Ngày 14 tháng 9
“Cán bộ phải đi đúng đường lối
quần chúng, dựa vào nhân dân; trước hết phải tin tưởng lực lượng và trí tuệ của
nhân dân là vô cùng vô tận”[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài nói chuyện tại “Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc”, ngày
14 tháng 9 năm 1959.
Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, qua thực tiễn hoạt
động cách mạng, Hồ Chí Minh càng thấm sâu chân lý: Cách mạng là sự nghiệp của
quần chúng. Quần chúng cách mạng chính là các tầng lớp nhân dân mà Hồ Chí Minh
đã tìm thấy sức mạnh to lớn ở họ. Người cho rằng, nhân dân rất thông minh, sáng
tạo; nhân dân là lực lượng đông đảo của toàn xã hội; nhân dân là người hiểu
biết tất cả; nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận ở mọi nơi, mọi lúc. Thực tiễn lịch sử đã minh chứng: Thắng lợi trong hai cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và trong sự nghiệp đổi mới đất
nước đều xuất phát từ đường lối “lấy dân
làm gốc”.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt
Nam, Đảng ta luôn khẳng
định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy, sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc không phải chỉ là việc riêng của các cơ quan nhà nước, của cán bộ,
đảng viên, mà là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Thực hiện tốt phương châm này là nhằm phát huy vai trò của nhân dân lao động
tham gia quản lý mọi hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, còn có
tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và các tổ chức
chính trị, xã hội vững mạnh. Hoạt động của quần chúng nhân dân theo phương châm
đó, trước hết, là giúp cho các tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước khắc phục tệ
quan liêu, tham nhũng và đề cao trách nhiệm trước nhân dân, tôn trọng ý kiến và
nguyện vọng của nhân dân; qua đó, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và
nhân dân. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ mình là “là người lãnh đạo; đồng thời là người đầy tớ thật trung thành của nhân
dân”; luôn biết trăn trở với những thắc mắc, những lo lắng của nhân dân;
biết cầu thị và lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, vận động nhân dân chung
sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh.
Thấu triệt lời Bác dạy, trong suốt quá trình xây
dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội,
thương yêu, tôn trọng bộ đội như “chân
với tay”; luôn là hạt nhân đoàn kết, đã thật sự làm cho cấp dưới kính
trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, coi lãnh đạo, chỉ huy của mình “như đầu, như óc”, như người thân trong
gia đình; xây dựng tinh thần tự giác trong bộ đội, trở thành lời thề danh dự
của người quân nhân cách mạng: “Tuyệt đối
phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực
thi hành nhanh chóng và chính xác”. Mối quan
hệ cán - binh được xây dựng trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, đồng đội, được
tôi luyện, thiết lập vững chắc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ, trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của
một quân đội cách mạng, vừa là một trong những cơ sở tạo nên sức mạnh, vượt qua
mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
No comments:
Post a Comment