Sunday, November 26, 2017

Quân Đoàn 4, Quân khu 7, Trường Sĩ quan Lục quân 2: Sơ kết hoạt động kết nghĩa năm 2017


Chiều 23-11, tại Đồng Nai, ba đơn vị, Trường Sĩ quan Lục quân 2 (LQ2), Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 4 và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (QK7) tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp hoạt động kết nghĩa năm 2017, ký kết chương trình phối hợp hoạt động năm 2018. Dự hội nghị có Thiếu tướng Lê Bửu Tuấn, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng QK7; Thiếu tướng Nguyễn Văn Hòa, Chính ủy Trường Sĩ quan LQ2; Đại tá Trương Ngọc Hợi, Phó Chính ủy Quân đoàn 4.

Đại diện Ban thư ký Kết nghĩa Quân đoàn 4 và Trường Sĩ quan Lục quân 2 ký kết nội dung phối hợp hoạt động trong năm 2018
Trong năm qua, sự phối hợp giữa 3 đơn vị, Trường Sĩ quan LQ2, Quân đoàn 4 và QK7 đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quân sự, quốc phòng, an ninh, chính trị, đào tạo, dân vận, nghiên cứu... Ba đơn vị thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới, hỗ trợ nhau trong xây dựng khu vực phòng thủ, huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục chính trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học... Đặc biệt, phong trào quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, đền ơn, đáp nghĩa ba đơn vị phối hợp thực hiện khá hiệu quả tại các tỉnh thành miền Đông Nam bộ. Cụ thể, các đơn vị đã làm mới, sửa chữa hàng chục km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, lắp điện 21 phòng học, 3 nhà văn hóa ấp; hỗ trợ xây tặng 6 nhà tình nghĩa, nhà mái ấm công đoàn, nhà nghĩa tình đồng đội, ngôi nhà 100 đồng; khám bệnh, phát thuốc miễn phí, và tặng quà cho gần 2000 đối tượng chính sách, trị giá hàng tỉ đồng. Công tác phối hợp hoạt động giữa ba đơn vị thực sự là đòn bẩy, thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao chất lượng toàn diện trong các mặt công tác của từng đơn vị, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm chính trị. Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận rút kinh nghiệm, đề ra chương trình hoạt động trong thời gian tới. Đại diện ba đơn vị đã ký kết nội dung phối hợp hoạt động trong năm 2018 với nhiều nội dung cụ thể.  Bên cạnh làm tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, đào tạo, ba đơn vị phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt phòng chống thiên tai, cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, từ thiện nhân đạo, xóa đói giảm nghèo...
Tin, ảnh: Lê Cầu

Họp thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng

VTV.vn - Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng chủ trì cuộc họp
Sáng 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng để cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. 
Tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và Quý I - 2018. Trong đó, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ án liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) ra xét xử trong năm 2017, tháng 1 và đầu tháng 2/2018 theo đúng quy định của pháp luật.
Các vụ án bao gồm:
- Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
- Vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác.
- Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương. Đây là vụ án thuộc giai đoạn II  và đồng phạm.
- Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 Ngân hàng bao gồm Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Sài gòn Thương Tín, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Đây là Vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.
- Vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (phần Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại và các kiến nghị của Hội đồng xét xử).
                                                             Phương Mai (Ban Thời sự)


