phải “khéo” đưa các chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tư tưởng, đời sống sinh hoạt,
công tác của cán bộ, chiến sĩ một cách tự nhiên để định hướng hành vi ứng xử
đúng đắn. Ngoài ra, đơn vị phải đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ hiểu
được ý nghĩa, nội dung hoạt động của Tổ tư vấn để họ mạnh dạn tìm đến và bày tỏ
với Tổ tư vấn những vấn đề còn vướng mắc,
khó giải quyết trong cuộc sống, tình cảm, công việc và gia đình…
Ba là, thường xuyên kiện toàn các Tổ tư vấn theo đúng
hướng dẫn, đồng thời nâng cao chất lượng các thành viên tổ tư vấn, để nâng cao
hiệu quả hoạt động. Các thành viên Tổ tư vấn được lựa chọn phải là những đồng
chí thực sự gương mẫu về đạo đức, lối sống; thực hiện nói đi đôi với làm, tuyên
truyền, tư vấn gắn với hành động cụ thể trong thực tiễn. Để Tổ tư vấn hoạt động
có hiệu quả, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho cán bộ, chiến sĩ mạnh dạn bộc lộ
tâm tư, nguyện vọng của mình thì thành viên của Tổ phải là những người có uy
tín trong tập thể; từ lời nói đến hành động phải có sự cảm hóa cao. Cần tránh
tình trạng thành lập cho đủ thành phần Tổ tư vấn, không chú ý tiêu chuẩn thành
viên, làm cho cán bộ, chiến sĩ mất lòng tin, dẫn đến hiệu quả hoạt động không
cao, thậm chí còn phản tác dụng. Do đối tượng tư vấn chủ yếu là chiến sĩ, nên
thành viên của Tổ tư vấn ngoài cán bộ chính trị, quân sự cần có thêm các đồng
chí là HSQ, chiến sĩ, những đồng chí có tuổi đời cao, có trình độ, kinh nghiệm
thực tiễn trong cuộc sống, trong giao tiếp, ứng xử... vì các đồng chí là những
người trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng thực hiện nhiệm vụ với bộ đội, nên việc
nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng sẽ thuận lợi hơn và
tiến hành tư vấn kịp thời hơn, do vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của tổ tư
vấn.
Bốn là, thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm và
kiểm tra hoạt động của các Tổ tư vấn. Hằng tuần, các đơn vị nên tổ chức
rút kinh nghiệm trong Tổ; hằng tháng, tổ chức sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, xác định những
việc cần làm và cần tránh trong quá trình tư vấn; đề xuất những cách làm hay,
mô hình hoạt động có hiệu quả để học hỏi lẫn nhau. Trong quá trình trao đổi,
rút kinh nghiệm, nên có sự tham gia của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị để định hướng
hoạt động, đề xuất những chủ trương, biện pháp thực hiện trong thời gian tiếp
theo; đồng thời, tạo không khí thân tình, gần gũi giữa chỉ huy và thành viên
của Tổ tư vấn để mọi người bộc bạch hết những khó khăn, kinh nghiệm trong quá
trình hoạt động. Cùng với đó, các đơn vị phải có kế hoạch kiểm tra và chấn
chỉnh kịp thời những Tổ tư vấn hoạt động không hiệu quả, tìm ra nguyên nhân và
phương hướng khắc phục; duy trì nghiêm chế độ báo cáo kết quả và tình trạng
hoạt động của Tổ tư vấn hằng tuần; kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động của các Tổ
tư vấn với các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân, tổ 3 người… để giúp
người chỉ huy nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ được kịp thời,
đầy đủ, tránh tình trạng ngồi chờ, thụ động.
Năm là, kết hợp phát huy hiệu quả hoạt động của "tổ
tư vấn tâm lý, pháp lý" với duy trì chặt chẽ các chế độ, nền nếp xây dựng
chính quy, rèn luyện kỷ luật và công tác quản lý chính trị nội bộ, không để các
mặt trái của nền kinh tế thị trường, những tiêu cực, tệ nạn xã hội tác động
thẩm thấu vào đơn vị.
Trên đây là những kinh nghiệm trong hoạt động của “Tổ tư
vấn tâm lý, pháp lý” ở Trung đoàn 3 đã
được thực tiễn kiểm nghiệm. Phát huy hiệu quả hoạt động của "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý" là một trong những
nội dung, biện pháp quan trọng để làm tốt công tác tư tưởng trong quản lý bộ
đội ở đơn vị cơ sở; góp phần giữ nghiêm kỷ luật, đảm bảo cho đơn vị hoàn
thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.
No comments:
Post a Comment