Ngày 29 tháng 9
“Nước Việt Nam ta sau này thịnh hay suy, mạnh hay yếu, trách nhiệm ở
toàn thể quốc dân”[1].
Đây là lời của Chủ tịch
Hồ Chí Minh trong “Thư gửi một Việt kiều
báo tin nước nhà đã độc lập”, Bác viết cuối tháng 9 năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi,
tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, chính quyền về tay nhân
dân, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông
Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm nhân
dân ta sống dưới ách đô hộ của chính quyền thực dân phát xít. Nhân dân Việt Nam
từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của
mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc
lập, tự do và dân chủ. Đảng cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền. Từ đây,
đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, Nhà nước non trẻ đứng trước
muôn vàn khó khăn, hiểm nguy được ví như “ngàn
cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, biện pháp để
đoàn kết và tập hợp lực lượng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia
phong trào cách mạng; trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để họ
hướng về Tổ quốc bằng những “tấm lòng
vàng” và hành động thiết thực đã góp phần tạo nên sức mạnh giúp cách mạng
nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi này đến thắng
lợi khác.
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công
cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đạt được những thành tựu to lớn,
có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu
đó đã góp phần tăng cường sức mạnh và tiềm lực mọi mặt của đất nước, đồng thời
ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Vì vậy, bất cứ ai
ở cương vị nào, là công dân Việt Nam cần hiểu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là quyền lợi, nghĩa vụ, vinh dự và trách nhiệm
của mình.
Đinh ninh lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, vượt mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, khắc phục hậu quả của chiến tranh; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường, cứu hộ cứu nạn và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các chương trình, dự án, phong trào lớn của quốc gia như: “Xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói, giảm nghèo”, thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa phương, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
No comments:
Post a Comment