Wednesday, November 22, 2017

THÊM TIN YÊU CUỘC SỐNG BỞI LÒNG TỐT VẪN HIỆN HỮU QUANH ĐÂY

 (Tổ Quốc) - Cơn bão số 12 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Bên cạnh biết bao giọt nước mắt đau thương vẫn còn đó những hình ảnh đẹp có sức lan tỏa.
Tính đến ngày 9/11, Hội nghị về công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đưa ra con số về thiệt hại do bão số 12 gây ra. Trong đó, đau lòng nhất, thiệt hại lớn nhất là đã có 91 người chết, trong đó Khánh Hòa có số người chết cao nhất tới 43 người. Bên cạnh đó còn có hơn 20 người mất tích.
Không chỉ thiệt hại về người, cơn bão số 12 cũng làm 1.486 nhà đổ và sập, hàng trăm nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng, hơn 9.350 ha lúa, trên 15.203 ha diện tích rau và hoa màu bị ngập, 25.957 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị mất trắng và 1.294 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, nhiều tuyến Quốc lộ bị sạt lở và ngập sâu gây ách tắc giao thông…
Những con số thống kê về thiệt hại sau bão bao giờ cũng khiến mọi người phải thắt lòng, nuốt nỗi đau vào trong. Bởi đó là tài sản, là mồ hôi nước mắt của biết bao con người gây dựng lên. Có những người đang có trong tay đầy đủ mọi thứ, bỗng chỉ sau một cơn bão đi qua, trong nháy mắt đã không còn gì, lại tay trắng.
Những chiếc ca nô cứu hàng trăm người được Thủ tướng viết thư khen. Ảnh: dantri.com.vn
Trước bão, trong và sau bão, dường như đó là những khoảng thời gian với nhiều bức tranh khác nhau của hỉ, nộ, ái, ố.
Đó là hình ảnh Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam – Nguyễn Bá Lân và 7 đồng nghiệp đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được hơn 200 người dân gặp nạn trên biển. Hành động đẹp này đã lay động biết bao trái tim của những người trong và ngoài cuộc. Không cần những phát ngôn gây chú ý, chỉ bằng hành động quyết đoán, dũng cảm trong giây phút hiểm nguy, họ đã cứu được biết bao con người khỏi sự khốc liệt, dữ dội của thiên nhiên. Ngày 8/11 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen vị giám đốc và những người đồng nghiệp: “Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao tinh thần nghĩa hiệp, trách nhiệm và tình người sâu sắc của anh Nguyễn Bá Luân và các đồng nghiệp. Hành động cao cả, đáng trân trọng này thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta”.
Hình ảnh tương tự như vậy cũng đã từng được nhiều người chứng kiến tại Thanh Hóa, khi nước sông Cầu Chày dâng cao, vượt báo động 3 đã “khoan thủng” một đoạn đê, khiến hàng nghìn hộ dân nằm trong đê có nguy cơ bị đe dọa. Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã bàn phương án với lãnh đạo huyện Thọ Xuân và ông Ninh Quang Vinh, Giám đốc Công ty Miền Tây chấp nhận hi sinh chiếc máy xúc tiền tỷ, đẩy xuống đoạn đê để xử lý xự cố, cứu nguy cho hàng nghìn hộ dân.
Ngoài 5 triệu USD, chính phủ Nga còn hỗ trợ Việt Nam khắc phục 
hậu quả do bão số 12 với 40 tấn hàng. Ảnh: An Bình/zing.vn
Câu nói của ông Vinh, người chủ chiếc máy xúc thật cảm động: “Lúc đó tình thế rất khẩn cấp, trong đầu chỉ nghĩ bằng mọi giá phải vá cho bằng được chỗ thủng của đê nhằm tránh một thảm họa đáng tiếc có thể xảy ra. Một máy chứ 2, 3 cái máy xúc, ô tô tôi cũng sẵn sàng”.
Không chỉ có những hình ảnh đẹp, lay động lòng người ngay trong bão lũ, mà sau bão chúng ta còn chứng kiến sự sẻ chia của bạn bè quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị chi 5 triệu USD, cùng với  40 tấn hàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả do cơn bão số 12.
Còn Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định hỗ trợ hơn 100 thiết bị lọc nước được chuyển trực tiếp từ Nhật Bản đến người dân 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam nhằm giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ, ó thể xử lý nước kịp thời để có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt.
Bên cạnh đó còn hàng trăm hàng nghìn những nghĩa cử cao đẹp của người dân cả nước hướng về đồng bào vừa chịu ảnh hưởng bão lũ. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã cho thấy việc tốt, việc thiện lúc nào cũng là sự tử tế đáng trân trọng, được ghi nhận. Và dù cuộc sống vẫn còn những gam màu đầy tranh cãi, chưa khiến người ta an lòng như cuộc thi hoa hậu trong bão lũ, một vài phát ngôn đầy tổn thương từ những người của công chúng về cơn bão, đâu đó vẫn còn những người trục lợi từ bão lũ… Nhưng  cuộc sống là dòng chảy không ngừng, như con người không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông. Nếu con mắt chỉ nhìn vào những điều chưa tốt e rằng sẽ thấy cuộc sống thật chật hẹp, u tối. Song những điều tốt đẹp, những mầm thiện ở xung quanh ta vẫn âm thầm nảy lộc đâm chồi để lớn lên, nhân lên. Mỗi người chỉ cần sống có trách nhiệm với cộng đồng, cùng chung tay tưới bằng giọt nước mát lành, tử tế, sẵn sàng vượt qua khỏi con người nhỏ bé với toan tính lợi ích cá nhân… thì cuộc sống vẫn đáng để tin yêu và thật đẹp đẽ. Sự hối thúc của lòng nhân ái bao giờ cũng có điểm xuất phát từ trái tim để đến được với trái tim.
Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí…
                                                                                    Nhị Xuân 


Tuesday, November 21, 2017

Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Người công giáo ghi ơn Bác Hồ

Ngày 12/6/1987, tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với Huế - Huế với Bác Hồ” do Thành ủy Huế tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày Bác Hồ về thăm Đồng Hới - Quảng Bình, lúc đó thuộc tỉnh Bình - Trị - Thiên, linh mục Nguyễn Văn Ngọc đã kể một kỷ niệm không bao giờ quên của đồng bào Công giáo xứ Huế về đức bác ái bao la của Bác Hồ:
Năm 1949, Việt Minh bao vây kinh tế thành phố Huế. Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, khi đó, đảm đương công việc ruộng đất của Nhà Chung tại giáo xứ Lương Văn, có trách nhiệm cung cấp lương thực để đài thọ cho 600 linh mục, chúng sinh dòng tu nam, nữ của thành phố. Trong điều kiện Huế bị bao vây, linh mục không có cách nào chở được số lúa gạo vào thành phố cho Nhà Chung ăn tiêu.
Linh mục rất lo lắng, đem chuyện này thưa lại với đồng chí Quế, lúc đó là cán bộ Việt Minh của mặt trận Thừa - Thiên - Huế, vẫn có liên lạc với giáo xứ Lương Văn. Sau một hồi suy nghĩ, đồng chí Quế khuyên linh mục Ngọc nên viết thư xin phép Bác Hồ, đồng chí sẽ cố gắng tìm cách chuyển giúp.
Không còn cách nào khác, linh mục Ngọc đánh bạo viết thư lên Cụ Chủ tịch, thực lòng cũng không dám hi vọng sẽ đến được với Bác Hồ trong hoàn cảnh chiến tranh, Người lại ở quá xa và bận rộn trăm công nghìn việc lớn lao của đất nước.
Thật bất ngờ, một tháng sau, đồng chí Quế chuyển đến cho linh mục Ngọc một cái thiếp có chữ ký và dấu của Cụ Chủ tịch. Nội dung gồm hai điểm:
1- Cho phép linh mục Nguyễn Văn Ngọc được phép chở 9000 thúng lúa lên thành phố Huế trong vòng một tháng để trợ cấp cho Nhà Chung.
2- Linh mục Ngọc được tự do đi lại trong tỉnh Thừa Thiên để coi sóc ruộng đất của Nhà Chung, tiếp tục trồng cấy, không được để ruộng đất bỏ hoang.
Nhờ có giấy phép đặc biệt của Bác Hồ, linh mục Ngọc đã hoàn thành được nhiệm vụ, chở được lương thực lên thành phố, cứu nguy cho hơn 600 con người đang trong cảnh nguy ngập. Ai cũng mừng rỡ và hết lòng ca tụng Bác Hồ, vị Chủ tịch có lòng bác ái mênh mông của Chúa, tất cả vì lợi ích và cuộc sống của con người, không phân biệt lương hay giáo. Bác Hồ đúng là hiện thân của chính sách đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết tôn giáo.
Để kỷ niệm và ghi ơn Bác Hồ, vị giám mục người Pháp địa phận Huế đã gửi tấm thiếp của Người về Pa-ri và hiện nay tấm thiếp đó vẫn đang được trang trọng lưu trữ tại Hội Thừa Sai Pa-ri.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu

Ngày 19/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương và đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương đã đến thăm, kiểm tra tổng hợp công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị tại Trường bắn Quốc gia khu vực 1.
Tham dự có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đại biểu các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch báo cáo với Tổng Bí thư về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Đảng bộ Quân đội thời gian qua.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương với cán bộ , chiến sĩ tham gia huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. 
Ảnh: TTXVN
Với phương châm đổi mới, bám sát cơ sở, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất, triển khai toàn diện nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, trọng tâm là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật và chấp hành pháp luật.
Đặc biệt là trong triển khai thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng luôn đoàn kết, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, làm chủ vũ khí, trang bị; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, sát với đối tượng, địa hình tác chiến, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những kết quả đã đạt được của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng thời gian qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, tình hình thiên tai, bão lụt diễn ra liên tục, gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, song cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quân đội luôn là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Quân đội đã phối hợp hiệu quả với Công an và chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn tuyệt đối các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ Quân đội tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X; thường xuyên nắm vững tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước về chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế, xã hội; đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các cơ quan, đơn vị toàn quân tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”; ra sức xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng đơn vị vững manh toàn diện; tập trung rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tích cực làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại; nắm chắc tình hình, nâng cao cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; làm tốt công tác tư tưởng, định hướng dư luận, công tác chính trị nội bộ; nâng cao ý thức cảnh giác, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống âm mưu “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
Đồng thời, Quân đội tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Theo TTXVN

Sunday, November 19, 2017

NHỮNG BÀI THƠ HAY, Ý NGHĨA VỀ THẦY, CÔ GIÁO

 Chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 
xin kính tặng Thầy, cô giáo
 EM NGHE THẦY ĐỌC THƠ
Trần Đăng Khoa
Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quê nhà
Mái chèo nghe vọng sông xa
Êm êm như tiếng của bà năm xưa
Nghe trăng thuở động cầu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời
Thêm yêu tiếng hát mẹ cười
Yêu thơ em thấy đất trời đẹp ra.



 THẦY GIÁO VÀ CHUYẾN ĐÒ XƯA
Trần Quốc Đạt
Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều
Bay lên tựa những cánh diều
Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên
Rời xa bến nước quên tên
Giờ sông vắng lặng buồn tênh bóng người
Giọt sương rơi mặn bên đời
Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông
Mắt thầy mòn mỏi xa trông
Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian
 NGƯỜI LÁI ĐÒ
Thảo Nguyên
Một đời người - một dòng sông
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ
"Muốn qua sông phải lụy đò"
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa
Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò trí thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương
Con đò mộc - mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông
 ƠN THẦY CÔ GIÁO
Tri thức ngày xưa trở lại đây,
Ân tình sâu nặng của cô thầy!
Người mang ánh sáng soi đời trẻ
Lái chuyến đò chiều sang bến đây?
Đò đến vinh quang nơi đất lạ;
Cám ơn người đã lái đò hay!
Ơn này trò mãi ghi trong dạ
Người đã giúp con vượt đắng cay!
 NHỚ CÔ GIÁO TRƯỜNG LÀNG CŨ
Nguyễn Văn Thiên
Bao năm lên phố, làng xa
Nhớ con bướm trắng hoa vàng bướm quê
Nhớ bài tập đọc a ê
Thương cô giáo cũ mơ về tuổi thơ
Xiêu nghiêng nét chữ dại khờ
Tay cô cầm ấm đến giờ lòng em
Vở ngày thơ ấu lần xem
Tình cô như mẹ biết đem sánh gì
Tờ I nguệch ngoạc bút chì
Thấm màu mực đỏ điểm ghi bên lề
Thương trường cũ, nhớ làng quê
Mơ sao được một ngày về thăm cô.
 THẦY CÔ
Thầy chính là những vì sao thắp sáng,
Là đèn đường soi rạng lối em đi.
Còn cô là người mẹ hiền phú quý
Mà trời dành để dạy dỗ chúng em
Mỗi năm chỉ có một lần
Hai mươi, mười một, ngày dành Thầy cô
Học trò bao nét điểm tô
Khăn tơ, áo lụa, kéo vô chúc mừng
Trời thu nắng đẹp tưng bừng
Đứa thì hoa huệ, đứa thì cúc xinh
Tung tăng biểu lộ ân tình
Bao ngày mệt nhọc Thầy Cô dỗ dành
Bây giờ, giờ phút mỏng manh
Chúng em họp lại, kính cô, kính thầy
Ngày vui nhà giáo sum vầy
Mong thầy cô khỏe, trồng người tiếp sau.

NHỚ ƠN THẦY
Phan Trung Trực

Thầy ơi mấy khúc đoạn trường
Trăm năm vẫn mãi tình thương cho trò.
Ngày đông lặng lẽ chuyến đò
Vừa chèo vừa lái đưa đò sang sông.
Thầy sống với bao bão giông
Khổ cam chịu đựng trong lòng thầy thôi.
Em đi đến hết cuộc đời
Trong tim vẫn mãi những lời khắc ghi.


Friday, November 17, 2017

CHỮA TRỊ BỆNH HÁO DANH, HAM ĐỊA VỊ

QĐND - Ở đời, ai cũng muốn có một chữ danh. Nội hàm chữ danh chứa đựng ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp. Không chỉ là nhu cầu tự thân, khát vọng có một chữ danh chính đáng còn là động lực thúc đẩy con người phấn đấu không ngừng tiến bộ.
Tuy nhiên, do không hiểu biết chữ danh một cách thấu đáo mà không ít người đã có những suy nghĩ lệch lạc đến mức sa đà vào con đường háo danh, ham chuộng địa vị một cách thái quá. Đây cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã cảnh báo: Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện “háo danh, phô trương... “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi”.
Vì ham địa vị nên “lạm phát”… cán bộ
Không phải bây giờ, mà cách đây 90 năm, khi Bác Hồ viết tác phẩm nổi tiếng “Đường kách mệnh” (năm 1927), Người đã chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng, trong đó có một tiêu chuẩn là “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”. Cũng cách đây 70 năm, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), trong bối cảnh chính quyền cách mạng nước nhà còn non trẻ, tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn muôn vàn khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận diện, chỉ ra và cảnh báo những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên dễ mắc phải. Một trong những sai lầm, khuyết điểm đó là mắc bệnh hiếu danh, bệnh ham danh địa vị, bệnh hình thức. Theo Bác Hồ, những cán bộ, đảng viên mắc phải các căn bệnh này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực…

  Ảnh minh họa: Dân trí.
Sau bảy thập niên suy ngẫm lại mới càng thấm thía những điều tiên lượng, cảnh báo của Bác Hồ đến nay vẫn chưa hề mất tính thời sự, thậm chí những triệu chứng của căn bệnh háo danh, ham chuộng địa vị trong những năm gần đây càng trở nên trầm trọng hơn. Một trong những căn nguyên sâu xa dẫn đến thực trạng này là tư tưởng phong kiến “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn còn chi phối nặng nề trong tư tưởng một bộ phận khá đông cán bộ, đảng viên. Phần khác do tâm lý sĩ diện, háo danh, rất nhiều người mong muốn có cái công danh, địa vị trong xã hội để dễ bề ra oai, ra oách với thiên hạ!
Bên cạnh đó, những bất cập về cơ chế, chính sách cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho mức độ háo danh của một bộ phận cán bộ, đảng viên càng thêm nặng nề và dẫn tới tình trạng "lạm phát"... cán bộ! Theo báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 còn nhiều hạn chế; nhiều bộ, ngành tăng nhiều đầu mối, tăng số lượng cấp phòng trong vụ dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa số người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức làm công việc tham mưu. Thống kê tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy, nếu năm 2011 mới có 570 phòng thuộc vụ, thì đến tháng 7-2016, đã có 692 phòng thuộc vụ, tăng 122 phòng. Năm 2011, chỉ tính riêng tại các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỷ lệ công chức/cán bộ cấp phòng trở lên là 2,2/1, nhưng đến năm 2016, tỷ lệ này còn mất cân đối hơn là 1,6/1, tức là 1,6 công chức thì có 1 người làm quản lý. Cá biệt, có vụ có đến 3 hàm vụ trưởng, thậm chí có vụ có tới... 18 hàm phó vụ trưởng!
Theo kết quả kiểm tra, thanh tra của Bộ Nội vụ, từ năm 2011 đến tháng 9-2017, tình trạng “lạm phát” cán bộ xảy ra ở nhiều cấp, nhiều nơi. Một số địa phương có số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, số lượng phó phòng cấp huyện vượt quá quy định như tỉnh Hà Tĩnh có Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tỉnh Lai Châu có Sở Công Thương... Từ năm 2016 đến nay, dư luận từng xôn xao nhiều ngành ở địa phương “lạm phát” cán bộ bất bình thường như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên...
Cũng chỉ vì bệnh háo danh mà nhiều ngành, địa phương dù biết người được bổ nhiệm thiếu điều kiện, tiêu chuẩn (trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ…) nhưng vẫn bố trí vào chức danh lãnh đạo, quản lý. Đó là các tỉnh Đắc Nông, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Gia Lai, Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ...
Do không siết chặt công tác quản lý nhà nước về tổ chức biên chế, cộng với tâm lý dễ dãi, nể nang nên thời gian qua, nhiều cơ quan, tổ chức tự ý đẻ ra nhiều đầu mối, nhiều cấp trung gian rồi tranh thủ bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách tràn lan.
Tẩy rửa bệnh háo danh, khắc phục những khe hở về cơ chế, chính sách
Ở đời, ai cũng muốn có một chữ danh. Nội hàm chữ danh chứa đựng ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp. Không chỉ là nhu cầu tự thân, khát vọng có một chữ “danh” chính đáng còn là động lực thúc đẩy con người phấn đấu không ngừng tiến bộ.
Tuy nhiên, thời nay có những người háo danh, ham địa vị đến mức khác thường. Ở mức độ nhẹ, họ khôn khéo lấy lòng người khác, mua chuộc nhân tâm, ra sức ra luồn vào cúi, nịnh nọt, ton hót cấp trên để mong được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn. Nặng hơn, có người dù ở đâu, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ghế mà mình nhắm tới, bằng mọi cách để tiếp cận, leo lên được vị trí ngon, thậm chí không ngại ngần sử dụng đủ thứ mánh khóe, chiêu bài để chiếm đoạt được quyền cao chức trọng. Có người háo danh đến mức bất chấp luân thường đạo lý, quên cả tình bằng hữu, chà đạp lên tình đồng chí, đồng nghiệp, sẵn sàng biến đối tác thành đối thủ, hạ bệ người khác để đạt được tham vọng cá nhân. Dân gian có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Cái danh không bằng tài năng, đức độ, thực lực của bản thân tạo ra, mà càng phải mua đắt bao nhiêu thì giá trị của nó càng bị coi thường, rẻ rúng bấy nhiêu!
Vì vậy, về góc độ cá nhân, chúng ta phải có cách hành xử đúng mực về chữ danh chân chính. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn lòng tự trọng, biết tự thanh lọc tâm hồn và gột rửa tâm lý háo danh, kèn cựa địa vị; đồng thời nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng chân tài thực đức của mình. Suy nghĩ và hành động như vậy không chỉ vì sự tiến bộ chân chính của bản thân, mà còn góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
Về phương diện tổ chức, muốn ngăn chặn được tình trạng háo danh, ham địa vị, một trong những việc làm cần kíp hiện nay là các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, phải thấu triệt nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Kiên quyết thực hiện phương châm “3 giảm, 2 tinh”, tức là “giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó” và “tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế”. Thực hiện kiên quyết, triệt để "ba giảm" này không chỉ trực tiếp giảm được biên chế, giảm phụ cấp cán bộ, giảm chi thường xuyên, mà còn góp phần làm tăng thêm nguồn lực phát triển cho quốc gia, tăng thêm niềm tin cho nhân dân vào bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp. 
Người xưa có câu, không ai muốn lấy đá tự ghè vào chân mình. Việc sắp xếp lại tổ chức, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến quyền lợi, danh phận của cán bộ, công chức. Khi tiến hành công việc này ít nhiều gây ra xáo trộn nhất định trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến tâm tư của người trong cuộc, nhất là những người đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý phải chuyển sang vị trí công chức hoặc làm việc ở chức danh thấp hơn. Nhưng vì mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng, chúng ta không thể không làm đến nơi đến chốn vấn đề này. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nếu còn để tồn tại một bộ máy cồng kềnh, số người chỉ tay năm ngón nhiều hơn số người tham mưu, giúp việc sẽ dẫn đến tình trạng quan liêu nặng nề hơn, bộ máy vận hành khó trơn tru, thông suốt, công việc quản trị quốc gia khó thành công. Đây cũng là mầm mống làm nảy sinh nhiều hệ lụy cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
                                                                             THIỆN VĂN


Thursday, November 16, 2017

LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

(GDVN) - Ngày 20/11 hàng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ “tôn sư trọng đạo”. Tuy nhiên ngày Nhà giáo Việt Nam bắt nguồn từ đâu có lẽ không phải ai cũng biết.
Vào ngày 20/11, các thế hệ học sinh trên cả nước thường tặng hoa và quà chúc mừng các thầy cô giáo. Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguồn gốc của ngày lễ hiến chương nhà giáo Việt Nam
Tháng 01/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie - Thủ đô của Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. 
Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh.
Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Lần đầu tiên ngày được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958.
Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Hàng năm, kỷ niệm lịch sử ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của anh chị em giáo viên kháng chiến nói chung.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Ý nghĩa Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.


                                                              Ngọc Bích (Tổng hợp)


Tuesday, November 14, 2017

Sự tác động của “diễn biến hòa bình” tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

QĐND - Nhiều bạn đọc thắc mắc rằng “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có liên quan gì tới nhau, chúng tác động tới nhau như thế nào. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc một số thông tin.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, “diễn biến hòa bình” là yếu tố cơ bản thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đối với cách mạng Việt Nam, việc các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” chính là nhằm đẩy nhanh tiến độ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nước ta. Việc thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được chúng thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, với mọi cá nhân, tổ chức, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, hòng làm chuyển hóa từ nội bộ Đảng, tiến tới chuyển hóa chế độ sang chiều hướng tư bản chủ nghĩa một cách “êm thấm, hòa bình”. Có thể hiểu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là kết quả logic, là hệ quả trực tiếp của “diễn biến hòa bình”.
Nhìn vào thực tiễn có thể thấy, một trong những đòn tiến công quan trọng của “diễn biến hòa bình” là nhằm phá hoại về chính trị, tư tưởng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Biểu hiện của đòn tiến công này là các thế lực thù địch luôn chú trọng khoét sâu những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, duy trì kỷ luật của các tổ chức đảng. Chẳng hạn, chúng lợi dụng việc Đảng ta xử lý các cán bộ, đảng viên sai phạm, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong thời gian vừa qua để rêu rao, bịa đặt rằng Đảng ta “thanh trừng nội bộ”, “đấu đá lẫn nhau” v.v.. hòng hướng lái dư luận, gieo rắc tâm lý hoài nghi trong nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của việc kỷ luật Đảng. Các thế lực thù địch cũng đã tập trung mạnh vào việc xuyên tạc nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chế độ XHCN ở nước ta, hòng làm “tan rã lý tưởng và niềm tin”, gây ra “khủng hoảng về ý thức hệ” trong Đảng và nhân dân. Mặt khác, chúng không ngừng tạo dựng, cấu kết những phần tử ly khai, bất mãn, cơ hội chính trị, hòng hình thành những tổ chức, lực lượng đối lập về chính trị để tiến tới tranh giành quyền lãnh đạo với Đảng Cộng sản Việt Nam. Những chiêu trò này sẽ hỗ trợ cho tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra nhanh hơn.
Khi “diễn biến hòa bình” tác động bằng những mưu mô, thủ đoạn đa dạng, phức tạp, sẽ gây nhiều khó khăn cho chúng ta trong việc nhận biết, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tính đa dạng, đa chiều, thể hiện trên nhiều lĩnh vực của “diễn biến hòa bình” khiến chúng ta gặp khó khăn trong phân định đâu là “diễn biến hòa bình”, đâu là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đâu là những hạn chế, khuyết điểm hoặc đâu là ảnh hưởng, tác động của “diễn biến hòa bình” tới sai phạm của cán bộ, đảng viên. Sự khó khăn trong nhận thức có thể sẽ dẫn đến lúng túng trong xác định quan điểm, nội dung, biện pháp phòng, chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” phải gắn thật chặt với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phải kết hợp chặt chẽ các biện pháp giữa đấu tranh với các thế lực thù địch với giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dứt khoát phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, tài năng, tận tâm tận lực với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc thì mới tạo dựng và giữ vững được thành trì niềm tin trong nhân dân. Đó cũng là thành trì mà không thế lực thù địch nào có thể xuyên phá.
                                                                             TRẦN THÔN


ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG KỶ LUẬT NHIỀU CÁN BỘ CẤP CAO

 (Tổ Quốc) -Từ ngày 07 đến 09-11-2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 19. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung chính sau:
I- Về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
1- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 có các vi phạm, khuyết điểm sau:
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án, công trình trọng điểm, cụ thể:
- Tham mưu để Tỉnh ủy ban hành Quy chế làm việc, trong đó có quy định ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy xem xét, giải quyết một số nội dung vượt thẩm quyền theo Quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19/4/2007 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy.
- Quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với một số cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cục bộ, không bình thường. Thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cơ quan, tổ chức có số lượng phòng, số lượng lãnh đạo cấp phó sở, ngành và sử dụng lao động hợp đồng không đúng quy định.
- Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương đối với một số dự án sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, không phù hợp quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
- Buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm đối với một số dự án, công trình trọng điểm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xảy ra chủ yếu trong nhiệm kỳ 2010-2015.
2- Đồng chí Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 (đến tháng 02/2015), Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016 có các vi phạm, khuyết điểm sau:
- Với cương vị người đứng đầu, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
- Chịu trách nhiệm với vai trò chủ trì để Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương một số dự án có sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.
3- Đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 (đến tháng 9/2015) có các vi phạm, khuyết điểm sau:
- Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
- Với cương vị người đứng đầu UBND tỉnh, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh; để UBND tỉnh phê duyệt dự án vi phạm pháp luật, không phù hợp với quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; thanh toán trùng chi phí đầu tư gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Thiếu trách nhiệm trong việc quyết định giao chủ đầu tư dự án không có năng lực; phê duyệt đầu tư, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, giao chỉ định thầu một số dự án trọng điểm trái quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.
4- Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020 chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
5- Đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 có trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh trong công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015, của đồng chí Phạm Văn Vọng và đồng chí Phùng Quang Hùng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đã chủ động khắc phục một số vi phạm, khuyết điểm của nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020. Vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan và đồng chí Nguyễn Văn Trì chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan và đồng chí Nguyễn Văn Trì kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ theo thẩm quyền.
II- Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc phòng
UBKT Trung ương kết luận: Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Công Hàm đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Vi phạm của đồng chí đã làm ảnh hưởng đến uy tín và kỷ luật Quân đội, của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí.
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạmUBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Hoàng Công Hàm.
III- Xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh và đồng chí Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
UBKT Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 và đồng chí Phạm Thế Dũng như đã kết luận tại Kỳ họp 17 của UBKT Trung ương.
UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Phạm Thế Dũng là nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả khó khắc phục, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Phạm Thế Dũng.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 theo thẩm quyền.
IV- Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông
UBKT Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Văn Thử như đã kết luận tại Kỳ họp 17 của UBKT Trung ương. Trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí Nguyễn Văn Thử đã thiếu trách nhiệm, không chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm trong đầu tư xây dựng Kho lưu trữ tỉnh; vi phạm quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Nguyễn Văn Thử.
V- UBKT Trung ương đã xem xét các báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy các tỉnh Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long; kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Trị, Ninh Thuận; giám sát Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Bình và một số cá nhân; kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân đối với UBKT Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Qua kết quả kiểm tra, giám sát, UBKT Trung ương đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
VI- Cũng tại Kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng theo thẩm quyền 03 trường hợp; tham gia ý kiến về giải quyết khiếu nại kỷ luật 02 trường hợp thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư và cho ý kiến một số vấn đề quan trọng khác.
                                 Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương